Kirby Runyon, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ, nêu ra cuộc tranh luận về vị trí của sao Diêm Vương theo một định nghĩa mới về hành tinh tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt Trăng diễn ra ở Houston, Mỹ, vào ngày 20 - 24/3.
Theo Runyon, không chỉ sao Diêm Vương mà cả một số thiên thể trong vành đai tiểu hành tinh cũng như nhiều mặt trăng khác có thể được xếp vào nhóm hành tinh. Runyon ước tính có khoảng 102 hành tinh có thể bổ sung vào hệ Mặt Trời dựa trên tiêu chí mới về địa chất.
"Tôi quan tâm đến tính chất nội tại của một thiên thể. Đó là những gì xảy ra trên bề mặt và trong lõi của nó. Một thiên thể đang bay quanh một hành tinh khác hay Mặt Trời không quan trọng đối với tôi", Independent dẫn lời Runyon.
Theo Runyon, hành tinh theo định nghĩa "địa vật lý" là bất kỳ thứ gì đủ lớn để trọng lực kéo nó vào trong một khối cầu, đạt tới trạng thái cân bằng thủy tĩnh. Nhưng thiên thể phải không quá lớn để trải qua phản ứng tổng hợp hạt nhân và trở thành ngôi sao.
Các nhà khoa học có thể chia hành tinh thành phân lớp nhỏ là các hành tinh mặt trăng như Europa và Titan, các hành tinh đá như Trái Đất và sao Hỏa, các hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc và sao Thổ, các hành tinh băng đá như Eris và sao Diêm Vương.
Năm 2006, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) loại sao Diêm vương khỏi danh sách các hành tinh trong hệ Mặt Trời và xếp hạng nó là "hành tinh lùn".
Quyết định trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học thống nhất những tiêu chí để phân loại một thiên thể là hành tinh: nó phải bay trong quỹ đạo quanh Mặt Trời, kích thước phải đủ lớn để có hình dạng gần tròn, quỹ đạo phải tách biệt với các vật thể khác. Theo những tiêu chí này, sao Diêm Vương bị loại khỏi nhóm hành tinh do quỹ đạo hình elip dẹt của nó cắt qua quỹ đạo sao Hải Vương.
Lê Hùng