- Covid-19 có lẽ là dịp hiếm hoi trong cuộc đời cầu thủ, Đỗ Hùng Dũng được ở bên gia đình cả tháng trời. Nó khác gì so với những ngày bình thường?
- Hà Nội là tâm dịch nên mọi hoạt động của tôi đều gói gọn trong nhà. Nhà có đủ máy chạy, máy đạp xe, chun, tạ rồi nên tôi vẫn có điều kiện tập luyện để duy trì thể lực. Với cầu thủ bóng đá, điều đó rất quan trọng, không phải khi có dịch, chúng tôi mới quan tâm tới vấn đề này.
Một cầu thủ phải có ý thức giúp cơ bắp luôn trong trạng thái hoạt động không ngừng. Bóng đá khó nói trước điều gì, nên tập được tới đâu phải cố gắng, tăng cường sức mạnh giảm thiểu rủi ro chấn thương. Trong mùa giải, có những quãng nghỉ ngắn, dù chỉ hai hoặc ba ngày, tôi đều tranh thủ để tự rèn luyện sức khỏe.
- Thế còn chuyện ăn uống?
- Đa phần cầu thủ Việt Nam đều tự học, tự chăm sóc bản thân. Tùy vào mức độ, cường độ tập luyện, tôi sẽ điều chỉnh chế độ ăn. Mỗi ngày, tôi đều tính toán lượng calo nạp vào và tiêu hóa. Ví dụ, hôm nào tập sức bền tốc độ, tập thiên về sức mạnh thì sẽ ăn thêm cơm, thêm thịt bò để bổ sung protein cho cơ bắp. Nhưng những ngày tập nhẹ, sức bền là chủ yếu thì chủ động tiết chế, ăn giảm tinh bột lại.
Tôi thường "lận lưng" một hộp sữa. Đó là thực phẩm nhiều chất béo, bổ sung canxi. Nếu hôm nào ăn chưa đủ no, thì uống sữa, hoặc ăn sữa chua, sẽ giúp cơ thể đảm bảo đủ chất, lại tiêu hóa nhanh. Thịt, cá cũng tốt nhưng tiêu hóa lâu, ăn xong phải mất vài tiếng để thẩm thấu. Quan trọng nhất là sau khi ăn xong, cơ thể phải có khả năng hấp thụ và tiêu hóa nhanh. Chuyện này cũng giống việc trước giờ thi đấu, tôi phải ăn nhẹ mỳ Ý và uống nước táo, vì đó là đồ ăn giàu dinh dưỡng nhưng dễ tiêu, không khiến mình nặng bụng.
- Anh dùng phương pháp hay thiết bị nào để tính toán lượng chất ra-vào trong cơ thể?
- À, dễ thôi, bây giờ cứ Google là có hết. Mình tìm kiếm trên đó, chỉ cần gõ câu lệnh "một bát cơm hoặc một gram thịt bò tương đương bao nhiêu calo" là sẽ có ngay đáp án. Rồi mình căn cứ vào khối lượng tập, vì thông số calo tiêu hao đều hiển thị trên máy, từ đó cộng trừ nhân chia là có ngay công thức, chế độ ăn cho bữa ngày hôm đó.
- Hùng Dũng đã có gia đình. So với thời trai trẻ, cuộc sống của anh thay đổi thế nào?
- Ngày xưa, tôi ít về nhà lắm. Nhưng giờ có con rồi, nên tập xong là vội vàng lao về ngay. Ở nhà đợt này, tôi cũng tập làm những công việc thường nhật, chia sẻ với vợ. Nhưng cũng không có nhiều thay đổi lắm, vì tôi đã chuẩn bị cho ngày này từ rất lâu rồi, mọi thứ đều trong tính toán.
Thậm chí, sau khi đỉnh dịch đi qua, có những việc tôi còn tranh cả phần vợ làm. Tính cầu thủ là thế, về nhà không làm gì là ngứa ngáy tay chân. Phải vận động, việc nhà cũng là việc, không cần phải đao to búa lớn gì.
