Covid-19 khiến các hoạt động trong làng mốt Việt đình trệ từ sau Tết đến nay. Nhiều show diễn Xuân Hè 2020 đã bị hủy, hoãn, kéo theo doanh thu sụt giảm. Các nhà thiết kế, thương hiệu đang có những biện pháp tự cứu.
Chung Thanh Phong là người đi đầu trong việc chuyển hướng sản xuất thời trang sang đồ y tế. Bộ sưu tập vừa ra mắt của anh gồm trang phục lấy ý tưởng từ đồ bảo hộ, khẩu trang và nước xịt diệt khuẩn. Những chiếc áo phông có giá khoảng 680.000 – 780.000 đồng, jumpsuit khoảng 1,8 triệu, khẩu trang và nước rửa tay từ 55.000 - 150.000 đồng. Mức giá này khá thấp so với các bộ sưu tập trước của Chung Thanh Phong, với mục đích phục vụ số đông. Ngoài ra, như tên gọi "Save yourself", anh ra mắt bộ sưu tập để góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người, gồm công nhân và êkíp của mình.
Nhà thiết kế Liên Hương thiết kế khẩu trang đi kèm áo dài, không đặt mục tiêu lợi nhuận. Theo chị, những chiếc khẩu trang đẹp sẽ khuyến khích mọi người đeo nhiều hơn để giữ an toàn và góp thêm một thông điệp lạc quan thời dịch.
Nhà thiết kế Đỗ Long cũng sản xuất nước rửa tay diệt khuẩn khi show diễn giới thiệu bộ sưu tập Xuân Hè bị hoãn. Vào giai đoạn dịch bùng phát, anh ra mắt hai loại nước rửa tay cho người lớn và trẻ em. Đỗ Long ngạc nhiên khi số lượng tiêu thụ vượt ngoài mong đợi - khoảng 10.000 chai trong hai tháng. Anh nói: "Lợi nhuận mặt hàng này không cao, nhưng quan trọng là tôi vẫn tạo ra việc làm cho các nhân viên". Bên cạnh bán, anh còn tặng nước rửa tay cho khách quen và bạn bè, đối tác. Lê Thanh Hòa điều chỉnh về sản xuất để phù hợp thời cuộc, bằng cách ngừng thiết kế đầm dạ hội, thay bằng các bộ sưu tập nhỏ có tính ứng dụng cao, hạn chế đính kết rườm rà.
Các nhà mốt chuyển trọng tâm từ mua bán trực tiếp sang online. Chung Thanh Phong là nhà thiết kế Việt đầu tiên ra mắt bộ sưu tập theo hình thức livestream trên mạng xã hội. Anh tự dẫn dắt, thông tin sản phẩm được thể hiện qua hình ảnh khi livesream kèm giá tiền - điều anh không làm ở các bộ sưu tập trước. Theo nhà thiết kế, đây là cách anh chủ động thích nghi, ứng phó với dịch.
Đỗ Long tận dụng nền tảng trực tuyến xây dựng từ trước và trong dịch để đẩy mạnh quảng bá. Anh cho biết: "Trong khi bán nước diệt khuẩn, tôi cũng tạo được độ tương tác cao cho fanpage của mình với lượng khách đặt mua liên tục. Ngoài ra, tôi có thêm một tập khách hàng mới, những người trước đây chưa từng mua đồ của mình". Đỗ Long chủ động gửi hình ảnh bộ sưu tập cho khách hàng qua điện thoại, Facebook. Anh dặn dò nhân viên tăng cường online để trả lời khách sớm nhất có thể.
Tương tự, dù đóng cửa hàng thời gian qua, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa vẫn đi làm, tư vấn thời trang qua điện thoại cho khách, tiếp xúc với váy áo mỗi ngày để duy trì cảm hứng sáng tạo. Lâm Gia Khang làm quà lưu niệm gửi tận tay từng khách hàng, đối tác, kèm theo lookbook bộ sưu tập Xuân Hè 2020. Theo anh, đây là thời gian tốt để tăng cường chăm sóc khách hàng, kể cả khi họ chưa có nhu cầu mua đồ.
Trong lúc nỗ lực duy trì hoạt động, các nhà thiết kế cũng tính đường đi nước bước cho tương lai. Ngay khi hết giãn cách, Đỗ Long mời Ninh Dương Lan Ngọc làm mẫu cho bộ sưu tập mới, dựa vào sức ảnh hưởng trên mạng của diễn viên.
Đỗ Mạnh Cường chuẩn bị ra mắt dòng thời trang mới với mức giá mềm (khoảng bốn, năm triệu đồng), đáp ứng nhu cầu mới trước những xáo trộn về kinh tế. Những mẫu thiết kế lẻ được anh tung ra trước để thăm dò thị trường đều thu về phản hồi tốt và bán chạy. Hoa hậu Hà Kiều Anh, diễn viên Diễm My... là những khách hàng đầu tiên của dòng sản phẩm này. Anh dự định mở chuỗi cửa hàng toàn quốc để phục vụ khách hàng tầm trung.
Nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn lên kế hoạch cho sự kiện ra mắt bộ sưu tập mùa hè vào tháng 6. Vì chưa hết dịch, anh đang phân vân giữa việc tổ chức tiệc cocktail tại cửa hàng hay làm show quy mô nhỏ ngoài trời. "Bộ sưu tập Resort 2020 của tôi bán khá chạy, bởi thiết kế phù hợp với không khí mùa hè và khó lỗi mốt. Dù trong giai đoạn kinh tế khó khăn, tôi vẫn sửa cửa hàng, tuyển dụng thêm nhiều thợ để phục vụ cho kế hoạch đường dài", anh cho biết.
Lâm Gia Khang hướng tới những khách hàng mua sỉ ở nước ngoài (buyers). Trong dịch, khâu thiết kế và sản xuất, chuỗi cung ứng gặp nhiều gián đoạn nhưng anh vẫn bán được bộ sưu tập cho các buyers từ tháng 3.
Lê Thanh Hòa nhận định xu hướng mua sắm mới sau dịch sẽ chú trọng chất lượng, giá trị nhiều hơn số lượng. "Mọi người suy nghĩ, đắn đo nhiều hơn. Có lẽ phải đợi đến khi có event, tiệc tùng trở lại thì nhu cầu mua sắm mới tăng. Cũng có thể là không, bởi kinh tế của mỗi nhà ít nhiều đều bị ảnh hưởng", anh nói.
Trên thế giới, từ tháng 1, các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Burberry, Chanel... phải thay đổi kế hoạch kinh doanh vì diễn biến phức tạp của dịch. Tại Milan Fashion Week, Giorgio Armani tổ chức show không khán giả, phát trực tuyến buổi trình diễn trên mạng xã hội. Tuần lễ thời trang Thượng Hải (Trung Quốc) hợp tác với Alibaba ra mắt nền tảng trực tuyến cho phép các nhà thiết kế giới thiệu bộ sưu tập Thu 2020. Tập đoàn LVMH - sở hữu Christian Dior, Louis Vuitton... - sử dụng nhà máy nước hoa sản xuất nước rửa tay. Gucci, Prada, Balenciaga, Yves Saint Laurent, thương hiệu đồ bơi cao cấp Karla Colletto... cung ứng hàng chục nghìn khẩu trang, quần áo y tế.
Vân An