Lúc ấy là buổi chiều cuối hè trong phòng làm việc của ông ở cuối hành lang tầng ba một tòa nhà Jussieu. Để đến phòng làm việc thân quen này, nơi chúng tôi đã bao lần nghe ông giảng bài, tôi đã suy nghĩ và day dứt rất nhiều ngày, sau khi làm xong thạc sĩ: làm sao tôi có thể nói với ông là tôi không tiếp tục học với ông nữa mà sẽ làm tiến sĩ ở một trường khác.
Tất cả đã diễn ra trái ngược với những lo âu dằn vặt của tôi, ông lắng nghe với sự chăm chú trái hẳn vẻ giễu cợt hài hước thường ngày; và ông nói với tôi rằng chắc chắn rồi đây tôi sẽ cần thư giới thiệu của ông nên ông viết ngay cho tôi một lá thư. Trong lúc ông viết thư, tôi chôn chân đứng lặng nhìn lại phòng làm việc của ông, nhìn lại những bức tranh nhỏ bé treo trên tường và cái bảng xanh quen thuộc; và từ từ dâng lên trong lòng tôi ý nghĩ sẽ chẳng bao giờ mình còn được học như thế nữa, chẳng bao giờ mình còn được học Toán như thế nữa.
Chỉ đến khi gần ra đến cửa phòng, tôi cố gắng bình tĩnh, ngước mắt nhìn thẳng vào gương mặt của ông, tôi cố nói thật rõ ràng: "Tôi xin cảm ơn ông". Ông nói: "Không có gì", nhưng tôi vội nói ngay: "Không, không phải vì bức thư". Khi ấy, ông cảm nhận được sự chân thành của tôi, lòng biết ơn của tôi với tất cả bài giảng của ông, với những tận tình giúp đỡ của ông, và với cả sự thanh thản lớn lao mà ông đã mang đến cho tôi ngày hôm nay. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi với sự nghiêm nghị, ân cần, và nói: "Đó là công việc của tôi".
Từ hôm ấy tôi đã thấy cả một bầu trời mới đang mở ra trước mắt mình, tự do và thanh thản, những day dứt và áy náy đã được cất bỏ, dường như mình đã được tiếp thêm một nguồn năng lượng trong lành và khoáng đạt.
Câu nói của ông in vào tâm trí tôi qua những ngày học tiếp theo. Khi về nước, tôi gặp lại những người thầy, người bạn ngày xưa, gặp những đồng nghiệp mới, có nhiều người đã làm tôi nhớ lại câu nói của ông, những người đã dành thời gian, tâm huyết và sự nghiêm khắc của mình để hướng dẫn học trò, những người đã bỏ công sức và giữ một sự nghiêm cẩn để nhận xét hay phản biện từng luận văn, luận án; tất cả với sự tự nhiên không hề nghĩ đến sự biết ơn. Bởi vì đó là công việc.
Sau này, có lần tôi gặp lại thầy giáo của tôi ở Chevaleret. Ông họp ở phòng họp lớn Sous Marin ngay sát phòng làm việc của tôi ở tầng 6. Giờ cafe, tôi nói chuyện với ông và giới thiệu phòng làm việc của mình. Ông cười bảo ông biết rồi vì đã họp vài lần ở Sous Marin và ông trưởng khoa của tôi có nói chuyện với ông về tôi. Ông chỉ cho tôi phòng làm việc của ông ở tầng 9 dãy nhà đối diện, có thể nhìn chếch xuyên qua cửa kính, và rồi pha chút hài hước giễu cợt của ngày xưa ông bảo tôi: "Thỉnh thoảng tôi thấy phòng làm việc của cô sáng đèn từ sớm tinh mơ và tôi nghĩ: cô học trò này cũng chăm chỉ đấy chứ".
Những sớm tinh mơ, bao giờ tôi cũng thích những khoảng thời gian tinh mơ khi mình là người đầu tiên mở cửa lớp, và sau này mở cửa phòng học, rồi sau này nữa mở cửa phòng làm việc. Những sớm tinh mơ ngày xưa khi ngồi viết luận văn thạc sĩ, tôi có thể biết khi nào thầy giáo tôi đến vì ông thường huýt sáo từ đầu hành lang, chỉ một bài thôi.
Những sớm tinh mơ mùa thu rồi mùa đông năm xưa ấy, khi từ bến metro Jussieu đi lên tôi không vào ngay trường mà đi tiếp lên con đường dốc Rue des Boulangers từ phố Linné, ven theo các ô cửa kính của quán Relais Jussieu. Đến giữa dốc, tôi sẽ dừng và quay lại, nhìn lên ô cửa sổ tầng ba thường đã sáng đèn, xuyên qua những cành cây gầy gộc trụi lá, chỉ để thấy một bức tranh nhỏ treo trên cao. Khi mùa xuân đến những lá cây xanh nõn rồi xanh dương, những chùm hoa tím rồi những cánh hoa bay, tất cả đã che đi ô cửa sổ.
Những lúc ấy tôi thường hay nhớ lại khi thầy giáo tôi tiễn tôi ra cửa, lần đầu tiên ông bắt tay tôi và nói: "Cô hãy cố học Tin học thật tốt nhé, nhưng giả sử có khi nào, chỉ giả sử thôi, cô thích học Toán thì hãy quay về đây, học Toán với tôi".
Phan Thị Hà Dương