Show The Muse 2 vừa khép lại vào ngày cuối của năm 2017 với một màu đỏ rực rỡ, đánh dấu chặng đường 10 năm sự nghiệp, đồng thời mở ra một hành trình mới của Đỗ Mạnh Cường. Theo quan niệm của người phương Đông, đỏ là màu tượng trưng cho hạnh phúc và đủ đầy.
"Đã có rất nhiều sóng gió, nhưng cuối cùng, tôi vẫn ở đây và có sự ủng hộ của tất cả mọi người", Đỗ Mạnh Cường xúc động nói khi cùng bé Nhím - con trai nuôi - và hoa hậu Kỳ Duyên bước ra chào kết show. Hôm ấy, anh mặc chiếc áo gắn trăm bông hồng đỏ thẫm. Mẹ anh, hàng chục nàng thơ, đồng nghiệp, bạn bè, khách hàng thân thiết đã đến để ủng hộ nhà thiết kế.
* Đỗ Mạnh Cường xúc động ở cuối show "The Muse" 2
Để khoác lên mình chiếc áo phủ đầy hoa hồng kiêu hãnh ngày hôm đó, Đỗ Mạnh Cường vượt qua không ít chông gai, thất bại và cô đơn trong công việc lẫn đời tư.
Anh vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ở tuổi 21, sau ba lần thi trượt ngành báo chí. Lên năm thứ hai, anh xin phép mẹ sang Pháp học thời trang. Nhiều người thân, làng xóm ngăn cản vì cho rằng Đỗ Mạnh Cường không thể làm nghệ thuật. Tuy vậy, bà Hà Minh đứng về phía con, xem như canh bạc cuộc đời để ít ra con trai có nghề nuôi sống bản thân.
Bảy năm ở Pháp, Đỗ Mạnh Cường hầu như không có bạn, chỉ tập trung học. Ở trường, anh làm bài tập nhiều gấp ba, bốn lần người khác "để thầy cô phải nhớ tới mình". Trong trí nhớ của Lê Hà - người bạn thân hiếm hoi của Cường, đêm nào anh cũng thức rất khuya làm bài, nhiều lúc chỉ chợp mắt hai tiếng. Trong bài thi tốt nghiệp ở trường Chambre Syndicale De La Couture Parisienne, Đỗ Mạnh Cường là một trong 20 sinh viên đạt điểm cao nhất với bộ sưu tập "Trophees Saint Roch" được biểu diễn ở bảo tàng Lourve. Anh còn được Dior chọn làm thực tập sinh một năm - niềm khát khao của nhiều sinh viên thiết kế thời trang.
Năm 2007, Đỗ Mạnh Cường được mời từ Pháp về Việt Nam trình diễn bộ sưu tập đầu tiên "Cô Đơn". Bộ sưu tập lấy ý tưởng từ nỗi cô đơn của người nghệ sĩ sau ánh hào quang sân khấu. Bộ sưu tập độc màu đen đã gây ấn tượng mạnh với phong cách avant-garde nổi loạn. Một năm sau, Đỗ Mạnh Cường quyết định một thân một mình về nước lập nghiệp. Anh tiếp tục đưa sự kịch tính, dữ dội vào các bộ sưu tập tiếp theo như Nạn nhân thời trang (2008), Tiếng chim hót trong bụi mận gai (2009) gây tranh luận trái chiều. Trong khi giới chuyên môn thích thú với sự cầu kỳ trong kỹ thuật cắt, xếp lưới, tạo khối phồng của nhà thiết kế trẻ mới vào nghề, đa số người tiêu dùng không chấp nhận kiểu quần áo lạ lùng này.
Đỗ Mạnh Cường khi ấy cho rằng: "Phải làm những thứ điên điên khùng khùng như thế mới được gọi là thời trang". Anh bỏ ngoài tai những lời góp ý, một mình đi ngược đám đông. Chỉ một người nhìn thấy sự dũng cảm ở nhà thiết kế trẻ và đặt niềm tin ở anh từ ấy đến nay, đó là doanh nhân Huy Cận. "Cường thấy mình cô đơn nhưng vẫn lựa chọn nó. Tôi hiểu điều ấy hơn ai hết, bởi tôi cũng cô đơn trong hướng kinh doanh của mình. Vì thế tôi chọn gắn bó với Cường và hạnh phúc với điều đó", doanh nhân sinh năm 1969 nói. 10 năm đồng cam cộng khổ, giờ họ là tri kỷ của nhau.
Dần dần, với sự giúp đỡ của Huy Cận, Đỗ Mạnh Cường chuyển hướng kinh doanh, tập trung hơn vào đồ ứng dụng dành cho doanh nhân thành đạt, đồng thời tổ chức show diễn quy mô lớn. Với tiêu chí thiết kế thanh lịch, sang trọng, phù hợp nhiều độ tuổi, môi trường, công việc, Đỗ Mạnh Cường chỉ làm đồ suông, bodycon, thắt eo xòe dưới, còn họa tiết thay đổi theo mùa. Anh tiếp tục bị khán giả chê tẻ nhạt, thiếu sáng tạo, đột phá. Thậm chí, anh nhiều lần bị cho là đạo thiết kế của những hãng mốt lớn. Đỗ Mạnh Cường đáp trả những chê bai bằng cách kiên định với hướng đi riêng, tự tin với năng lực. "Tôi không có nhu cầu phục vụ người chỉ thích xem và chê bai. Tôi chỉ quan tâm đến khách hàng muốn bỏ tiền mua sản phẩm của mình. Một nhà thiết kế thành công là khi bộ sưu tập của họ đắt hàng chứ không phải nhận được những lời khen nức nở rồi đem về cất trong tủ kính".
