Người biểu tình đã gửi một bức thư tời Vua Maha Vajiralongkorn với ba yêu cầu chính, gồm: Cải cách chế độ quân chủ, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng chính phủ của ông từ chức và soạn thảo một bản hiến pháp mới, dân chủ hơn, thay thế bản hiến pháp hiện tại.
Đám đông biểu tình đã tuyên bố chiến thắng sau khi gửi bức thư. "Chiến thắng lớn nhất của chúng tôi trong hai ngày qua là cho thấy được rằng những người bình thường như chúng ta cũng có thể gửi thư cho hoàng gia", nhà hoạt động Parit "Penguin" Chiwarak nói trước đám đông.
Người biểu tình sau đó giải tán, không tuần hành tới Tòa nhà Chính phủ như kế hoạch được lên trước đó. Hôm qua, biểu tình cũng diễn ra và thu hút tới 50.000 người tham gia.
Phakphong Phongphetra, lãnh đạo sở cảnh sát Bangkok, cho biết trong một video phát trên truyền hình rằng bức thứ sẽ được chuyển đến trụ sở cảnh sát để quyết định cách thức tiến hành tiếp theo.
Hoàng gia chưa đưa ra bình luận. Nhà vua hiện không có mặt tại Thái Lan.
Thủ tướng Prayuth, người nắm quyền lãnh đạo Thái Lan từ năm 2014, đã cảm ơn cả người biểu tình và cảnh sát vì có hành động ôn hòa. Ông đồng thời kêu gọi người dân Thái Lan chung sức vượt qua những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, bao gồm cả đại dịch Covid-19.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Thái Lan từ giữa tháng 7 nhằm yêu cầu chính phủ từ chức, xây dựng hiến pháp mới và tổ chức bầu cử. Đến nay, các sự kiện này đều diễn ra ôn hoà.
Thái Lan đã trải qua một loạt cuộc biểu tình bạo lực và đảo chính, với hơn 10 lần quân đội can thiệp, kể từ khi chế độ phong kiến chuyên chế chấm dứt năm 1932. Thủ tướng Prayuth tuyên bố chính phủ cho phép biểu tình nhưng yêu cầu cải cách chế độ quân chủ là không chấp nhận được.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, Kyodo)