"Tôi hy vọng anh ta sẽ bị phát hiện sử dụng chất kích thích. Vậy nên khi Djokovic vượt qua kỷ lục Grand Slam của Federer, anh ta sẽ không được công nhận kỷ lục đó".
Một CĐV tennis đã nói như vậy với ký giả Alex Pattle của Independent, sau khi Djokovic đánh bại Federer ở bán kết Australia Mở rộng 2020 tuần qua. Một người khác, sau khi thừa nhận Djokovic là tay vợt yêu thích, cho biết anh tin rằng Federer sẽ vẫn là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại, và muốn điều đó được phản ánh qua số Grand Slam khi kết thúc sự nghiệp. Không chỉ họ, đa phần người hâm mộ tennis trên thế giới muốn điều đó xảy ra.
Boris Becker, cựu số một thế giới từng dẫn dắt Djokovic, từng tiết lộ "Nole" luôn thất vọng về việc anh bị bỏ lại trong cuộc đua chiếm tình cảm của người hâm mộ, so với Federer và Nadal. Trước trận chung kết Wimbledon 2019 với Federer, Djokovic thậm chí cảm thấy bất an bên ngoài sân đấu – điều khác hẳn với sự lỳ lợm và kiên cường của anh bên trong sân.
Khi Djokovic vô địch lần thứ năm tại All England Club, sau khi cứu hai match-point rồi thắng Federer ở loạt super tie-break đầu tiên của Wimbledon, sự thất vọng lan tỏa ở hầu hết các CLB tennis, quán bar thể thao hay phòng khách gia đình trên khắp thế giới. Họ không bận tâm đến sự thật rằng Djokovic là tay vợt toàn diện và sở hữu thành tích tốt nhất làng quần vợt trong thập kỷ qua. Với nhiều CĐV, nếu không phải Federer hay Nadal, người đó không đáng được hoan nghênh.
Ngay cả ở Australia Mở rộng, nơi Djokovic được yêu mến nhất trong bốn Grand Slam, sự ngưỡng mộ dành cho anh cũng không lớn bằng nỗi lo anh sẽ vượt qua con số 20 Grand Slam của Federer. Sở hữu kỷ lục bảy lần vô địch giải, nhưng khi đối đầu với Federer tại bán kết, Djokovic vẫn chịu sức ép lớn khi khán giả hầu như chỉ cổ vũ "Tàu tốc hành".
Federer là tay vợt được yêu thích nhất mọi thời đại, đó là chân lý. Gợi ý với đám đông rằng Djokovic cũng xứng đáng được mến mộ như vậy, sau tất cả nỗ lực của anh, là điều vô ích. Federer được xem như đại sứ của môn thể thao này, với chuẩn mực về sự lịch lãm và lối đánh đẹp mắt như trong sách giáo khoa.
Sự cuồng mộ chỉ suy suyển đôi chút trong 10 năm qua, khi cán cân quyền lực của làng banh nỉ nghiêng hẳn về Djokovic. Trước khi Djokovic lên ngôi ở Rod Laver Arena ngày 30/1/2011, anh chỉ có một Grand Slam. Federer khi đó có 16 Grand Slam còn Nadal có 9. Sau trận thắng Thiem hôm Chủ nhật vừa qua, khoảng cách được thu ngắn. Federer 20, Nadal 19, còn Djokovic 17.
Thành công của Djokovic tốt cho sự cạnh tranh và phát triển của quần vợt nam, nhưng sau tất cả, mọi người lại không muốn điều đó xảy ra. Ngày mà Djokovic còn vững vàng ở vị trí số ba, trong vai kẻ phá bĩnh Federer và Nadal, anh được tán dương và động viên sau mỗi thất bại. Giai đoạn 2011 - đầu 2012, anh liên tục đánh bại Nadal trên mọi mặt sân, mọi thứ vẫn ổn. "Djokovic sẽ ngăn Nadal bắt kịp Federer", nhiều người đã nghĩ vậy. Khi Djokovic tiến sát danh hiệu Roland Garros 2015 nhưng thất bại trước Stan Wawrinka ở chung kết, khán giả dành cho anh tràng vỗ tay dài khiến anh cảm động đến mức phát khóc. Nhưng khi Djokovic là trở ngại lớn nhất của Federer trên hành trình gia tăng số Grand Slam, đồng thời bám sát "Tàu tốc hành", người hâm mộ bắt đầu không thấy thoải mái. Càng giành nhiều danh hiệu lớn, Nole càng trở nên cô đơn trên sân đấu.
