Hài cốt của tên cướp ngân hàng khét tiếng nhất lịch sử Mỹ John Dillinger dự kiến được khai quật vào ngày 16/9, hơn 85 năm sau khi y bị các đặc vụ FBI bắn chết. Susan Sutton, nhà sử học thuộc Hiệp hội Lịch sử bang Indiana cho biết việc khai quật có thể giải quyết các thuyết âm mưu rằng người đàn ông nằm dưới ngôi mộ thực chất không phải Dillinger.
John Dillinger sinh ra ở Indianapolis, Indiana vào năm 1903. Khi còn nhỏ, Dillinger thường bắt nạt những đứa trẻ ở trường và trở thành thủ lĩnh của một băng đảng trong khu phố thường xuyên lấy trộm than từ tàu hỏa. Dillinger bỏ học ở tuổi thiếu niên và làm việc tại một cửa hàng cơ khí ở Indianapolis, dành thời gian rảnh rỗi để đi móc túi và nhậu nhẹt. Năm 1923, anh ta gia nhập hải quân Mỹ để tránh bị truy tố sau một vụ ăn cắp xe nhưng phải giải ngũ sau vài tháng vì vô kỷ luật.
Năm 20 tuổi, Dillinger gặp Beryl Hoingly, 16 tuổi và hai người kết hôn vào ngày 12/4/1924. Khi không thể nuôi nổi gia đình, Dillinger dùng cách kiếm tiền nhanh nhất mà anh ta biết: đi ăn cướp.
Dillinger và một kẻ đồng lõa hành hung, cướp tiền từ một chủ cửa hàng tạp hóa và phải ngồi tù tại trại cải tạo Indiana và nhà tù bang Indiana năm 1924-1933. Hoingly ly hôn với Dillinger vào năm 1929.
Trong tù, Dillinger làm bạn với những gã xã hội đen và kẻ cướp ngân hàng khét tiếng nhất Indiana như Harry "Pete" Pierpont, Charles Makley và Russell Clark. "Tôi sẽ là gã tội phạm đáng ghét nhất mà các người từng thấy khi ra khỏi đây", Dillinger nói khi đang thụ án.
Một tháng sau khi ra tù, Dillinger tập hợp một nhóm tội phạm mà các bạn tù đã giới thiệu cho anh ta gồm Paul "Lefty" Parker, William Shaw và Noble Claycomb để cướp 10.000 USD từ Ngân hàng Quốc gia New Carlaus ở Ohio. Đêm 20/6/1933, nhóm này đột nhập vào ngân hàng qua một cửa sổ gần nhà vệ sinh rồi trốn dưới quầy giao dịch. Khi ngân hàng mở cửa, họ dùng súng khống chế các nhân viên ngân hàng và buộc họ mở két.
Chưa thỏa mãn với số tiền đó, Dillinger và băng cướp tiếp tục tấn công một ngân hàng khác ở Bluffton, Ohio. Tuy nhiên, ngân hàng này đã bị cướp trước đó nên nhóm này chỉ lấy được 2.000 USD và phải nổ súng để trốn thoát qua cửa sổ. Ngày 22/9/1933, vài tuần sau khi cướp thêm 21.000 USD từ một ngân hàng ở Indianapolis, Dillinger bị cảnh sát Ohio bắt.
Cảnh sát tịch thu từ Dillinger 4 khẩu súng lục, 2.600 USD, một tài liệu được viết theo kiểu mật mã và một bản đồ. Dillinger từ chối cho biết những tài liệu này là gì nhưng với cảnh sát, nó trông giống như kế hoạch vượt ngục.
Cảnh sát đã suy đoán đúng. Dillinger đã giúp các bạn tù trước đây là Pierpont, Clark và 6 người khác trốn khỏi nhà tù ở Indiana bằng cách nhờ người tuồn súng vào buồng giam. Để trả ơn Dillinger, ngày 12/10/1933, nhóm này đến nhà tù ở Ohio, mạo danh là cảnh sát bang Indiana để yêu cầu áp giải Dillinger về Indiana. Khi cảnh sát trưởng Jess Sarber yêu cầu kiểm tra danh tính, họ bắn chết Sarber và giải thoát cho Dillinger.
Những kẻ vượt ngục tập hợp thành "băng cướp Dillinger" và thực hiện thêm 4 vụ cướp ngân hàng ở các bang trung tây nước Mỹ. Tháng 1/1934, chúng cướp 20.000 USD từ một ngân hàng ở Indiana và trốn về phía tây nam. FBI cung cấp cho cảnh sát địa phương manh mối về hành tung của nhóm này và Dillinger bị bắt 10 ngày sau vụ cướp.
Dillinger được đưa về Indiana, bị giam trong nhà tù được mệnh danh là "không thể trốn thoát" ở Crown Point. Tuy nhiên, nó không làm khó được Dillinger. Ngày 3/3/1934, Dillinger dùng một khẩu súng giả được làm bằng gỗ và sơn đen bằng xi đánh giày để uy hiếp lính gác, đoạt chìa khóa và thoát ra. Đây được coi là một trong những pha vượt ngục ngoạn mục nhất trong lịch sử nước Mỹ, tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng súng mà Dillinger dùng là thật và được bí mật tuồn vào.