* Hành trình 10 năm của Đỗ Mạnh Cường
Để giúp thiết kế ứng dụng hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng, Đỗ Mạnh Cường và Huy Cận dàn dựng những sân khấu choáng ngợp cả về chi phí lẫn ý tưởng. Trong sáu năm qua, anh là nhà thiết kế Việt duy nhất tổ chức được hai show đều đặn mỗi năm. The Muse, Le Jardin, Butterfly, Sea of memory, The Twins, La Vie En Rose, Love, Countryside, The Little Black Dress và Life in Color. Việc làm show cá nhân riêng từ năm 2012 đến nay khiến doanh thu của họ thường vượt mức 100% so với chỉ tiêu của từng năm. Trong khi đó, từ năm 2012 trở về trước, con số này dừng lại nhiều nhất ở mức 30 - 40 %.
Nhưng một bộ phận khán giả vẫn chưa thỏa mãn. Họ cho rằng anh cố tình chơi trội, khoe mẽ hoặc chê anh phung phí khi bỏ số tiền khổng lồ làm show. Đỗ Mạnh Cường không nao núng: "Trong lúc họ 'ném đá' tôi, tôi bận rộn trả lời các lời chúc mừng kèm theo đơn đặt hàng của khách từ Mỹ lẫn Việt Nam. Tôi thành công hơn sau mỗi thị phi".
Chọn lối đi khác biệt trong thời trang, Đỗ Mạnh Cường còn cô đơn trong đời sống riêng.
Cường hay bị chê "có phong thái khó ưa", lúc nào cũng xuất hiện với cặp kính đen và chiếc mũ lưỡi trai che nửa mặt. Anh lúc thì choàng một chiếc khăn lớn, khi lại mặc váy ra đường. Kiểu nói chuyện kiêu căng của nhà thiết kế đôi lúc cũng không tạo được cảm tình với phần đông công chúng.
"Ẩn dưới vỏ bọc ấy là một người có trái tim giàu tình cảm, nhút nhát", mẹ anh nói. Bà Hà Minh đi Mỹ từ năm anh học lớp 11 để lo cho gia đình. Sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm của mẹ, lại không hay nói chuyện với bố và hai chị em ruột, Đỗ Mạnh Cường càng trở nên lầm lỳ, khép kín.
Vốn đã ít nói từ nhỏ, khi trưởng thành, Đỗ Mạnh Cường càng sống khép mình với nỗi cô đơn thường trực. Năm 22 tuổi, anh đối mặt cú sốc tình cảm đầu đời. Cuộc tình ngang trái khiến anh chán nản, bỏ học và đi lang thang khắp nơi để trốn chạy thực tại.
"Khi yêu, tôi có thể phát điên. Đó là quãng thời gian vô cùng kinh khủng. Nhiều sự thay đổi phức tạp trong tâm lý xảy đến. Tôi cảm thấy rất hoang mang giữa chuyện yêu và không yêu. Đã có lúc, tôi từng định tự tử vì tình yêu ấy". Vì đau khổ, anh quyết định cạo tóc và giữ kiểu đầu đó đến hôm nay.
Trong cuộc sống hiện tại, Đỗ Mạnh Cường chưa hết cô đơn. Năm 2014, cơ duyên cho anh gặp con trai nuôi - bé Nhím trong chuyến từ thiện tại ngôi chùa ở Long An. Trong số những đứa trẻ ngụ tại cửa chùa hôm ấy, Nhím cứ nhìn anh lại cười toe toét. Anh bế bé suốt và kể từ lần đó, Đỗ Mạnh Cường nhận bé làm con nuôi.
Cay nghiệt với những cú châm chọc trên mạng xã hội, nhưng với người thân, với con, Cường dành những lời ngọt ngào nhất: "Con là món quà tuyệt vời nhất mà bố có trong đời". Huy Cận nói trong suốt 10 năm ở cạnh nhau, anh chỉ thấy Cường khóc vì Nhím. Và cũng từ khi có Nhím, Cường cười nhiều và hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, Nhím nay đã lên bốn tuổi nhưng nhà chùa vẫn chưa cho phép anh đón con về ở cùng. Hai năm đầu tiên, mỗi tuần Nhím được về nhà một, hai lần. Hiện tại, anh chỉ được đón con về nhà mỗi tháng một lần nếu có lý do chính đáng. Đỗ Mạnh Cường chia sẻ mỗi lần đưa con trở lại chùa là một lần anh đau như cắt từng khúc ruột. Anh nhiều lần rơi nước mắt vì thương con bơ vơ. Hiện tại, mong muốn được đón con về ở cùng vẫn luôn đau đáu trong anh.
Thị phi và nỗi cô đơn là hai thứ dường như song hành trên đoạn đường đã qua của Đỗ Mạnh Cường. Nhưng nhà thiết kế vẫn không ngừng quyết tâm và hài lòng với lựa chọn của mình. Anh không ngại dư luận, không sống để chiều lòng tất cả. Nhìn lại quãng thời gian thăng trầm ấy, anh cho rằng bão tố chỉ khiến cuộc đời mình bớt tẻ nhạt.
"10 năm qua tôi không có gì để hối tiếc. Lúc nào tôi cũng thấy mình may mắn. Mọi thứ xảy đến với mình, từ scandal đến những áp lực trong công việc và cuộc sống, tôi đều trân trọng. Và nếu cuộc đời tôi là một bộ phim, chắc chắn nó sẽ mang tên là thú vị và may mắn", Đỗ Mạnh Cường tâm sự.
* Show thời trang "The Muse 2"