Nhưng tại sao chỉ Djokovic bị ghét khi đánh bại Federer, trong khi đối thủ lớn đầu tiên của tay vợt Thụy Sĩ là Rafael Nadal? Chính Nadal mới là người tấn công vào kỷ lục Grand Slam của Federer trong hầu hết sự nghiệp. Nhưng tay vợt Tây Ban Nha lại được chào đón ngay cả khi anh thắng trên mặt sân sở trường của Federer. Không ai quên những giọt nước mắt của Nadal và Federer tại chung kết Wimbledon 2008. Một màn đăng quang kinh điển và lãng mạn, điều Djokovic không có được dù anh giành rất nhiều danh hiệu lớn.
Alex Pattle lý giải rằng Nadal gây ra nỗi sợ hãi bởi niềm đam mê trên sân đấu và triết lý đánh phản công khắc chế Federer. Những yếu tố đó khiến các cổ động viên "Tàu tốc hành" dễ chấp nhận thất bại hơn so với khi thần tượng của họ thua Djokovic, người có lối đánh gần tương đồng Federer nhưng tàn nhẫn hơn và không hoa mĩ bằng. Một ký giả tennis khác, Alex Palmer cho rằng nguyên nhân nằm ở hai yếu tố. Một là Djokovic nổi lên sau Federer và Nadal, những người thuộc hai trường phái đối lập, sở hữu lối chơi đặc trưng và không mơ hồ như Djokovic. Hai là ở cách hành xử trên sân đấu. Federer luôn hào hoa, lịch thiệp còn Nadal sống nguyên tắc, khiêm tốn. Vấn đề của Djokovic rất rõ ràng: anh không thể che giấu những cảm xúc tiêu cực trong mỗi trận đấu. Djokovic vốn đã không được yêu thích, và đó là cách nhanh nhất để anh biến thành nhân vật phản diện trong mắt đa số người xem quần vợt.
"Nole" có thể không uyển chuyển như Federer hay cần mẫn như Nadal, nhưng nếu bạn kết hợp IQ của Federer và sự bền bỉ của Nadal, bạn có thể tạo ra một tay vợt kiểu như Djokovic. Về chuyên môn, tay vợt Serbia rõ ràng đã đạt đến đẳng cấp ít nhất là ngang hàng hai tiền bối, để cùng họ tạo ra khái niệm "Big 3". Nhưng trên góc độ tình cảm của người hâm mộ, không lý do nào đủ thuyết phục để lý giải việc một tay vợt có 276 tuần đứng số một thế giới, sở hữu 17 Grand Slam, vô địch trọn bộ Masters 1000 và ATP Finals, đối đầu nhỉnh hơn cả Nadal và Federer, lại bị ghét bỏ đến vậy.
"Lỗi của Djokovic là sinh nhầm thời", ký giả Dipankar Lahiri viết trên tờ Indian Express. "Sự xuất hiện của anh ấy đã phá hỏng kịch bản được ưa chuộng nhất ở môn thể thao này. Trước khi Djokovic nổi lên, hai nhân vật đã được khắc họa rõ nét trong tennis. Federer trong vai 'nghệ sĩ, với sự hoàn hảo và chính xác tương đương với một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Nadal thì như 'chiến binh, với sức mạnh của một chú bò tót Tây Ban Nha. Kết hợp hai thái cực này, bạn có một cuộc chiến được mong chờ và được nhắc đến mãi mãi. Djokovic với biệt danh "Người sắt", lớn lên ở Serbia trong bom rơi đạn lạc của chiến tranh, trải qua nhiều khó khăn và khổ luyện, là người ngoài cuộc trong cuộc chiến giữa 'Nghệ sĩ' và 'Chiến binh".
Quốc tịch Serbia của Djokovic cũng được xem như một trong những nguyên nhân khiến anh không chiếm được nhiều thiện cảm của các CĐV châu Âu và châu Mỹ. Nole từng được người Anh "chiêu mộ" về xứ sương mù, nhưng anh nói không. Lòng yêu nước của Djokovic ra sao thì tất cả đều đã rõ sau những màn trình diễn của anh tại Davis Cup 2010, ATP Cup 2020 hay những đóng góp cho sự phát triển quần vợt ở quê nhà. Đó là lý do Djokovic có thể bị ghét ở bất cứ đâu nhưng ở Serbia, anh luôn được xem như người hùng.
