Tối qua, người yêu nhạc ở Hà Nội được chìm đắm trong cảm xúc với những màn trình diễn ấn tượng của dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cùng các nghệ sĩ Violin Stepan Yakovich, Bùi Công Duy, nghệ sĩ đàn Harp Nana Kinemura, ca sĩ Nhật Thủy, nghệ sĩ Soprano Hà Phạm Thăng Long, nghệ sĩ Tenor Mạnh Dũng dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản - Honna Tetsuji. Bảy tác phầm lần lượt gieo cảm xúc cho khán giả gồm: "Nostalgia Passacaglia" (Kyrgyzstan); "Những ô cửa" Chương I (nhạc sĩ Trọng Đài; "A time for prayer" (Nhật Bản); Bản Giao hưởng số 9 "Cửu Long dậy sóng" chương 3 "Đêm trăng Tháp Mười" (nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam; "Miền xa thẳm" (nhạc sĩ Đức Trịnh); đoạn trích Opera "Cô Sao" (nhạc sĩ Đỗ Nhuận); "Chiếu dời đô" (nhạc sĩ Doãn Nho). Các tác phẩm trong đêm diễn bế mạc viết về những chủ đề khác nhau của cuộc sống, phản ánh cảm xúc triết lý sâu sắc của cá nhân với quê hương, thế giới và nhân loại. Tất cả tạo nên bức tranh hòa âm đa dạng, sắc thái khác nhau, khắc họa vẻ đẹp cuộc sống, những cung bậc về nội tâm con người. Với khả năng hát opera, ca sĩ Nhật Thủy đã có những giây phút thăng hoa, hòa mình vào tác phẩm "Miền xa thẳm". Tiết mục gây xúc động với khán giả và giành những tràng pháo tay không ngớt. Ca khúc lột tả câu chuyện bi hùng và lãng mạn của những người lính - những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi với tình yêu bất tử trên dải Trường Sơn huyền thoại. Vở thanh xướng kịch "Chiếu dời Đô" (phần 1) được nhạc sĩ Doãn Nho viết nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Nhạc sĩ kể lại hành trình vua Lý Công Uẩn đến Đại La bằng đường thủy qua nhiều con sông. Trong vở này, ngoài các nhân vật có thật như: vua Lý Công Uẩn, Quốc sư Vạn Hạnh, võ tướng Đào Can Mộc... còn có sự xuất hiện của tuyến nhân vật thần thánh trong truyền thuyết dân gian Việt Nam như: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thần nữ My Nương (mẹ Lúa), công chúa Tiên Dung. Các vị thần, vị thánh hiển linh trong hành trình dời đô của nhà vua, chỉ dạy cho vua cách trị nước, mở rộng bang giao, lập quốc kết hợp chặt chẽ việc dựng nước và giữ nước. Ngoài ra, còn có tuyến nhân vật đại diện cho nghề truyền thống ven sông Hồng như: nghề nông, rèn, đúc, giấy, dệt... Cuối lễ bế mạc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phát biểu: "Gần 100 tác phẩm được trình bày đã vẽ nên bức tranh sinh động, đầy màu sắc về âm thanh, về tình hữu nghị, đoàn kết và về tài năng của các nhạc sĩ đương đại Á - Âu. Chia tay nhau ở đây, nhưng các nhạc sĩ sẽ vẫn kết nối trái tim với nhau bằng âm nhạc. Khi chúng ta nghĩ đến âm nhạc, âm nhạc vang lên, nghĩa là chúng ta đã gần nhau". Nhân dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam" cho các nhạc sĩ quốc tế tham dự festival. Trước lễ bế mạc, ngày 11/10, lễ hội còn tổ chức trình diễn ở Hang Đầu Gỗ, Hạ Long và chương trình "Giai điệu bạn bè" tại Cung văn hóa Việt - Nhật. Với tiết mục ở Hang Đầu Gỗ, sân khấu được làm bằng gỗ, đặt trong lòng hang, đủ cho 40 diễn viên có thể cùng diễn tấu. Không sử dụng bất kỳ kỹ thuật, âm thanh điện tử nào, buổi diễn 30 phút gây ấn tượng độc nhất vô nhị khi chỉ có âm thanh mộc từ các nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn tam thập lục, đàn tỳ bà, sáo, kèn, trống... vang vọng trong lòng hang được thắp sáng bằng những ngọn nến. Các tiết mục Bản cổ nhạc cung đình Huế "Lưu thuỷ Kim tiền, màn độc tấu nhạc cụ hơi ba miền Bắc - Trung - Nam "Non sông một dải", hát văn "Chân quê", song tấu Pí Lè "Sức sống" và tam tấu trống "Ngẫu hứng nhịp chèo"... lần lượt được các nghệ sĩ NSƯT Hùng Việt, NSƯT Xuân Bắc, Hằng Nga, Thuý Hằng, Hải Nam... trình diễn. Tối 11/10, trong chương trình "Giai điệu bạn bè" tại Cung văn hóa Việt - Nhật., NSND Quang Thọ thể hiện ca khúc "Mặt trời của tôi" (O Sole mio). Nữ ca sĩ Ngọc Anh khoe giọng với ca khúc "Sẽ mãi yêu anh" trong tiếng đàn violin. Minh Quân đem đến ca khúc "Chiếc khăn Piêu". Ý Ly Ảnh: Quang TrungHòa nhạc khai mạc festival Âm nhạc mới Á - Âu 2014 Festival 'Âm nhạc mới Á - Âu' lần đầu tổ chức ở Việt Nam