- Đàn ông thường trưởng thành hơn sau khi có con. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
- Với tôi, trưởng thành là một quá trình của những trải nghiệm và va vấp. Có con, chỉ là thời gian ít đi, ngày ngắn lại, chứ tôi vẫn là tôi. Tôi luôn tự dặn và tâm niệm "phải là chính mình". Có thể nếu mình thay đổi, trưởng thành theo cách "mọi người kỳ vọng", mình sẽ đánh mất điều gì đó thì sao? Quá mải mê chuyện nhà cửa, thì phong độ đi xuống, còn ngược lại, dành thời gian cho công việc quá nhiều, thì gia đình không êm ấm. Mình phải giữ cái đầu lạnh, cân đối hài hòa mọi việc.
- Cuối năm ngoái, khi con trai mới chào đời, anh không thể ở bên vì bận dự SEA Games 31- giải đấu lịch sử của bóng đá Việt Nam. Lý do nào khiến anh quyết định hy sinh hạnh phúc làm cha để tới Philippines?
- Trước giải, HLV Park Hang-seo gọi tôi lên phòng và bảo: "Tôi biết cậu mới có con đầu lòng, nhưng khoảnh khắc này Tổ quốc gọi tên cậu. Tôi hy vọng cậu hiểu rằng giải đấu là niềm mong mỏi của 90 triệu người Việt Nam. Nếu cần, tôi có thể gọi điện nói khó với vợ cậu".
Rồi tôi gọi về hỏi vợ, bảo rằng "Anh có nên đi không?". Hỏi thì hỏi thế thôi, mình hỏi vì tôn trọng vợ, chứ trong đầu đã có sẵn câu trả lời rồi. Nói thật, là cầu thủ thì ham lắm. Năm năm trước, tôi chỉ mong sẽ được ra sân thường xuyên, và bây giờ có cơ hội lịch sử, tại sao lại không đi?
- Anh là một trong hai cầu thủ lớn tuổi tham dự SEA Games 31, cùng Trọng Hoàng, và cũng từng dự ASIAD với tư cách tương tự. Trải nghiệm cùng lứa trẻ cấp quốc gia có gì đặc biệt?
- Ở Asiad, đội vẫn có anh Văn Quyết, anh Anh Đức. Nhưng ở SEA Games, tôi là cầu thủ lớn tuổi, sau đó lại được đeo băng đội trưởng thay Quang Hải chấn thương, nên cũng có ít nhiều vai trò trong đội. Mình là anh lớn, phải có trách nhiệm hô hào động viên, bảo ban các em, truyền tải ý tưởng của HLV.
Kỷ niệm thì rất nhiều, vì đó là giải đấu đặc biệt mà. Ngay sau trận bán kết SEA Games, vừa vào phòng thay đồ còn chưa kịp cởi giày, thầy Park đã nói những điều tâm huyết: "Lịch sử chỉ có một lần. Các bạn sẽ là người viết lên lịch sử chứ không phải tôi, tôi không thể vào sân đá thay mọi người. Tối nay về hãy nghỉ ngơi và giữ sự tập trung cao độ".
Hôm sau, trong buổi họp đội, trên tư cách người anh lớn, tôi chỉ có một lời khuyên nhỏ với các đồng đội: "Anh chỉ có một yêu cầu là các bạn hãy dừng sử dụng mạng xã hội, chỉ trong hai ngày thôi. Đừng lên mạng, đọc những lời chúc mừng, ca tụng và cuốn theo nó. Hãy mặc kệ tất cả, vì những lời chúc đó đâu giúp chúng ta giành chức vô địch, khi trận đấu cuối còn chưa diễn ra".
Tôi quan niệm, đã chơi bóng đá là phải giữ cái đầu lạnh. Kể cả thắng 1-0, 2-0, 3-0, hay bị dẫn trước, rồi cả khi HLV trưởng bị thẻ đỏ lên khán đài, vẫn phải "lạnh", đá đúng đấu pháp. Mọi người còn nhớ hình ảnh Văn Hậu ghi bàn trong trận chung kết, nhưng khi mừng thì ra dấu ký hiệu hai tay chùng xuống. Ý cậu ấy muốn nói "Bình tĩnh thôi, phía trước còn nhiều khó khăn". Đá bóng, quan trọng nhất là kết quả, chức vô địch.
