Novak Djokovic gần đây luôn né tránh câu hỏi về việc tiêm phòng Covid-19 của bản thân. Theo tay vợt Serbia, đó là vấn đề cá nhân không cần công khai. Đi kèm phát biểu này, Djokovic nói tới quyền tự do của mỗi người, cho rằng ai cũng nên được lựa chọn gì đưa vào cơ thể.
Djokovic không đủ điều kiện dự Australia Mở rộng 2022 nếu không tiêm hai mũi phòng Covid-19. Theo Tennis Australia, các tay vợt chưa tiêm cần tiêm mũi đầu trong tuần này để kịp cho mũi thứ hai, trước khi nhập cảnh vào tháng 1/2022. Trong phát biểu hôm 28/11, ông Srdjan – bố Djokovic – cho rằng con trai đang ở tình thế không khác nào bị tống tiền, và có thể rút khỏi Australia Mở rộng.
Djokovic giữ kỷ lục 9 danh hiệu ở Melbourne, trong 20 Grand Slam. Nếu bảo vệ thành công chức vô địch Australia Mở rộng đầu năm tới, anh là người đầu tiên chạm mốc 21 Grand Slam, phá kỷ lục đang cùng giữ với Roger Federer và Rafael Nadal.
"Rất khó tưởng tượng Novak không chơi ở Australia vì vấn đề vaccine", HLV cũ của Djokovic, huyền thoại Boris Becker bày tỏ. "Cậu ấy rất yêu quần vợt và chắc chắn muốn phá kỷ lục 20 Grand Slam. Australia là sân đấu sở trường của cậu ấy. Không nhiều người nghi ngờ Novak đoạt danh hiệu thứ 10 ở đó. Bây giờ cậu ấy phải tuân theo quy định của giải, nghĩa là phải tiêm phòng".
Việc biến thể Omicron mới xuất hiện đã làm tăng các cuộc biểu tình phản đối vaccine ở một số quốc gia châu Âu. Những người không tiêm làm loạn vì bị cấm đến các nơi công cộng, như nhà hàng và quán bar. "Có quá nhiều chia rẽ trong xã hội, không chỉ là thể thao, giữa những người đã tiêm và chưa tiêm", Djokovic phát biểu vào tháng 10 vừa qua. "Điều này thật đáng sợ. Chúng tôi bị phân biệt đối xử".
Djokovic không phải ngôi sao thể thao duy nhất đề cao quyền tự do cá nhân trong việc tiêm phòng Covid-19. Tay đấm lừng danh Floyd Mayweather cho biết quyền lựa chọn của mỗi người đang bị tước đi. Anh viết trên Twitter: "Lựa chọn được định nghĩa là tự đưa ra quyết định khi đứng trước hai hoặc nhiều khả năng. Nước Mỹ cho chúng tôi quyền lựa chọn tiêm hoặc không tiêm. Nhưng theo thời gian, quyền này đang bị tước bỏ".
Ba ngôi sao bóng đá Joshua Kimmich, Serge Gnarby và Jamal Musiala gần đây bị tách khỏi khách sạn của CLB Bayern vì chưa tiêm vaccine. Đội bóng Đức tính đến phương án trừ lương những người không chịu tiêm phòng, nếu họ làm ảnh hưởng tới hiệu quả thi đấu. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi một số cầu thủ bất mãn, muốn kiện đội bóng chủ quản vì vi phạm luật lao động. Bayern từng thua Augsburg vì thiếu Kimmich hôm 20/11.
Kimmich dù sao vẫn được thi đấu nếu chấp nhận các điều kiện cách ly khắt khe ở Đức. Trong khi siêu sao bóng rổ Kyrie Irving đã lỡ 21 trận liên tiếp của Brooklyn Nets ở NBA mùa này vì không chịu tiêm phòng. Chính quyền thành phố New York, nơi đặt trụ sở của Nets, cấm tất cả người chưa tiêm tham gia hoạt động thể thao trong nhà. Hậu vệ bảy lần lọt đội hình All-Star, vì thế, không được tập luyện và đến sân xem đồng đội thi đấu gần hai tháng qua.
Theo ESPN, hai lý do Irving không chịu tiêm phòng Covid-19 là để ủng hộ những người mất việc làm vì từ chối tiêm ở Mỹ, và lo ngại việc đưa vaccine vào cơ thể ảnh hưởng tới thể lực. Bên cạnh đó, siêu sao hưởng lương 34 triệu USD mỗi năm còn bị ràng buộc bởi quy tắc của giáo phái mà anh theo đuổi. Brooklyn Nets đang hy vọng việc New York có thị trưởng mới từ tháng 1/2022 sẽ mở ra cơ hội để những người chưa tiêm như Irving được tham gia hoạt động cộng đồng.
Irving thuộc nhóm 10% cầu thủ NBA chưa tiêm, còn môn golf ở Mỹ có khoảng 25% người chơi thuộc diện này, theo ESPN. Chủ nhân 8 danh hiệu PGA Tour, Bryson DeChambeau công khai bài trừ vaccine: "Tôi chẳng cần nó. Tôi trẻ, khỏe và sẽ tiếp tục làm việc vì sức khỏe của bản thân. Vaccine chẳng thể ngăn Covid-19 lây lan. Tôi xin nhường nó cho người cần hơn tôi, như bố tôi chẳng hạn. Ông ấy bị tiểu đường và đã được tiêm".
DeChambeau, cũng như Irving và Djokovic, hiểu rõ hậu quả của việc không tiêm. Golfer Mỹ từng mắc Covid-19 vào tháng 7 và bỏ lỡ Olympic Tokyo. Djokovic có thể trở thành tên tuổi hàng đầu tiếp theo trong làng thể thao giương ngọn cờ bài vaccine ở Australia đầu năm tới, khi thế giới vẫn hỗn loạn vì Covid-19.
"Chúng ta cần nghĩ tới người xung quanh, thay vì chỉ lo cho bản thân", CEO Australia Mở rộng - Craig Tiley phát biểu khi công bố quy định buộc các tay vợt phải tiêm phòng Covid-19 hôm 27/11. "Chúng tôi không dành ngoại lệ cho bất kỳ ai. Hãy nghĩ về những người phải chịu đau đớn vì loại virus này. Khi bạn tiêm phòng, đồng nghĩa bạn tôn trọng đất nước tôi và giải đấu này. Chúng tôi chào đón những người như thế".
Vy Anh (theo Marca, ESPN)