Tại Hội thảo quốc tế về hỗ trợ sinh sản Life 2014 do Khoa Y, ĐH Quốc gia TP HCM, Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh, phối hợp với Merck Serono tổ chức, các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia nhìn nhận tỷ lệ sinh giảm là một thách thức lớn đối với hầu hết quốc gia. Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất toàn cầu.
Cách đây vài thập kỷ, nhiều chuyên gia lo sợ về sự bùng nổ dân số không thể kiểm soát được. Tuy nhiên đến nay, vấn đề báo động lại là tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh trên phạm vi toàn thế giới, ít nhất 60 quốc gia đã có tỷ lệ sinh thấp hơn đáng kể so với mức cần duy trì. Riêng tại châu Á, khuynh hướng này đang tăng lên do phụ nữ ngày càng sinh ít con, trì hoãn tuổi sinh hoặc không muốn có con.
Riêng Việt Nam, tỷ lệ sinh giảm đều đặn trong vòng 2 thập kỷ qua. Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011-2013 của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, nhưng Việt Nam chỉ mất 3 năm, từ 2005 đến 2008, đã chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa.
Dân số có sự gia tăng đều đặn hàng năm nhưng trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt dân số đáng kể. Nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản trung ương và ĐH Y Hà Nội thực hiện trên 14.300 cặp vợ chồng độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng là 7,7%, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Như vậy, ước tính trên mặt bằng dân số chung có từ 700 nghìn đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh.
Khảo sát SFA về nhận thức sinh sản trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012 của Merck Serono (chi nhánh tập đoàn dược Merck KGaA Darmstadt, Đức) tiến hành trên 1.000 phụ nữ tại 10 quốc gia còn ghi nhận thực trạng về những lỗ hổng kiến thức sinh sản của nhiều phụ nữ. Cụ thể, tâm lý “trời sinh voi sinh cỏ” còn phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước châu Á. Trước khi có con, các cặp vợ chồng thường không quan tâm đến việc đi khám để phát hiện sớm vô sinh và điều trị kịp thời.
Thống kê có 70% phụ nữ sau 6 tháng cố gắng thụ thai không được song không nghi ngờ về khả năng làm mẹ của mình, 83% phụ nữ không nghĩ đến trường hợp chồng có thể vô sinh, 85% phụ nữ khát khao làm mẹ nhưng thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản, 56% không biết đàn ông có thể vô sinh dù vẫn sản xuất được tinh trùng, 60% không biết phụ nữ không có kinh nguyệt sẽ không còn khả năng sinh con. Đặc biệt, có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền và Sức khỏe sinh sản Khoa Y - ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng tình trạng giảm sinh và việc du nhập lối sống phóng khoáng của nhiều bạn trẻ hiện nay khiến vấn đề phá thai và vô sinh trở nên nóng hơn bao giờ hết. Một trong những biến chứng lâu dài của việc nạo phá thai là gây vô sinh.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng, đặc biệt do yếu tố thứ phát, liên quan đến các bệnh viêm nhiễm qua đường sinh sản, bệnh do phá thai ở vị thành niên và thanh niên. Nữ giới khi mắc các bệnh này sẽ gây tắc vòi trứng, dẫn đến vô sinh. Mặt khác, hiện nay phụ nữ có xu hướng lập gia đình muộn, việc trì hoãn có con lâu dần cũng dẫn đến gia tăng tỷ lệ hiếm muộn. Việc dung nạp thực phẩm nhiễm hóa chất, hút thuốc, uống rượu bia nhiều, ít vận động cũng ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch của nam giới, từ đó dẫn đến vô sinh.
Công tác điều trị vô sinh mất rất nhiều thời gian. Trường hợp nhẹ, điều trị mất khoảng 1-2 tháng, còn nặng thì mất 5-7 năm, cá biệt có nhiều phụ nữ rơi vào tình cảnh xót xa mãi mãi không bao giờ được thực hiện thiên chức làm mẹ.
Theo bác sĩ Tường, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khả năng chữa khỏi vô sinh càng cao nhờ các tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ sinh sản. Chi phí cho điều trị vô sinh cao hay thấp còn phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện.
Gần đây, trong lĩnh vực điều trị vô sinh, ngành y tế Việt Nam có nhiều thành tựu được các quốc gia đánh giá cao. Đặc biệt, 2 phác đồ điều trị mà Việt Nam dẫn đầu trong khu vực là: Nuôi trứng trưởng thành trong ống nghiệm (IVM) và Kích thích buồng trứng ở những bệnh nhân nhẹ cân. Nhờ các phương pháp này mà tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam cao hơn hẳn so với tỷ lệ trung bình ở nước ngoài. Do đó, nhiều bệnh nhân nước ngoài cũng đến Việt Nam để chữa hiếm muộn.
Những dấu hiệu nhận biết vô sinh sớm: Vô sinh là tình trạng các cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không có thai trong vòng 12 tháng. Có 2 dạng cơ bản của vô sinh: vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát là trường hợp cặp vợ chồng chưa có thai lần nào. Vô sinh thứ phát là vợ chồng đã có ít nhất một lần mang thai, sinh sẩy hoặc phá thai kế hoạch, sau đó quá thời hạn một năm, họ muốn có thai mà vẫn không có thai trở lại. Tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ tương đương nhau. Do đó, cách tốt nhất là mỗi người nên tự kiểm tra sức khỏe sinh sản để có thể phát hiện sớm tình trạng vô sinh, hiếm muộn, phát hiện càng sớm thì càng có khả năng chữa trị. |
Thi Trân