Nhiều bà nội trợ đang đổ xô đi mua sữa dự trữ trước thời điểm các nhà sản xuất định tăng giá từ ngày 1/3, khiến không ít đại lý sữa đã áp dụng luôn giá mới mà không chờ giờ G. Một chủ cửa hàng ở chợ Tôn Thất Đạm giải thích: "Lô hàng cũ đã hết nên giờ phải nhập hàng mới theo giá từ 1/3 của công ty". Chị Oanh hồ nghi: "Ai mà biết có phải hàng mới hay đại lý lợi dụng nâng giá ăn tiền".
![]() |
Nhiều người tranh thủ mua sữa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại phố sữa Nguyễn Thông, TP HCM, 2 ngày nay lượng khách mua hàng đông nườm nượp. Chị Hương, nhân viên đại lý sữa Abbott ở khu vực này cho biết, nhiều người mua từ 5 hộp sữa Grow hay Gain trở lên "để dành". Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart cũng cho biết, mức tiêu thụ sữa tại siêu thị này cũng tăng vọt từ mấy ngày nay.
Theo các nhà sản xuất sữa tại Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng giá lần này là do chi phí nguyên liệu tăng quá cao, lên đến 40-50% so với thường lệ nên sữa thành phẩm cũng phải điều chỉnh thích hợp. Nếu trước Tết, giá nguyên liệu sau nhập khẩu chưa tính thuế khoảng 2.500-2.800 USD/tấn khi ký hợp đồng với đối tác, nay tăng lên đến 3.500-4.000 USD/tấn.
Đại diện hãng Tetra Pak - một công ty chuyên đóng gói bao bì sản phẩm - cũng cho biết hiện nay tất cả các nguyên vật liệu đóng gói bao bì đều tăng. Hãng này vừa quyết định tăng giá đóng gói các sản phẩm lên 2-6%. "Đây có thể là một trong những yếu tố khiến các hãng sữa trong nước tăng giá bán sản phẩm", vị đại diện này nhận xét.
WTO chưa "sờ" đến, sữa vội tăng giá
90% nhãn hiệu sữa có mặt trên thị trường Việt Nam thông báo sẽ tăng giá bán từ 1/3. Một số nhà sản xuất trong nước như Dutch Lady, Nutifood, "đang cân nhắc khả năng tăng". Mức tăng từ thấp nhất 5%, cao nhất 20%. Riêng HanoiMilk, sau thời gian thăm dò dự luận, sáng nay đã quyết định tăng với mức 5%. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty sữa Hancofood Lê Viết Hà xác nhận đây là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.
Nhiều khách hàng cũng đặt câu hỏi, tại sao cam kết WTO mức thuế nhập khẩu sữa các loại giảm 20% theo lộ trình 5 năm, vậy mà các hãng lại tăng giá bán.
"Thực tế thuế nhập khẩu hiện nay vẫn đang thấp hơn mức thuế cam kết nên không tác động nhiều đến giá thành, trong khi đó chi phí cao nhất trong giá thành là nguyên vật liệu chứ không phải thuế", ông Lê Viết Hà giải thích.
Giám đốc Quan hệ công chúng Nutifood Lê Hữu Đức cũng khẳng định, lộ trình giảm thuế theo cam kết WTO trong vòng 5 năm nên hiện tại, hội nhập chưa ảnh hưởng nhiều đến giá thành sữa trong nước. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng nhiều nhãn hiệu sữa ngoại đang tăng giá cao hơn mức tăng nguyên liệu là để chia bớt những chi phí quảng cáo, đầu tư cho thương hiệu đang gia tăng.
Việc tăng giá bán hằng năm của các nhà sản xuất sữa tại Việt Nam gần như đã trở thành thông lệ. Năm ngoái, nhiều hãng sữa đã ít nhất 2 lần tăng giá bán với lý do là chi phí xăng dầu, nguyên vật liệu tăng. "Nhưng mà tôi chỉ thấy tăng giá bán chứ chưa giảm bao giờ, mặc dù xăng dầu, hay nguyên liệu cũng có lúc giảm sốt", chị Oanh - bà mẹ của hai đứa con 3 và 8 tuổi, nhận xét.
Chị Kiều Linh ở Hà Nội qua người quen đã nhờ mua được 1 thùng (12 hộp) Pediasure loại to với giá cũ, 250.000 đồng/hộp. "Nghe đâu giá loại sữa này của Abbott sắp tới sẽ tăng thêm 10%, nếu vậy mình đã tiết kiệm được hơn một hộp. Nhưng mua rồi lại thấy bực mình, vì vào WTO, thuế giảm, giá hàng nhập khẩu giảm. Nay các hãng sữa lại công bố tăng. Mà lần nào cũng vậy, họ cứ tăng, mình vẫn phải mua", chị ấm ức.
P.A. - M.K.