Dựa trên số liệu tài chính năm 2020 và dư nợ tại cuối quý I/2021, FiinGroup - đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính và phân tích thị trường - tính toán FE Credit được định giá P/B (giá trên giá trị sổ sách) ở mức 3,4 lần khi bán 49% cổ phần cho Sumitomo Mitsui (SMFG). P/E (giá trên thu nhập) 22 lần và định giá dựa trên dư nợ ở mức 0,9 lần.
So sánh bốn thương vụ chuyển nhượng cổ phần của các công ty tài chính Việt Nam cho đối tác ngoại 5 năm qua, công ty này nhận thấy định giá này cao hơn 39,7% mức bình quân.
Con số này được FiinGroup cho là "xứng đáng" vì là công ty có thị phần lớn nhất trong khối các công ty tài chính tiêu dùng, chiếm gần 46% thị phần cho vay. Hơn nữa, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến giảm tốc về tăng trưởng và nợ xấu tăng lên đáng kể, tình hình tài chính của FE Credit về cơ bản vẫn ở mức cao hơn bình quân ngành.
Ngoài ra, mức định giá này cũng cao hơn mặt bằng của các cổ phiếu ngân hàng ở Việt Nam hiện có, với bình quân P/B khoảng 1,79 lần và P/E xấp xỉ 16 lần.
Nhóm phân tích cho rằng, định giá cao bởi FE Credit là đơn vị đầu ngành và dư địa thị trường còn lớn hơn so với các ngân hàng truyền thống. Ngoài ra, điểm mấu chốt là các mô hình kinh doanh khác nhau mặc dù có thể cùng đối tượng khách hàng.
Theo tính toán, về ngắn hạn, tiền chảy vào FE Credit khoảng 3.572 tỷ đồng (tương đương 154 triệu USD) do VPBank tăng vốn điều lệ FE Credit lên 10.900 tỷ ngay trước giao dịch.
Còn phần lớn dòng tiền còn lại của giao dịch là 1,2 tỷ USD sẽ chảy vào túi VPBank. Trong đó, về mặt kế toán, VPB sẽ hạch toán lợi nhuận từ giao dịch này ở mức tầm 1,14 tỷ USD, tức giao dịch thoái vốn này sẽ đóng góp khoảng 26.500 tỷ vào lợi nhuận ngân hàng trong năm 2021.
Minh Sơn