Theo Live Science, nghiên cứu các hành tinh trong hệ Mặt Trời, cụ thể là sao Diêm Vương, giúp đưa ra các manh mối về lịch sử hình thành Trái Đất. Tàu thăm dò vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vượt qua hành trình gần 5 tỉ km, tiếp cận thành công sao Diêm Vương hôm đầu tuần.
Trái Đất và các hành tinh trong hệ Mặt Trời hầu hết được hình thành do nhiều vật thể va vào nhau. Theo NASA, thuở sơ khai, một vật thể có kích thước cỡ sao Hoả suýt nữa đã phá hủy Trái Đất. Những mảnh vụn của nó kết hợp lại và tạo ra Mặt Trăng mà chúng ta thấy ngày nay.
Khoảng 4 tỉ năm trước, hệ Mặt Trời như một bàn bi-a. Lực hấp dẫn quá mạnh của sao Mộc biến nó trở thành chiếc súng cao su bắn các hành tinh và sao chổi về phía Mặt Trời.
Ở vành đai Kuiper, nơi tìm thấy sao Diêm Vương, các vật thể băng đá tồn tại trong một môi trường khá yên bình. Điều đó có nghĩa là quan sát sao Diêm Vương và các vật thể tương tự trên vành đai Kuiper giúp đưa ra những giả định về hệ Mặt Trời thuở sơ khai.
Nguồn gốc nước trên Trái Đất
Năm ngoái, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nước từ các sao Chổi không gieo xuống Trái Đất mầm mống của sự sống như họ vẫn nghĩ. Tàu vũ trụ Rosetta của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) truyền dữ liệu cho thấy thấy mẫu nước trên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko có phân tử khác với phân tử trong nước của Trái Đất.
Nhiều vật thể trong hệ Mặt Trời chứa băng đá, như các mặt trăng, các hành tinh lùn, thậm chí là một số phần của Sao Hoả. Giờ đây, việc phân tích băng trên sao Diêm Vương của tàu New Horizons có thể giúp các nhà khoa học hoàn thiện giả thuyết về nước trong hệ Mặt Trời.
Thời điểm xuất hiện sự sống trên Trái Đất
Trái Đất có nhiều cácbon. Đó là lý do tại sao việc khám phá các chất hữu cơ với phân tử cơ bản là cácbon trở thành một viễn cảnh thú vị. Dù không phải mọi chất hữu cơ đều bắt nguồn từ vật thể sống, cácbon vẫn được coi là tố chất xây dựng nên sự sống.
Vậy liệu các chất hữu cơ có tồn tại trong các khối băng trên sao Diêm Vương hay không? Có nhiều lý do để tin rằng "có", bởi các chất hữu cơ đã được tìm thấy ở môi trường thân thiện với sự sống như sao Thủy và sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Dù tìm được vật chất hữu cơ hay không, các nhà khoa học cũng có thêm dữ liệu để tìm hiểu về sự sống bắt đầu trên Trái Đất như thế nào.
Cấu trúc khí quyển Trái Đất
Sao Diêm Vương có bầu khí quyển kỳ lạ. Lực hấp dẫn của sao Diêm Vương quá yếu dẫn đến khí quyển mỏng manh có thể trải rộng và xa hơn khí quyển trên Trái Đất.
Vì quỹ đạo sao Diêm Vương ngày càng đưa nó tiến gần hơn đến Mặt Trời, các loại khí trong khí quyển bị đun nóng và trải rộng ra.
Khi nghiên cứu khí quyển của các hành tinh khác, các nhà thiên văn học có thể biết quá trình này diễn ra trên Trái Đất như thế nào. Ví dụ, sao Kim có bề mặt nóng bỏng do hiệu ứng nhà kính. Việc đo đạc khí quyển nóng như lửa địa ngục trên sao Kim giúp các nhà khoa học hiểu hơn về sự nóng lên của Trái Đất.
Ảnh hưởng của Mặt Trời đến Trái Đất
Sự sống trên Trái Đất sẽ không kéo dài nếu không có Mặt Trời. Sức nóng trên Trái Đất hầu như đến từ hành tinh gần nó nhất. Mặt Trời có tác động đến khí quyển trên cao. Những tia sáng từ Mặt Trời phóng ra khí gas về phía Trái Đất (gọi là gió Mặt Trời), kích thích các phân tử trong khí quyển tạo ra hiện tượng cực quang tuyệt đẹp.
Khi cực quang xuất hiện, bức xạ Mặt Trời phóng năng lượng qua những cơn bão địa từ. Các nhà khoa học thích thú khi thấy Mặt Trời tương tác với các bầu khí quyển của các hành tinh trong Thái Dương hệ, bao gồm cả sao Diêm Vương. Việc quan sát này giúp họ dự đoán ảnh hưởng của sự hoạt động rất mạnh của Mặt Trời, thể hiện thông qua hiện tượng cực quang và sự tác động lên khí hậu Trái Đất.
Ngô Minh