Cảnh sát Thái Lan hôm nay tuyên bố tấm bảng hiệu do những người biểu tình chỉ trích chế độ quân chủ, gắn trên mặt phố gần Cung điện Hoàng gia Thái Lan ở thủ đô Bangkok, với nội dung chỉ trích chế độ quân chủ ở nước này, đã được dỡ bỏ hôm 20/9. Người đặt tấm biển có thể bị truy tố, theo cảnh sát.
"Tôi đã được báo cáo rằng tấm bảng hiệu đã biến mất, nhưng không biết mất thế nào và ai làm điều đó", Phó cảnh sát trưởng Bangkok, Piya Tawichai, nói. "Cảnh sát đang hợp tác với Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) và điều tra xem ai đã đặt tấm bảng và lấy đó làm bằng chứng để buộc tội nhóm biểu tình vì hành vi sai trái này", ông Piya cho biết thêm.
Cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm qua ở Thái Lan nổ ra từ giữa tháng 7, trong đó những người biểu tình đòi cải cách chế độ quân chủ và yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu lãnh đạo quân đội, từ chức, đòi ra hiến pháp mới và tổng tuyển cử.
Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung ở Bangkok cuối tuần qua, sau đó xếp hàng để chụp ảnh bên cạnh tấm bảng hiệu có hình bàn tay chào bằng ba ngón, một biểu tượng được người biểu tình dùng.
Chỉ trích chế độ quân chủ từng được xem là điều cấm kỵ do luật cấm phỉ báng hoàng gia ở Thái Lan. Người biểu tình Thái Lan hôm qua tiếp tục đổ xuống đường, yêu cầu cải cách chế độ quân chủ và thay đổi chính trị. Họ gửi thư tới Vua Vajiralongkorn với ba yêu cầu chính, gồm: Cải cách chế độ quân chủ, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng chính phủ của ông từ chức và soạn thảo một bản hiến pháp mới, dân chủ hơn, thay thế bản hiến pháp hiện tại.
Hoàng gia chưa đưa ra bình luận và nhà vua hiện không có mặt tại Thái Lan. Thủ tướng Prayuth, người nắm quyền lãnh đạo Thái Lan từ năm 2014, đã cảm ơn cả người biểu tình và cảnh sát vì có hành động ôn hòa. Ông đồng thời kêu gọi người dân Thái Lan chung sức vượt qua những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, bao gồm đại dịch Covid-19.
Thái Lan đã trải qua một loạt cuộc biểu tình bạo lực và đảo chính, với hơn 10 lần quân đội can thiệp, kể từ khi chế độ phong kiến chuyên chế chấm dứt năm 1932. Thủ tướng Prayuth tuyên bố chính phủ cho phép biểu tình nhưng yêu cầu cải cách chế độ quân chủ là không chấp nhận được.
Mai Lâm (Theo Reuters)