Phải nói thế này, vào SEA Games, chúng tôi chịu áp lực rất khủng khiếp. Nhiều thế hệ đàn anh, vì không đoạt HC vàng SEA Games, đã đánh mất nhiều thứ. Nhưng cũng chính vì hiểu rõ điều đó, nên tôi và đồng đội càng phải tỉnh táo.
- So với lứa cầu thủ thành danh tại giải vô địch U23 châu Á 2018, Hùng Dũng dường như là trường hợp "nở muộn", khi phải tới những năm 2015-2016 mới được đông đảo người hâm mộ biết tới. Đâu là lý do khiến anh không phải gương mặt thân quen tại các lứa trẻ trong quá khứ?
- Ngày xưa điều kiện không được như bây giờ. Mỗi năm chỉ chờ vài trận giải U19, U21, thời gian cọ xát thực tế rất ít. Rồi lên đội một, khả năng tiếp thu kiến thức từ các đàn anh cũng không được là bao, vì khi đội đi thi đấu thì mình ở nhà. Tất nhiên, cuộc đời hay sự nghiệp quan trọng phải có tính "thời điểm", khi mình nắm được cơ hội, được chơi nhiều ở giải hạng Nhất thì sự tự tin tăng cao.
Nhưng bóng đá bây giờ chuyên nghiệp, lại có thêm nhiều cái hay khác. Thời bọn tôi không được như các em, nhưng vì thế mà khi đá đội một, vừa có các anh lớn lại có cả những bạn trẻ giàu nhiệt huyết. Ngày xưa, mình chỉ có anh Quyết, anh Lương để nhìn vào, nhưng giờ có lứa Quang Hải, Văn Hậu, Đức Huy... Tôi học được nhiều điều từ các bạn trẻ, vì tập với các bạn, mình sẽ nhớ lại ngày xưa, bằng tuổi ấy mình còn chưa làm được gì, thiếu sót gì.
Cũng nhờ những điều đó, tôi được sinh hoạt trong một tập thể vừa có kinh nghiệm, vừa có sức trẻ, nói chung là môi trường tốt để mình thăng tiến trong sự nghiệp. Rồi sau đó, tôi được lên ĐTQG, tiếp cận những đỉnh cao mới, trải nghiệm ở nhiều sân chơi hơn.
- Trong hai năm qua, sau khi đã đi tới nhiều nơi tham dự nhiều giải đấu quốc tế cấp độ cao, đâu là đội bóng khiến Hùng Dũng ấn tượng nhất?
- Có lẽ là Iran. Tôi không tự ti, nhưng họ là đội đá World Cup, đẳng cấp rất khác. Nhìn tương quan vị trí trên bảng thứ bậc FIFA là thấy rõ rồi. Họ hơn chúng ta thể lực, chiến thuật, tư duy. Bóng đá Iran đã đi rất xa rồi.
- Còn những đối thủ trong khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan và Malaysia?
- Người ta hay nói Đông Nam Á là "vùng trũng của thế giới" nhưng những năm qua, bóng đá khu vực đã có nhiều chuyển biến. Các CLB, đội tuyển thi đấu với những đội hàng đầu châu Á chỉ thua sít sao. Trình độ đã dần được rút ngắn, tiệm cận dần.
Về Thái Lan, giải VĐQG của họ có thể chuyên nghiệp hơn, cái đó mình chưa qua được. Nhưng nói thật nhé, bản thân tôi chưa từng xem Thái Lan là động lực phấn đấu. Tại sao chúng ta không nhìn xa hơn, nhìn lên hẳn Nhật Bản, Hàn Quốc đi? Chúng ta vượt qua Thái Lan xong thì làm gì tiếp? Qua họ rồi mình chơi vơi, nhìn lên mới thấy còn rất xa mới tới được nhóm đầu châu Á ư? Không, vượt qua bóng đá Thái Lan không quan trọng. Mục tiêu thiết thực và trong tầm tay của Việt Nam là những nền bóng đá hàng đầu châu lục. Không việc gì phải nhìn vào người Thái cả.
- Anh nhắc tới Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nền bóng đá hàng đầu châu Á. Ở quan điểm cá nhân, Hùng Dũng cho rằng Việt Nam nên đi theo triết lý kỹ thuật của người Nhật hay tính kỷ luật của người Hàn?
