Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân vừa có chuyến công tác ở Nga trong tháng 9. Nhạc sĩ trở lại nhạc viện Traikovxki tại Moscow - nơi anh cùng nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam từng theo học. Đỗ Hồng Quân gắn bó với nhạc viện từ năm 1976 tới năm 1985. Anh tốt nghiệp bằng đỏ năm 1981 và tiếp tục ở lại làm nghiên cứu sinh chuyên ngành sáng tác, chỉ huy dàn nhạc.
Lần này, Đỗ Hồng Quân được mời trở lại trường để thay mặt những học trò xuất sắc trên toàn thế giới của giáo sư Albert Leman biểu diễn trong Festival Âm nhạc kỷ niệm tròn 100 năm sinh của nhạc sĩ quá cố. Albert Leman (1915-1998) là Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga Xô-viết, nhà hoạt động Nghệ thuật Công huân Liên bang Nga Xô-viết, giáo sư Nhạc viện Traikovxki... Ông là người từng đào tạo nhiều nhạc sĩ Nga và các nước, trong đó có Việt Nam.
Đỗ Hồng Quân cho biết tại Liên hoan, anh giới thiệu tác phẩm Trổ một được anh viết từ khoảng 2007 - 2008 cho dàn nhạc giao hưởng, dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam là làn điệu chèo. "Trổ" là một cách gọi trong chèo tương đương với "Đoạn".
Đích thân Đỗ Hồng Quân chỉ huy dàn nhạc của Bộ quốc phòng Nga. Anh cũng là nghệ sĩ duy nhất vừa là tác giả, vừa là chỉ huy tại Liên hoan. Nhạc sĩ cho biết anh rất hạnh phúc khi tác phẩm được khán giả tại phòng hòa nhạc lớn của Nhạc viện Traikovxki đón nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, nhiều khán giả thích thú khi được nghe âm hưởng chèo của Việt Nam trong một tác phẩm giao hưởng.
Theo Đỗ Hồng Quân, người thầy của anh - Albert Leman - đã mang tới cho các học trò một phương pháp sáng tác nhất quán là luôn đi từ gốc dân gian. "Thầy dạy chúng tôi phải đi từ dân tộc, lấy dân tộc làm gốc. Bản thân ông khi sáng tác cũng dùng nhiều chất liệu dân gian của các vùng trên nước Nga, kết hợp với kỹ thuật sáng tác hiện đại". Tác phẩm Trổ một vang lên tại Nhạc viện Traikovxki như một cách báo cáo kết quả và chứng minh sự đúng đắn trong phương pháp giảng dạy của Albert Leman, từ một học trò xuất sắc của ông.
Cũng trong thời gian ở đây, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tham dự Liên hoan âm nhạc mới Âu - Á lần thứ 12 diễn ra tại Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan (Liên bang Nga). Anh cũng giới thiệu tác phẩm hòa tấu viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng có tên Đối thoại. Dàn nhạc Quốc gia Tatarstan thể hiện tác phẩm dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Zoia Deniody người Mỹ gốc Hy Lạp. Tác phẩm hòa quyện giữa chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam với tinh thần phương Tây, hài hòa giữa Âu và Á.
Đỗ Hồng Quân còn tự hào khi thay mặt cho hơn 12 đoàn nước ngoài phát biểu chào mừng Liên hoan âm nhạc mới Âu - Á. Theo nhạc sĩ, các nước bạn đánh giá cao uy tín của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Festival âm nhạc mới Âu - Á diễn ra ở Hà Nội và Quảng Ninh lần đầu tiên tháng 10/2014. Năm 2016, ban tổ chức đề nghị trở lại Việt Nam. Với tư cách Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, Đỗ Hồng Quân cho rằng Việt Nam đang dần khơi thông giao lưu âm nhạc chuyên nghiệp với thế giới qua những hoạt động như thế này.
Di Ca