Nhìn từ đường phố, bên ngoài tòa nhà cũng giống như mọi khu chung cư khác nằm rải rác xung quanh Belgrade. Bước vào bên trong, căn hộ của Vladimir - ông nội Novak Djokovic - nằm đầu tiên bên tay trái với cánh cửa màu trắng có song sắt.
Tại đây, Novak từng trú ẩn trong những ngày NATO ném bom thủ đô của Serbia từ tháng 3 đến tháng 6/1999. Mỗi khi tiếng còi báo động vang lên, các gia đình nhiều thế hệ sống trong tòa nhà cũng như ở khu lân cận đều chạy xuống cầu thang, qua một số tấm cửa thép để xuống tầng hầm.
Sinh nhật 12 tuổi của Djokovic, vào ngày này tháng 5/1999, cũng bắt đầu cho một cuộc khủng hoảng kéo dài cả thập kỷ xé nát khu vực Balkans mà Belgrade trở thành tâm điểm. Mãi tận 20 năm sau vẫn còn đó sự căng thẳng kể từ khi NATO ném bom trong 11 tuần để đẩy lực lượng Serbia ra khỏi Kosovo với cáo buộc họ đã đàn áp dân tộc Albani.
"Khi tiếng chuông báo động vang lên và nghe thấy tiếng rú rít của máy bay, không một ai biết bom đạn sẽ trút xuống đâu", Djordjo Milenic - một người bạn của ông nội Djokovic - hồi tưởng lại. "Họ ném bom bất cứ chỗ nào, cầu cống, bệnh viện và có nhiều phụ nữ đang mang bầu đã thiệt mạng. Thật khủng khiếp. Chúng tôi sống ở khu dân cư Banjica - cách Belgrade khoảng 7 km về phía Nam. Đó là một vùng ngoại ô, nơi sinh sống của các gia đình lao động Serbia có mức sống trung bình. Ông Vladimir sống trong một căn hộ có hai phòng ngủ tại đây cho đến khi mất vào năm 2012".
Theo những người hàng xóm, hiện tại không còn ai sống trong căn hộ đó nữa. Người cô của Djokovic đã chuyển sang định cư ở Thụy Sỹ từ lâu.
Chính nơi đây đã mở đầu cho một câu chuyện vượt lên từ đống đổ nát, để trở thành tay vợt vĩ đại như ngày nay của Novak Djokovic - người đang sở hữu 15 danh hiệu Grand Slam, và sẽ lần thứ hai trong sự nghiệp giành "Career Grand Slam" (vô địch đầy đủ 4 giải Grand Slam cùng lúc) nếu như đăng quang ở Pháp Mở rộng 2019 sắp tới.
Djokovic đã sống ở căn hộ đó cùng với ông nội, bởi bà nội đã qua đời và bố mẹ anh đang xoay xở chật vật để nuôi ba đứa con trai. Ngoài Djokovic là con trai cả, ông Srdjan và bà Dijana còn có thêm Marko và Djordje nữa.
Họ dành phần lớn thời gian ở Kopaonik, khu nghỉ dưỡng trên núi ở gần Kosovo và cách Belgrade hơn bốn tiếng lái xe. Hàng ngày, bố mẹ của Djokovic làm việc quần quật trong tiệm bánh pizza của gia đình để có thể trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng sự nghiệp quần vợt của Novak.
Không muốn làm gián đoạn việc học hành của các con, bố mẹ gửi ba anh em Novak đến ở cùng với ông nội Vlada. "Tầng hầm cũng chính là nơi cư trú của chúng tôi. Tất cả đều phải thích nghi", Djokovic kể lại trong một phóng sự của kênh truyền hình CBS năm 2011. "Chúng tôi bị tỉnh giấc hàng đêm, vào lúc 2h, 3h sáng trong suốt hai tháng rưỡi vì các vụ đánh bom. Có thể nói theo một cách khác, chính những trải nghiệm đó đã khiến con người tôi trở nên cứng rắn hơn, khát khao thành công hơn và đó là các tố chất để tạo nên nhà vô địch".
Có nhiều người trong khu Banjica biết gia đình Djokovic. Họ cùng nhau chia sẻ những khó khăn khi phải trú ẩn trong tầng hầm. "Mùi ẩm mốc bốc lên trong một khu chật chội phải chứa đến 20, 30 người", Milica Milivojevic - người phụ nữ sống ở tầng trên căn hộ của Djokovic - nhớ lại. "Chúng tôi từng nghe thấy tiếng bom nhưng không phải lúc đang ở trong hầm trú ẩn. Ở bên ngoài, chúng tôi có thể nghe tiếng bom nổ phía ngọn đồi Avala ở ngoại ô Belgrade, một trong những mục tiêu ném bom bởi có tháp viễn thông. Đa số những đứa trẻ tập trung dưới hầm chơi một vài ván cờ Monopoly hoặc Risk, trong khi một số ít lớn hơn thì uống rượu, sử dụng ma túy. Có rất nhiều thứ khó tin đã xảy ra".