- Tôi nghĩ trước tiên, chúng ta cần phải là... chúng ta, là người Việt Nam. Làm sao để tối ưu hóa thể trạng, năng lực người Việt, chứ không phải là đi theo Nhật, theo Hàn hay theo một trường phái nào cả. Từng lứa cầu thủ sẽ cho ra từng sản phẩm, ưu điểm khác nhau. Con người là quan trọng nhất, chiến thuật hay cách vận hành ra sao đều phải dựa trên con người, nền tảng vốn có.
- Từ góc nhìn của dân trong nghề, theo anh, vị trí nào trên sân là phù hợp nhất với cầu thủ Việt Nam để có thể giành suất đá chính tại một môi trường nước ngoài?
- Không phải cụ thể vị trí nào, cái cần thay đổi nhất với cầu thủ Việt Nam là tư duy chơi bóng. Thể lực, thể trạng rất cần nhưng những cái đó chúng ta đều đã có thể thay đổi nhờ dinh dưỡng và tập luyện. Nhưng tư duy chơi bóng sẽ quyết định chúng ta đi xa tới đâu. Tại sao Xavi, Iniesta không to lớn gì về thể hình, nhưng họ vẫn chơi đỉnh cao được? Chúng ta phải tập để chơi bóng nhanh hơn, đỡ bóng gọn hơn và suy nghĩ nhanh hơn. Những cầu thủ chơi bóng thông minh như Quang Hải sẽ có nhiều cơ hội.
- Theo anh, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng như thế nào khi cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu?
- Biết tiếng Anh tốt cho cuộc sống, không chỉ là bóng đá. Tôi thích học tiếng Anh từ bé. Nó giúp tôi mở mang kiến thức. Mỗi thứ biết mỗi thêm một chút cũng tốt, có thể chẳng để làm gì đâu, nhưng nó cho mình nhiều điều, một bài học chẳng hạn. Gần đây, tôi còn thuê gia sư dạy tiếng Anh. Tôi biết bắt đầu giờ cũng là hơi muộn rồi, nhưng thà muộn còn hơn không.
Học tiếng Anh cũng giống như mua thực phẩm, bồi bổ dinh dưỡng, không tiếc tiền được. Đầu tư cho bản thân chưa bao giờ là lãng phí cả. Mình học thêm cái này cái kia, ít ra là đã có điều kiện hơn nhiều người chưa có dịp tiến cận rồi.
Tới giờ, tôi luôn tâm niệm mình là người học việc, phải học nữa, học mãi. Nói về đá bóng, mỗi lần ra sân tập, vào trận đấu, tôi luôn mang tâm thế của người mới, cần học hỏi. Khi 24-25 tuổi, tôi mới được học chuẩn chỉ cách đỡ bóng bước một, rồi học cả những em trẻ nhưng giỏi hơn.
- Dường như, Hung Dũng đang có những sự chuẩn bị cho hành trang hậu giải nghệ. Bên cạnh tiếng Anh, anh còn mở một cửa hàng bán giày bóng đá?
- Thật ra cửa hàng đó không hoàn toàn là của tôi. Có một người anh ở Sài Gòn muốn mở hàng giày, nhờ tôi tham gia cộng tác, giúp quản lý. Có kinh doanh mới hiểu thương trường đúng là cơ cực, mình tận tình hướng dẫn, giới thiệu sản phẩm cho khách nhưng mua hay không lại là do quyết định của họ, mình không làm thay được. Nói thật lòng, kinh doanh khó hơn đá bóng vì phải dùng trí não nhiều hơn.
- Nhưng có bao giờ, anh sợ rằng việc kinh doanh không được như ý muốn?
- Nếu thua, tôi cũng sẽ có bài học cho mình. Thất bại là mẹ thành công mà. Nhưng tôi sợ thua đá bóng hơn là thua kinh doanh.
Tiền mất có thể kiếm lại được, nhưng sự nghiệp bóng đá không dài, lại có tính khoảnh khắc. Để nó trôi qua sẽ không bao giờ lấy lại được. Như SEA Games, nếu đợt đó không vô địch, chắc chắn tôi sẽ không còn cơ hội quay trở lại giải đấu ấy.
