"Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM về việc yêu cầu tài khoản mạng xã hội đã được định danh mới được phép bình luận.
Đây là một biện pháp cần thiết và cấp bách để chống lại tin giả, thông tin xấu độc đang tràn lan hiện nay.
Không chỉ dừng lại ở việc bình luận, tôi cho rằng chúng ta nên định danh tất cả các tài khoản mạng xã hội. Việc này không chỉ giúp kiểm soát tin giả mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc phòng chống lừa đảo trực tuyến, bảo vệ quyền lợi của người dùng.
Hiện nay, nhiều vụ lừa đảo qua mạng diễn ra rất tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Việc định danh tài khoản sẽ tạo ra một môi trường mạng an toàn, minh bạch hơn, giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy vết và xử lý các hành vi vi phạm. Tôi hy vọng rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm triển khai các biện pháp mạnh mẽ và toàn diện để thực hiện điều này".
Độc giả Nguyễn Anh Quốc ủng hộ Kiến nghị tài khoản mạng xã hội định danh mới được bình luận của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM.
Nội dung được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, nêu nêu trong phiên chất vấn tại cuộc họp lần thứ 17 HĐND TP HCM sáng 17/6 khi trả lời đại biểu về giải pháp xử lý tin giả, xấu độc trên mạng.
Nhiều độc giả VnExpress ủng hộ đề nghị này, cho rằng đây là điều cần thiết để môi trường mạng văn minh, chống lừa đảo.
Độc giả ngdythanh đánh giá đây là "một ý kiến rất cần thiết. Trên không gian mạng hiện tại, có rất nhiều người vô văn hóa, họ hay lăng mạ chửi bới, tuyên truyền độc hại mà không sợ chịu trách nhiệm".
Cụ thể, độc giả Thanh Y chia sẻ: "Tôi vừa vào một fanpage, có người tỏ vẻ hiểu biết. Tôi hỏi thì cứ bảo mở sách ra mà xem. Tôi hỏi sách nào và nếu biết thì giải thích luôn cho mọi người hiểu thì họ chửi tục luôn. Dù tài khoản cũng chính chủ chứ không phải tài khoản ảo.
Cho nên ngoài việc định danh tài khoản thì nếu tài khoản đó bình luận chửi tục, tuyền truyền độc hại, rao tin giả, link bán hàng nhái bị báo cáo thì lần đầu cấm bình luận 1 tháng, lần 2 cấm 2 tháng, lần 3 khóa tài khoản vĩnh viễn và không cho đăng ký tài khoản mới".
Độc giả Crbay đề xuất: "Đề nghị chỉ tài khoản nào được xác nhận mới được đăng, đăng lại, chia sẻ tin và chịu trách nhiệm về tin đăng. Còn không được xác thực thì không được đăng tin gì cả, tài khoản đó chỉ như một nhật ký riêng tư của chủ tài khoản, tránh việc đăng tin giả, tin lừa đảo, tin độc hại".
Tin giả, tin sai lệch chủ yếu lan truyền qua mạng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok - những kênh được người Việt Nam sử dụng nhiều. Tuy nhiên, được đánh giá còn gặp khó khăn trong khâu xử lý.
Độc giả Phuc Nguyen đặt vấn đề: "Quan trọng định danh bằng cách nào? Ví dụ đối với Facebook, Youtube... phải làm sao? Với lại tài khoản post thông tin sai thường là ở nước ngoài, chứ ở VN thì hiện tại có thể biết họ là ai mà?".
Chung câu hỏi, độc giả vominhthugalaxy: "Vấn đề là yêu cầu các mạng xã hội lớn như Facebook, X, TikTok thực thi như thế nào?".
Hữu Nghị tổng hợp