Tất nhiên không có cám dỗ nào ảnh hưởng đến Djokovic, đứa trẻ vẫn thường xem TV và nuôi giấc mơ vô địch Wimbledon một ngày nào đó. Cậu bé quá bận rộn để theo đuổi mục tiêu trở thành tay vợt số một thế giới trong tương lai.
Bogdan Obradovic, một tay vợt trẻ tài năng chuyển sang làm HLV khi mới 18 tuổi, đã được ông Srdjan gửi gắm dạy dỗ Djokovic từ lúc cậu lên 10 tuổi. Sau này, Obradovic đã trở thành người đội trưởng đưa đội tuyển Serbia vô địch Davis Cup vào năm 2010, mà trong đó Djokovic là một thành viên. Hiện tại, Obradovic đã 52 tuổi và đang là nghị sỹ quốc hội Serbia.
"Cha của Novak và tôi có một vài bạn chung, và họ nói với ông ấy rằng tôi là một HLV thích hợp để đào tạo cậu ấy", Bogdan Obradovic nhớ lại. "Tôi hoàn toàn cảm thấy sốc trong buổi tập đầu tiên. Cậu ấy giống như một tay vợt chuyên nghiệp ngay từ bước đầu khởi động. Cách cậu ấy chuẩn bị chai nước, quả chuối, khăn lau và mọi thứ. Tất cả đều rất hoàn hảo. Tôi chưa bao giờ thấy điều đó ở một cậu bé còn nhỏ tuổi như thế".
Trong những ngày tháng bị ném bom, Obradovic dẫn học trò đi khắp Belgrade để tập luyện bởi họ không phải trả tiền thuê sân. "Lúc đó, mọi người cũng đã biết tên tuổi của Novak và họ sẵn lòng giúp đỡ cậu ấy rất nhiều. Chúng tôi tập luyện ở nhiều CLB khác nhau. Tuy ngẫu hứng nhưng đó là điều chúng tôi đã làm ngày ấy. Chúng tôi đã ở trong những tình huống tồi tệ trong lúc thủ đô bị đánh bom. Nghe thấy nhiều nổ lớn, nhìn thấy mọi thứ bị phá hủy và được biết đã có nhiều người thương vong. Nhưng chẳng thể làm gì khác được, chúng tôi phải tự tạo ra nụ cười để hy vọng vận may sẽ thay đổi".
Djokovic thường tập ở Partizan Tennis Club, nơi có đội bóng đá vô địch quốc gia 27 lần và có cả đội bóng rổ, bóng nước và bóng chuyền. "Novak đã bước những dấu chân đầu tiên ở Kopaonik và khi lên 6 tuổi, cậu ấy đến Partizan. Chúng tôi tạo điều kiện cho Djokovic tất cả những gì có thể làm được", Dusan Grujic - người từng giữ chức Chủ tịch của Partizan trong suốt 22 năm - chia sẻ.
Trên bức tường của CLB vẫn treo những tấm ảnh truyền thống về các cựu học sinh. Trong đó có một tấm ảnh chụp cậu bé Novak đeo khăn quàng cổ và đội mũ bóng chày có biểu tượng của Partizan đứng bên cạnh người bạn ấu thơ Ana Ivanovic - nhà vô địch Pháp Mở rộng 2008. Người hàng xóm Djordjo Milenic kể lại, ông vẫn thường nói với ông nội của Djokovic rằng "Novak nên cưới cô bé ấy".
Ở Banjica, trên bức tường phía sau căn hộ có vẽ tấm ảnh Djokovic đứng giữa một bên là ông nội mình và bên kia là HLV thời thơ ấu, Jelena Gencic. Không nhiều trong số những người dân địa phương còn biết đó chính là nơi Djokovic từng sinh sống. Tuy nhiên, nhắc đến tay vợt số một thế giới hiện nay, ai cũng cảm thấy tự hào.
Sasa Ozmo, một nhà báo của tờ Sport Klub, đã miêu tả Djokovic giống như một người anh hùng dân tộc, người hiểu sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. "Anh ấy không chỉ là một đại sứ bên ngoài quốc gia mà còn cả ở trong nước nữa. Ví dụ, mối hiềm khích với Croatia vẫn còn đó nhưng Novak không ngại công khai ủng hộ đội tuyển bóng đá Croatia", Ozmo nói. "Điều đó khiến nhiều người ở đây không hài lòng nhưng anh ấy luôn cố gắng thay đổi định kiến đó. Một con người rất trách nhiệm".
Trong cuộc thăm dò mới đây, Djokovic đứng đầu về hình mẫu được giới trẻ Serbia ngưỡng mộ nhất. "Anh ấy là một hình mẫu lý tưởng", Ozmo nói thêm. "Chúng tôi cũng có những VĐV thể thao xuất sắc như ngôi sao bóng rổ Vlade Divac từng chơi ở giải nhà nghề Mỹ NBA trong thời kỳ Belgrade bị ném bom, nhưng tầm ảnh hưởng không bao giờ bằng được Novak bởi anh ấy đồng cảm với tất cả mọi người. Quần vợt chỉ là môn thể thao được yêu thích thứ ba ở Serbia, sau bóng đá và bóng rổ, nhưng Novak lại là cái tên nổi tiếng nhất".
Bình An (theo BBC)