Các chuyên gia cũng phải cố gắng nhắc lại những điều tiêu cực khác về Djokovic trong quá khứ để trả lời tại sao thành công của anh được xem như một "tội ác" với quần vợt. Ngoài chuyện đập vợt thường xuyên, anh cũng hay bỏ cuộc giữa chừng vì những vấn đề về hô hấp hay chấn thương. Andy Roddick, sau khi vào bán kết Australia Mở rộng 2009 vì Djokovic bỏ cuộc, châm chọc Nole là "trúng độc, cúm gia cầm, SARS". Cha mẹ anh bị cho là thể hiện thái quá trên khán đài ở những trận đấu lớn, đến mức Federer có lúc phải bảo họ "im miệng lại", như tại Monte Carlo 2008. Khi ở đỉnh thế giới năm 2016, Djokovic cũng từng gây bất bình khi ủng hộ quan điểm các tay vợt nam nên được nhận nhiều tiền thưởng hơn các đồng nghiệp nữ.
Sự ghẻ lạnh của đám đông trên sân đấu không ảnh hưởng đến hành xử của Djokovic với họ ngoài đời thường. Có mặt ở hầu hết các giải đấu lớn, Ben Rothenberg, một trong những người phụ trách mảng quần vợt của New York Times, tiết lộ rằng Djokovic là tay vợt hào phóng và thân thiện bậc nhất với người hâm mộ mà anh từng thấy. "Theo kinh nghiệm quan sát của tôi ở các giải đấu của ATP Tour, không tay vợt nào tốn nhiều thời gian hơn Djokovic để đảm bảo những người đến xem anh ấy tập có được sự tương tác tốt nhất với anh ấy", Rotherberg từng viết trên Twitter.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển về chuyên môn, Djokovic và gia đình anh cũng lặng lẽ hơn trên sân đấu, nhưng họ dường như không bao giờ được số đông tha thứ. Ba Grand Slam gần nhất, anh đều gặp vấn đề với khán giả và truyền thông. Ở Wimbledon 2019, Djokovic không thể hiện bất cứ cảm xúc gì dù cả sân trung tâm ủng hộ Federer. "Khi họ hô vang Roger, tôi lại nghe thành Novak", anh phải tự nhủ như vậy. Đến Mỹ Mở rộng 2019, đám đông la ó khi anh rút lui vì chấn thương trong trận vòng bốn với Wawrinka. Bất chấp anh đã đau vai từ vòng hai với Juan Ignacio Londero, truyền thông vẫn nghi ngờ anh giả chấn thương để không phải đối mặt với thất bại. Ở chung kết Australia Mở rộng 2020, anh ngược dòng ngoạn mục trước Dominic Thiem sau khi thua hai trong ba set đấu. Nhưng báo giới Australia, cũng như người hâm mộ, lại xoáy sâu vào vụ lùm xùm của anh với trọng tài, hay cho rằng anh gian lận khi xin đi vào đường hầm cuối set ba với mục đích làm giảm hưng phấn của Thiem. Kỷ lục tám lần vô địch ở Melbourne, vì thế, trở nên lu mờ.
Có lẽ hình ảnh của Djokovic trong mắt mọi người sẽ đẹp hơn, nếu anh chịu thua Dominic Thiem và để tài năng Áo trở thành tay vợt 9x đầu tiên lên ngôi tại Grand Slam. Một sự ủng hộ dành cho thế hệ kế cận "Big 3", như cách mà nhiều khán giả Australia giải thích cho một sự việc khó lý giải là Thiem thậm chí được cổ vũ nhiều hơn Djokovic – người giữ kỷ lục về số lần vô địch giải đấu. Điều tương tự sẽ không thể xảy ra nếu đối thủ của Thiem hôm đó là Roger Federer.
Dù vậy, Djokovic – người chưa từng chối bỏ khát khao trở thành tay vợt vĩ đại nhất – một lần nữa lựa chọn danh hiệu thay vì tình yêu của khán giả. Trong tâm trạng ức chế, tay vợt Serbia vẫn vận dụng được sự nhạy bén về chiến thuật và kinh nghiệm để điều chỉnh mọi thứ trở về đúng quỹ đạo. Giành Grand Slam thứ 17 đồng thời chiếm lại vị trí số một thế giới, Djokovic cùng lúc áp sát hai kỷ lục mà anh cho là quan trọng nhất trong sự nghiệp của một tay vợt. Anh chỉ còn kém Federer ba Grand Slam và 34 tuần ở đỉnh bảng ATP. Djokovic đang khiến những người không ủng hộ anh phải kỳ vọng vào một phép màu làm trật bánh cỗ máy hủy diệt nhất làng banh nỉ trong 10 năm qua.
Nhưng có một lựa chọn đơn giản hơn cho tất cả, đó là tận hưởng thứ quần vợt đỉnh cao nhất và đánh giá đúng hơn những gì Djokovic đã mang lại cho môn thể thao này: sự cạnh tranh khốc liệt chưa từng có trong lịch sử.
Nhân Đạt tổng hợp