- Anh làm thế nào vượt qua giai đoạn khó khăn chung của làng thời trang giữa dịch?
- Covid-19 và việc phải đóng các cửa hàng suốt thời gian giãn cách xã hội làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người, nhất là với những mặt hàng cao cấp. Show Xuân Hè của tôi không thể ra mắt như mọi năm, dù đã lên kế hoạch. Khách hàng có điều kiện cũng không mua đồ mới vì chưa có dịp chưng diện.
Tuy nhiên, trong rủi có may. Tôi thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc con cái, nạp năng lượng để sáng tạo tiếp. Tôi cũng hoàn thành xong ý tưởng thiết kế khu nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng cho mình và các con, điều không thể làm trước đó vì quá bận. Từ xưa, tôi không chú trọng mua bán trực tiếp vì những tính chất đặc thù của ngành thời trang cao cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, tôi thử nghiệm kinh doanh online và bù đắp được phần thiếu hụt từ doanh thu cửa hàng, đủ để chăm lo cho sáu con.
- Tư duy làm việc của anh đã thay đổi thế nào?
- Tôi hiểu tâm lý mua sắm của khách hàng hơn. Các thương hiệu lớn trên thế giới đang thay đổi đường hướng, chuyển qua kinh doanh online để cứu lấy chính họ. Theo nhu cầu mới của thị trường, tôi xây dựng một thương hiệu thời trang giá mềm để phục vụ khách hàng tầm trung từ sau Tết. Tiêu chí tôi hướng đến là chất lượng tốt, giá cả phải chăng nhưng vẫn phải có tính thẩm mỹ cao. Đây cũng là cách tôi giành lại thị phần từ những đơn vị nhái chất liệu, mẫu mã của tôi nhiều năm qua.
- Các thiết kế anh tung ra trong giai đoạn này có gì khác trước?
- Trang phục giá mềm có chất liệu ít cao cấp như vải gấm in hoa văn chìm, ý tưởng thiết kế cũng đơn giản, ít nhấn nhá so với các bộ sưu tập cũ. Chẳng hạn, hoa 3D đính trên váy các bộ sưu tập trước rất đa dạng, sắc sảo, nhưng với dòng sản phẩm này chỉ có một kiểu giống nhau. Nhưng tôi vẫn giữ được chất lượng và kỹ thuật may từ trước đến nay của mình và đội ngũ thợ, xưởng. Tôi quan niệm dù bán giá nào vẫn phải giữ được phong cách riêng và những chi tiết đặc trưng: Phom dáng tối giản, đơn sắc, che được khuyết điểm người mặc, phù hợp với nhiều dáng người.
Tôi chỉ bán trên trang cá nhân, đặt mục tiêu đầu tiên là 50 bộ. Có người đặt mua hàng chục bộ cho mình và con gái. Vải dự trữ trong kho nhanh chóng hết, tôi vất vả để huy động nguồn cung ứng thay thế. Điều này hơi ngược dòng với thời cuộc, tôi nghĩ do mình may mắn. Đến giờ, khi đăng ảnh các mẫu váy tôi thiết kế cho con trên Facebook, khách vẫn nhắn tin hỏi mua đều đặn.
- Anh nghĩ sao nếu các thiết kế giá rẻ, mua dễ trên mạng làm giảm giá trị thương hiệu anh xây dựng nhiều năm qua?
- Khách hàng thân thiết của tôi không thắc mắc vì sao váy 50 triệu đồng chỉ còn tám triệu đồng. Tôi nghĩ họ hiểu cách chúng tôi tiếp cận đối tượng mới, kích cầu mua sắm thay vì giảm giá. Sau này, tôi ngưng sản xuất những mẫu váy giá 4-8 triệu đồng.
Tôi nghĩ khách hàng hiểu rõ sự khác biệt giữa hai dòng sản phẩm. Sắp tới, tôi muốn xây dựng một cách nhìn mới cho thời trang cao cấp. Show của Đỗ Mạnh Cường sau này sẽ hạn chế khách mời hơn, từ hàng nghìn xuống còn 100-200 người, tương tự show ở Sydney năm ngoái. Với thương hiệu chưa ra mắt, tôi tập trung phát triển đội ngũ làm online và mở chuỗi cửa hàng để đánh về số lượng. Hai cái tên, hai hướng đi khác nhau nên tôi không sợ bị đánh đồng.
Những người đã yêu thích đồ của tôi, dù là dòng nào họ cũng sẵn sàng ủng hộ. Chẳng hạn Diễm My, Hà Kiều Anh... rất kén chọn, hiếm khi nhận lời làm người mẫu cho các thương hiệu. Nhưng họ vẫn vui vẻ mặc bộ váy giá mềm chụp hình, "check-in" khắp nơi. Tôi tự hào về điều đó.
Vân An