Cuộc đình chiến Giáng sinh, khoảnh khắc hòa bình ngắn ngủi trong buổi sáng 25/12/1914, được coi là phép lạ trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất vốn cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người. Sự kiện được cho diễn ra trong khoảng 48 tiếng, song một số nhân chứng cho biết thời gian ngừng bắn kéo dài lâu hơn.
Sự kiện này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Thế chiến I bùng nổ, khi các binh sĩ liên quân Pháp - Anh đối đầu với quân Đức ở mặt trận phía Tây, trên lãnh thổ Bỉ và vùng đông bắc Pháp. Giáo hoàng Benedict XV, người nhậm chức vào tháng 9/1914, kêu gọi các phe đình chiến dịp Giáng sinh, song ý tưởng này của ông bị tướng lĩnh các bên tham chiến từ chối.
Các nhà sử học vẫn tranh cãi về các chi tiết của Đình chiến Giáng sinh như tình tiết cụ thể, vị trí bắt đầu sự kiện và làm cách nào khoảng 100.000 binh sĩ của hai phe tham gia vào thỏa thuận đình chiến, nhưng sự kiện được cho xuất phát từ cuộc đàm phán giữa các sĩ quan Anh và Đức tại chiến trường gần làng St. Yvon, Bỉ ngày 26/11/1914.
"Chúng tôi nghe thấy lính Đức hét lên rằng hãy đi một nửa chặng đường đến địa điểm gặp mặt, họ sẽ đi nửa còn lại để mang tặng ít xì gà", đại úy Robert Hamilton thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn Warwickshire của quân đội Anh viết trong nhật ký.
Một binh nhì tên là Gregory đề nghị đại úy Hamilton cho phép mình mạo hiểm bước khỏi chiến hào và đi về phía quân Đức. Khi đi được nửa đường, Gregory gặp hai lính Đức không vũ trang, một người khác nằm phía sau chĩa súng trường về phía binh nhì Anh.
"Gregory nhận được điếu xì gà từ lính Đức và khoe với họ sức mạnh của đại đội, điều khiến chúng tôi rất thích thú khi anh ta kể lại. Lính Đức muốn tôi gặp sĩ quan chỉ huy của họ. Sau những tiếng hét qua lại để đàm phán, tôi nói sẽ gặp sĩ quan Đức vào lúc bình minh và không mang theo vũ khí", Hamilton kể.
Hamilton gặp một sĩ quan Đức thuộc quân đoàn Saxon số 134. Sau cái bắt tay và cuộc thảo luận, hai sĩ quan đồng ý ngừng bắn trong 48 tiếng rồi trở về chiến hào để thông báo cho các binh sĩ. "Nỗ lực của chúng tôi nhanh chóng lan rộng. Hàng trăm người lính ở hai phe gặp gỡ, tặng quà. Chúng tôi chôn cất nhiều thi thể lính Đức và họ cũng làm điều tương tự cho binh sĩ tử trận của chúng tôi", đại úy này viết.
Một phiên bản khác của câu chuyện Đình chiến Giáng sinh cho rằng sự kiện bắt đầu trên chiến tuyến gần làng La Chapelle-d'Armentières, Pháp khi binh sĩ Đức hát mừng Giáng sinh và lính Anh làm theo.
"Khi chúng tôi hát bài 'O Come, All Ye Faithful' để chào đón Giáng sinh, lính Đức lập tức hát theo cùng giai điệu với lời tiếng Latin của bài 'Adeste Fideles'. Tôi nghĩ rằng binh sĩ hai quốc gia cùng hát một bài giữa cuộc chiến là điều phi thường nhất", binh nhì Graham Williams thuộc lữ đoàn bộ binh London số 5 viết trong nhật ký.
Sáng 25/12/1914, lính Đức tại một số nơi bước ra khỏi chiến hào và chúc mừng Giáng sinh bằng tiếng Anh và được các binh sĩ Anh, Pháp, Bỉ chào đón. Ở vài chỗ, lính Đức giơ khẩu hiệu "Các anh không bắn, chúng tôi không bắn". Binh sĩ hai phe tặng nhau thuốc lá, thực phẩm, khuy áo và mũ, sau đó chôn cất những thi thể đã nằm vài tuần trên dải đất giữa các chiến hào.
Tuy nhiên, thời gian ngừng bắn ngắn ngủi kết thúc ngay trong ngày, một vài nơi khác là sau đêm giao thừa. Chỉ huy Quân đoàn số 2 của Anh, đại tướng Horace Smith-Dorrien cho rằng việc các binh sĩ dưới quyền gần gũi với đối phương là rất nguy hiểm, ảnh hưởng nặng đến tinh thần chiến đấu. Tướng Smith-Dorrien lệnh cho các chỉ huy sư đoàn cấm binh sĩ dưới quyền không được phép "giao tiếp thân thiện với quân địch" dưới mọi hình thức.
Trong suốt thời gian diễn ra cuộc đại chiến, thỉnh thoảng có những khoảnh khắc hòa bình hiếm hoi nhưng quy mô của chúng không bằng Đình chiến Giáng sinh năm 1914. Giới sử gia cho rằng sự kiện này không hẳn là ví dụ về tinh thần thượng võ, mà cho thấy thái độ phản chiến của những binh sĩ trên hai chiến tuyến.
Hơn một thế kỷ sau, Đình chiến Giáng sinh vẫn được nhắc lại như minh chứng cho sức mạnh niềm tin và khát vọng hòa bình của nhân loại trong những thời khắc đen tối nhất lịch sử. Một cây thập giá được dựng trên cánh đồng gần làng St. Yvon, Bỉ và một bức phù điêu với hai bàn tay bắt chặt đặt tại Vườn Tưởng niệm Quốc gia ở Staffordshire, Anh nhằm nhắc nhở khoảng thời gian hòa bình kỳ diệu năm 1914.
Nguyễn Tiến (Theo Time, Telegraph)