"Hai lần thất nghiệp của tôi đều là chủ động. Lần một là do công việc nhàm chán, tôi định nghỉ sáu tháng (sau khi lĩnh hết trợ cấp thất nghiệp) để chơi cho thỏa. Nhưng mới 'phè phởn' được bốn tháng phải đi làm lại vì công ty cần.
Lúc đó tôi còn trẻ, chưa tới 32 tuổi nên còn đắt giá. Không bên này thì cũng bên kia hối đi làm, dù tôi không nộp đơn.
Lần hai do tái cấu trúc, tôi không hợp với chính sách mới của công ty nên tự nghỉ. Lúc này tôi đã nhiều năm kinh nghiệm làm manager ở các công ty đa quốc gia, nhưng lĩnh vực hẹp.
Rất ít công ty có lĩnh vực mà tôi từng làm, lúc đó chỉ có thể tìm thấy số lượng ở một bàn tay. Mà tôi không thích làm cho đối thủ của công ty cũ nên càng ít cơ hội việc làm. Tôi cũng từng quản lý một mảng đặc thù ở khu vực Đông Nam Á.
Tôi vốn dĩ không thích làm quản lý (manager), mà thích làm chuyên gia giỏi trong lĩnh vực (specialist) hơn, nhưng thời thế đẩy kéo thì tui cũng phải tự lên.
Lần thất nghiệp này, tôi lo tìm việc sớm chứ không phè phởn như lần đầu. Tôi nộp đơn khắp nơi, phỏng vấn 'ác liệt' vẫn chưa tìm được việc. Tôi không có áp lực về tài chính, vì có thu nhập từ nhà cho thuê, và không có nhiều nhu cầu tiêu xài.
Nhưng thất nghiệp dài làm tôi cảm thấy tụt hậu, giá trị bản thân đi xuống, và dần thấy mình vô dụng. Khi cả guồng máy đang vận hành ầm ầm ngoài kia, mình đang làm gì ở đây?
Coi phim, lướt mạng cả ngày chỉ làm đầu óc mụ mị. Tuổi trẻ mà không đóng góp gì, không sử dụng năng lực đã xây dựng được thì quá lãng phí.
Tôi đã nghĩ đến việc tự làm gì đó, nhưng tôi hiểu bản thân mình chỉ phù hợp đi làm thuê. Một năm này, tôi xem nhu cầu thị trường cần gì thì tìm hiểu, học hỏi những kiến thức, kỹ năng đó.
Tôi còn tự nói tiếng Anh một mình để khỏi quên từ chuyên môn và ngôn ngữ văn phòng. Tôi cũng dành thời gian học may, để làm những việc trước nay mình chưa làm. Nhưng may vá chỉ giúp tôi giết thời gian chứ không khơi nên đam mê hay cống hiến.
May mắn, tôi đã tìm được công việc rất ý nghĩa. Tôi vẫn đang hạnh phúc với công việc của mình, dù lương không cao, dù vị trí không tốt bằng trước kia nhưng nó không nhàm chán và đóng góp cho cộng đồng".
Độc giả nickname Tùng Xèng chia sẻ như trên, kể về quá trình đối mặt và tìm việc mới sau hai lần thất nghiệp "chủ động". Bình luận này được chia sẻ sau bài viết Đang thăng tiến thì tôi rơi đáy vực khi bị sa thải tuổi 36.
Ở bài viết này, tác giả chia sẻ từng làm trưởng bộ phận công ty dược đa quốc gia thì công ty sa thải toàn cầu. Đó là một cú sốc rất lớn, sau khi vượt qua, đã rút ra ba bài học:
- Dự phòng tài chính: Ở tuổi trung niên, nên có khoản tiết kiệm đủ để trang trải ít nhất 6 tháng chi tiêu, phòng khi bất trắc.
- Không gì là mãi mãi: Hôm nay bạn có thể là nhân tố quan trọng, nhưng ngày mai có thể không còn giá trị với công ty. Kinh nghiệm cũ không đảm bảo tương lai, nên luôn kiên trì nâng cấp bản thân.
- Gia đình là điểm tựa: Khi sự nghiệp gặp khó khăn, gia đình chính là nơi giúp ta vượt qua. Dù sóng gió thế nào, mọi áp lực cũng dừng lại trước cánh cửa nhà.