Tại lễ khởi công đêm thơ, nhạc, kịch Hoa cúc xanh hôm 17/8, khi nhắc đến Lưu Quang Vũ, Đỗ Kỷ rơi nước mắt vì thương. Cả hai có thời gian dài quen biết khi làm việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Nghệ sĩ nhớ cuộc trò chuyện cuối cùng vào đêm rằm tháng 7/1988, đoàn diễn vở Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Lớn nhưng bị mất điện. Họ chờ đến hơn 9h tối vẫn chưa có, đành xin lỗi khán giả, hoãn đến hôm khác.
Sau đó, cả hai ra vườn hoa tâm sự. Lưu Quang Vũ nói sẽ đi Hải Phòng, hẹn hai ngày về tiếp tục dựng vở cùng Đỗ Kỷ. Hai hôm sau, khi nhà hát đang diễn, khán giả cười nghiêng ngả theo từng lời thoại trên sân khấu, phía sau cánh gà, ông nhận tin đàn anh qua đời. Khi ấy, Nghệ sĩ Đình Quang nắm chặt tấm rèm nhung thẫn thờ, ông và các đồng nghiệp ôm nhau nức nở. Kết thúc vở diễn, họ vội vàng đạp xe đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để nhìn mặt Lưu Quang Vũ lần cuối.
Đỗ Kỷ cũng là người chứng kiến sự ra đi của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận - bố Lưu Quang Vũ, năm 1981 tại Nhà hát Lớn. Khi ấy, nghệ sĩ bế ông Thuận từ tầng hai nhà hát xuống xe cấp cứu để đưa về nhà riêng.
Thuở đàn anh còn sống, Đỗ Kỷ nhiều lần tới chơi nhà Lưu Quang Vũ, ở tập thể 96 phố Huế (Hà Nội). Căn nhà có mấy mét vuông, chỉ toàn sách là sách, chật chội nhưng lúc nào cũng đông đúc bạn bè văn nghệ sĩ. Tại đây, ông nhiều lần được ăn cơm, nghe vợ chồng đàn anh đàm đạo về nghệ thuật.
Trong ký ức của Đỗ Kỷ, đàn anh cẩn thận từng chi tiết, là tác giả hiếm hoi kiên nhẫn ngồi nghe diễn viên đọc từng lời thoại. Mỗi lần thấy lời chưa hay, Lưu Quang Vũ thường sửa ngay tại chỗ. Cần yêu cầu diễn thêm hay lời thoại nhân vật chưa đạt, tác giả viết lên mảnh giấy nhỏ đưa cho diễn viên.
Sau này khi dựng vở tốt nghiệp đạo diễn, Đỗ Kỷ chọn tác phẩm Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ. "Vở kịch đó được mang đi diễn khắp trong Nam ngoài Bắc, khoảng vài trăm đêm. Tôi vô cùng biết ơn. Anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh đã giúp tâm hồn tôi lớn lên, được sống đàng hoàng hơn", nghệ sĩ nói.
Trong đêm thơ, nhạc, kịch sắp tới, Đỗ Kỷ sẽ cùng vợ - nghệ sĩ Lan Hương - biểu diễn một tiết mục đặc biệt, chưa được tiết lộ. Chương trình lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh và vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ.
Đêm diễn dự kiến gồm bốn phần: Bầu trời trong quả trứng, Tự hát, Sóng và Hoa cúc xanh. Bầu trời trong quả trứng kể về cuộc đời ngắn ngủi của vợ chồng thi sĩ. Tự hát là chân dung Xuân Quỳnh qua âm nhạc và những đoạn phim tài liệu ngắn, phát giọng thật của cả hai. Sóng khắc họa hình ảnh nữ sĩ "dữ dội và dịu êm" trong tình yêu với Lưu Quang Vũ bằng các tiết mục thơ. Hoa cúc xanh là tác phẩm kịch do Nguyễn Hoàng Điệp viết kịch bản, đạo diễn Trần Lực dàn dựng. Chương trình dự kiến diễn ra vào ngày 5-6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, còn có sự tham gia của nghệ sĩ Lê Khanh, Chiều Xuân, Minh Trang, ca sĩ Thanh Lam, Bùi Lan Hương...
Đỗ Kỷ sinh năm 1961, là diễn viên Khóa 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông từng là Phó giám đốc nhà hát, Trưởng phòng Nghệ thuật của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Ông dàn dựng nhiều vở như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Đi tìm điều không mất, Chuyện vặt người lính... Ở lĩnh vực truyền hình, ông góp mặt trong các phim Hương đất, Người phán xử, Cuồng phong...
Lưu Quang Vũ (1948-1988) là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita...
Nữ sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988) nổi tiếng với bài Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa..., tập thơ Hoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may, Tự hát... Nhà thơ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.
Hiểu Nhân