Kết quả khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chỉ ra trong 10 năm (từ 1994 đến 2014), độ phủ trung bình của san hô cứng ven biển Việt Nam giảm từ 34,6% xuống còn 21,1%. Số rạn san hô có độ phủ kém chiếm tỉ lệ 63% trên tổng số các rạn san hô cả nước.
Kết quả khảo sát mới nhất vào tháng 6/2019 tại khu vực Bãi Tiên (Khánh Hòa) độ phủ của san hô chỉ còn 8,2%. "Độ phủ san hô sống ở Bãi Tiên thấp hơn rất nhiều so với độ phủ trung bình của san hô sống ở vịnh Nha Trang là 20,3%", ông Bền nói và cho biết đã có nhiều biện pháp phục hồi nhưng độ phủ san hô trên cả nước ngày càng thấp.
Nguyên nhân của tình trạng này là do bão lũ, xây dựng các công trình ven biển, khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất độc hay vứt rác ra biển... "Tất cả hành động này đã gây áp lực trực tiếp giết chết hàng loạt tập đoàn san hô", TS Bền nói.
Từ năm 2001, Viện Hải dương học Nha Trang đã phục hồi san hô ở một số vùng biển như Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cát Bà... tỉ lệ sống đạt 60% và tốc độ tăng trưởng tốt sau khi phục hồi. Trong tháng 9 Viện sẽ nhân giống 600 tập đoàn san hô tại vườn ươm Bãi Tiên. "Khi có kết quả tốt sẽ nhân rộng ra toàn vùng biển", Viện phó Viện Hải dương học nói.