- 2019 có thể nói là một năm trọn vẹn của Hùng Dũng, khi anh giành cú đúp danh hiệu quốc nội, vô địch SEA Games, lấy vợ sinh con và lấn sân sang một lĩnh vực mới. Đó đã là cảnh giới cuối cùng của đời cầu thủ chưa?
- Về mặt danh hiệu, có thể cho là vậy. Nhưng cá nhân thì không, người ta tới 32-33 tuổi vẫn còn phát triển, tôi không trẻ, nhưng chưa già, còn nhiều năm phấn đấu. Cristiano Ronaldo năm nay 35 tuổi, nhưng vẫn ghi bàn, vẫn bật nhảy như thời trai trẻ. Tôi luôn lấy đó làm hình mẫu, động lực phấn đấu.
- Tuy nhiên, một bác sỹ thể lực từng làm việc ở Việt Nam có lần phát biểu rằng "Người Việt chỉ có thể phát triển tới một tầm nào đó". Anh nghĩ sao về điều này?
- Nói chuyện tầm vóc, giới hạn là vô cùng. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran dự World Cup từ những năm 1990, nhưng đá mãi cũng chỉ tới vậy, chưa thể so với châu Âu hay Nam Mỹ. Nhưng không phải vì thế mà họ không học hỏi, không đầu tư. Chỉ là đầu tư thế nào, chọn tấm gương nào để học chứ không phải du nhập ồ ạt từ nước ngoài về.
Câu chuyện ở Việt Nam cũng vậy thôi. World Cup vẫn là mục tiêu xa vời, nhưng Asian Cup, hay các giải đấu châu Á thì có thể, người Việt hoàn toàn làm được. Suy cho cùng, cốt lõi vẫn là ta biết ta ở đâu, ta cần gì. Các chuyên gia nước ngoài là vô cùng cần thiết, nhưng một chuyện nhỏ là đưa bài tập vào để tập thế nào cho phù hợp cũng là cả quá trình thấu hiểu lẫn nhau. Mã gen của người Việt khác người châu Âu, người Nam Mỹ, nên không phải cứ bài tập nào hay ở nước bạn là sẽ đúng với người Việt. Ví dụ, bắt cầu thủ Việt tập chạy trên nền bê tông, anh cũng biết là đường bê tông ở Việt Nam chưa phẳng phiu, chạy như thế sẽ làm hỏng đầu gối. Chưa kể, thời tiết Việt Nam cũng khắc nghiệt.
- Tối 26/5, danh tính chủ nhân Quả Bóng Vàng Việt Nam sẽ được công bố. Nằm trong danh sách rút gọn, anh nghĩ mình có bao nhiêu % cơ hội là người đứng trên bục cao nhất?
- Thực ra, tôi... không quan tâm tới việc có giành giải hay không. Được thì cũng vui, nhưng không được cũng chả sao. Đời cầu thủ, tôi quan tâm nhất là hôm sau, tháng sau, năm sau, mình có còn được vào sân nữa không. Giải thưởng phản ánh kết quả của một năm, ghi nhận những nỗ lực của một mùa giải, nhưng không phải sự đảm bảo cho tương lai phía trước.
- Vậy anh quan tâm tới điều gì cho tương lai?
- Tôi nghĩ mình sẽ làm một cái gì liên quan tới bóng đá, dù là bán hàng hay chuyên môn. Có thể là HLV, tôi tin mình làm được nghề huấn luyện.
- Nhưng rất nhiều trường hợp trong lịch sử cho thấy, đá bóng giỏi không có nghĩa là sẽ huấn luyện hay. Anh hình dung thế nào về những khó khăn trong tương lai?
- Tôi đã có sự chuẩn bị từ lâu cho nghề cầm quân. Tôi ghi chép, học hỏi từ những trải nghiệm của chính bản thân. Bây giờ, tôi cũng là HLV của chính mình và các cầu thủ trẻ. Tôi có những trải nghiệm mà lứa HLV trước kia chưa từng được biết tới, như việc đi thi đấu ở các sân chơi lớn như Asian Cup, AFC Champions League, AFC Cup.
