Các cửa xả nước ra biển đều chứa nước thải ô nhiễm nặng từ sinh hoạt thường nhật, hoạt động du lịch, sản xuất - kinh doanh.
Đà Nẵng là nơi có những bãi biển thuộc nhóm 10 bãi biển đẹp nhất thế giới. Tình trạng này khiến người từng công tác trong lĩnh vực môi trường như tôi không tránh khỏi những suy tư nặng nề.
Cơ quan chức năng Đà Nẵng cho biết lý do là hệ thống xử lý nước thải ở đây đã quá cũ, công suất không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế ngày càng cao. Giải pháp tạm thời là san gạt bãi cát như một cách đắp điếm ô nhiễm, không cho dòng chảy ra biển.
Khắp nơi ở Việt Nam, rác đang được tuồn ra biển. Việt Nam được coi là một quốc gia thuộc nhóm đầu về sử dụng đồ nhựa một lần (tạo rác thải cực lớn) và rác thải đó theo gió, theo dòng nước trôi ra biển, mà phải cần tới vài trăm năm mới phân hủy được. Quá trình phân hủy cũng tạo nên các vi hạt nhựa, có thể xâm nhập vào các cơ thể sống, gây nên nhiều bệnh tật khó chữa.
Theo Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm 50-80% lượng rác thải biển. Việt Nam đứng thứ tư thế giới về lượng chất thải xả ra biển, với 0,28- 0,73 triệu tấn/năm (tương đương 6% tổng chất thải nhựa ra biển của thế giới).
Ngân hàng Thế giới từng có một nghiên cứu chi tiết vào 2015 về rác thải nhựa ở Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy, chỉ số bờ biển sạch (CCI) của nước ta ở mức 71% (100% là bẩn nhất), tức là ven biển nước ta rất bẩn. Từ kết quả này, có thể thấy câu chuyện dòng nước bẩn rẽ cát chảy ra biển tại Đà Nẵng nói trên cũng không có gì lạ.
Khi tài nguyên vùng lãnh thổ đã cạn dần, các quốc gia đã chú tâm đến kinh tế biển với những tiềm năng lớn. Nhưng khai thác tài nguyên luôn gắn với hiểm họa ô nhiễm môi trường. Tại những quốc gia ven biển, khai thác dải ven bờ cũng tạo ra những rủi ro lớn cho môi trường biển. Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra con số 12.000 vi hạt nhựa trong một lít nước biển. Có người so sánh "số hạt nhựa trong đại dương nhiều hơn số sao trên vũ trụ". Một bi kịch mới của loài người, đánh đổi cho sự phát triển dân số và kinh tế.
Vì vậy, Liên Hợp quốc đã soạn thảo Công ước quốc tế về Luật Biển, được các quốc gia ký kết vào năm 1982. Đây là văn bản công pháp để điều chỉnh hành vi của các quốc gia đối với vùng biển. Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu năm 1992 tại Rio de Janeiro về phát triển bền vững đã thống nhất khái niệm "quản lý tích hợp dải ven bờ" (Integrated Coastal Zone Management) để giúp cho khai thác bền vững trên vùng ven bờ biển.
Việt Nam là một quốc gia ven biển với vùng biển rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ, gồm nhiều đảo ven bờ và đảo xa, tài nguyên vùng biển phong phú, chứa đựng tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Quốc hội đã thông qua Luật Biển năm 2012 và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng Quy hoạch sử dụng biển giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tư duy quản lý trên tầm quốc gia là khá tốt, nhưng tư duy triển khai giữa các bộ ngành và địa phương lại vẫn chưa mạch lạc, thống nhất, đặc biệt là khi đối diện với cơ hội phát triển kinh tế. Chẳng hạn, hàng loạt dự án sản xuất thép đã được cấp phép đặt địa điểm tại vùng ven biển Việt Nam. Khu vực ven biển có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất gang thép, nhờ chi phí cho vận tải quặng, than, vật liệu, sản phẩm... sẽ giảm đáng kể trong giá thành sản phẩm. Ngược lại, rủi ro về thảm họa môi trường biển lại rất cao. Giá thành sản phẩm thấp thì nhà đầu tư có lợi lớn, nhưng thảm họa môi trường biển, ảnh hưởng đến sinh kế, sức khỏe thì mọi người phải gánh. Lợi riêng, nhưng hại chung.
Theo lý thuyết địa kinh tế và địa chính trị, biển và đại dương có ý nghĩa quyết định đối với sự mạnh hay yếu của mỗi quốc gia, thậm chí yếu quá sẽ có thể bị diệt vong. Trong thời kỳ hưng vượng của chủ nghĩa thực dân cũ, Vương quốc Anh là một hòn đảo độc lập, riêng rẽ trên biển, khó bị tấn công và dễ dùng hải quân mạnh để xâm chiếm các vùng đất khác. Những lợi thế này góp phần giúp Vương quốc Anh tạo nên một thời kỳ mà "mặt trời không lặn trên nước Anh".
Đến nay, chủ nghĩa thực dân cũ đã kết thúc và chuyển sang "chủ nghĩa thực dân mới" với hình thức "xâm chiếm" bằng kinh tế và văn hóa. Biển và đại dương vẫn giữ vai trò quan trọng, vì thế mà kinh tế biển chiếm một vị trí trọng yếu. Các quốc gia có biển đua nhau ra biển với hình thức mở rộng lãnh thổ, tạo ra các đảo nổi từ các đảo chìm, đa dạng hóa các hình thức kinh tế biển.
Trước đây, chỉ có hàng hải, đánh bắt hải sản và khai thác dầu khí là chính; nay du lịch biển, khai thác năng lượng tái tạo từ sóng biển và thủy triều, nông nghiệp biển với nuôi trồng hải sản đang phát triển mạnh. Muốn kinh tế biển tạo ra các sản phẩm sạch thì môi trường biển phải sạch. Muốn vậy thì phải hết sức cân nhắc mọi quyết định về các hoạt động có thể tác động làm bẩn vùng biển vốn từ xưa vẫn trong lành.
Đặng Hùng Võ