Như những chuyến đi ở AFC Cup năm ngoái không chỉ là cơ hội mở mang về chuyên môn, mà còn giúp toàn đội biết thêm về nhiều vùng đất, nhiều nền văn hóa. Sang Turkmenistan, tôi mới thấy khí hậu ở đó tuyệt vời, tập rất sướng. Bên đó, cái gì cũng màu trắng và xanh lá cây, rất lạ mắt.
Rồi chuyến đi chín ngày "bão táp" ở Triều Tiên, không điện thoại, không ra khỏi khách sạn, đi tập mất tới 45 phút di chuyển, ra đường không thấy mấy ô-tô chỉ toàn xe đạp, cuộc sống ở đó giống như cách đây 20 năm vậy. Đấy là những điều vô giá bóng đá mang lại. Có thể, kinh nghiệm của tôi sẽ giúp ích những học trò tương lai.
- Chọn trở thành HLV, anh hướng tới hình mẫu chiến lược gia nào?
- Tôi thần tượng Pep Guardiola.
- Tại sao là Pep mà không phải một HLV khác, như Jose Mourinho chẳng hạn?
- Pep là người xây dựng bản sắc, còn Mourinho thì không, đấy là tôi nghĩ thế. Pep đi tới đâu, đội đó cũng trở thành những CLB tấn công hàng đầu thế giới. Nhưng Mourinho chỉ thành công ở Inter và Chelsea, phần vì ông ấy giỏi phòng ngự - tấn công, nhưng phần khác, là vì hai đội đó vốn dĩ đã có bản sắc đá phòng ngự. Khi Mourinho sang Real và Man Utd, đấy là hai đội tấn công có truyền thống, nhưng lại phải đá kiểu phòng ngự, chịu đựng chờ thời cơ, thất bại là lẽ tất yếu.
- Thế còn HLV Park Hang-Seo, theo anh, điều gì làm nên thành công của chiến lược gia người Hàn Quốc?
- Thầy Park là người cẩn thận, tính toán chi li và sắp xếp mọi thứ rất khoa học, đâu ra đấy. Đội ngũ hậu cần có tới mười mấy người, nhưng không ai dẫm chân lên ai, mỗi người như bánh răng cứ thế vào guồng quay trơn tru. Hơn nữa, thầy từng có những năm tháng đỉnh cao khi làm trợ lý cho Guus Hiddink, và tôi thấy thầy có cách quản trị tài tình.
Ví dụ, khi tập trung trong giải, kế hoạch một trận đấu đã được ê-kíp huấn luyện thông báo từ bốn đến năm ngày trước trận. Tiếp cận trận đấu ra sao, đá thế nào khi bị dẫn bàn hay khi dẫn trước, mọi thứ đều có trong tính toán của thầy.
- Bên cạnh ông Park, những HLV nào khác trong sự nghiệp giúp định hình con người Hùng Dũng như hiện nay?
- Có nhiều HLV đi cùng tôi trong nhiều năm tháng từ những ngày đầu. Nhưng tựu trung lại có bốn người. Đầu tiên là HLV Trương Việt Hoàng, người cho tôi cơ hội thể hiện bản thân ở giải hạng Nhất. Chú Hoàng là người luôn trao niềm tin tuyệt đối cho tất cả học trò, kể cả những cầu thủ trẻ. Rồi tới HLV Nguyễn Đức Thắng, người giúp tôi cải thiện thể lực. HLV Phạm Minh Đức lại là người tỉ mỉ, sửa cho học trò từng động tác nhỏ nhất. Và khi lên đội một đá V-League, HLV Chu Đình Nghiêm lại dạy cầu thủ cách tính xa, tính đường dài, đá xong trận này là nghĩ tới trận sau. Mỗi HLV giúp tôi xây dựng thêm một phần trong con người, phong cách.
*Đỗ Hùng Dũng - con dao trong tay áo của HLV Park Hang-seo
*Tiền vệ Phạm Đức Huy: 'Tôi chấp nhận làm tất cả vì gia đình'
*Jurgen Gede: 'Bầu Đức chẳng thèm nhìn mặt tôi'
An Ngọc