Dillinger còn dùng chiếc xe mới của cảnh sát trưởng để làm phương tiện trốn thoát. "Nếu tôi nhìn thấy John Dillinger, tôi sẽ bắn chết anh ta với chính khẩu súng lục của tôi", cảnh sát trưởng Crown Point Lillian Holley nói.
Sau khi trốn thoát, Dillinger nhanh chóng kết nối lại với băng cướp của mình. Chúng ẩn náu ở Minneapolis và cướp các ngân hàng ở South Dakota và Iowa. Sau hai lần suýt bị bắt vì mai phục của cảnh sát, nhóm của Dillinger chuyển đến Michigan và Chicago. FBI thành lập một tổ đặc vụ chuyên dò tìm tung tích của Dillinger và gọi anh ta là "kẻ thù số một của nước Mỹ".
Băng cướp của Dillinger bị cáo buộc cướp tổng cộng 24 ngân hàng và 4 đồn cảnh sát, thu được 500.000 USD (tương đương 7 triệu USD theo thời giá ngày nay), khiến tổng cộng 10 người thiệt mạng. Chúng phân công các thành viên trong nhóm thực hiện từng nhiệm vụ riêng biệt như trông chừng, lái xe chạy trốn, uy hiếp nhân viên ngân hàng và mở két. Băng cướp sử dụng vũ khí hiện đại vào thời thập niên 1930 như súng tiểu liên Thompson và mang áo chống đạn.
Cuối tháng 5/1934, để trốn tránh giới chức, Dillinger chi 5.000 USD để phẫu thuật thẩm mỹ nhằm thay đổi ngoại hình. Sau khi được bác sĩ xóa bỏ một số nốt ruồi và sẹo, tiêm cằm và xóa dấu vân tay, Dillinger vẫn không hài lòng vì y cho rằng mình trông không khác nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, diện mạo mới cũng đủ để giúp anh ta đi xem bóng chày mà không bị nhân viên FBI phát hiện. Trong khoảng thời gian này, Dillinger hẹn hò với một gái mại dâm có tên Polly Hamilton ở Chicago. Ngày 22/7/1934, Dillinger rủ cô đi xem phim tại rạp Biograph.
Dillinger không biết rằng "má mì" của Hamilton, Anna Sage, đã báo cho FBI về tung tích của mình. Mặc dù Dillinger dùng tên giả, Sage vẫn nhận ra anh ta từ những áp phích truy nã.
Tối 22/7/1934, FBI chia thành hai nhóm để bao vây rạp. Khi phim kết thúc, Dillinger ra ngoài cùng Hamilton, đi qua một đặc vụ FBI là Melvin Purvis, người châm một điếu xì gà để ra hiệu cho đồng đội. Dillinger nhận ra mình bị theo dõi, rút khẩu súng lục ra khỏi túi áo, băng qua đường và chạy vào một con hẻm đã bị chặn.
Ba đặc vụ bám theo anh ta và bắn 6 phát, trong đó có một phát chí mạng trúng vào cổ. Khi Dillinger ngã quỵ xuống vỉa hè, lời cuối cùng anh ta nói được cho là "các anh đã tóm được tôi rồi".
Dillinger được chôn cất trong một ngôi mộ ở Nghĩa trang Crown Hill tại Indiana ngày 25/7/1934. Gần 5.000 người dân tới chứng kiến sự kiện này. Bia mộ đã phải thay thế 4 lần vì liên tục bị trộm, có thể bởi những kẻ hâm mộ ông ta.
Có một thuyết âm mưu được lan truyền rằng người bị FBI bắn không phải là Dillinger. Khi nhìn thấy thi thể, bố của Dillinger đã bác bỏ đó là con mình. Báo cáo của một nhà bệnh học khám nghiệm tử thi chỉ ra rằng mặc dù gương mặt của người bị bắn rất giống Dillinger, đôi mắt của thi thể có màu nâu trong khi mắt Dillinger có màu xanh; người thiệt mạng bị bệnh tim nhưng Dillinger không thể từng gia nhập hải quân với tình trạng như vậy; những vết sẹo Dillinger lẽ ra phải có cũng không được tìm thấy trên xác chết.
Một tên xã hội đen nói rằng Dillinger đã kết hôn và chuyển đến Oregon, sống với một cái tên giả. Một nhà nghiên cứu tội phạm cho rằng Dillinger dành phần còn lại để làm thợ máy ở California. Không có bằng chứng thuyết phục để chứng minh những giả thuyết này.
Sau đám tang của John Dillinger, nhiều người vẫn tiếp tục coi anh ta là một người hiệp nghĩa kiểu Robin Hood (nhân vật trong văn hóa dân gian Anh chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo) vì anh ta đã cướp tiền từ những ngân hàng mà họ cho là phải chịu trách nhiệm cho cuộc Đại khủng hoảng - thời kỳ suy thoái kinh tế từ năm 1929 đến hết các năm 1930.
Cựu giám đốc FBI J. Edgar Hoover không đồng ý với cách đánh giá đó. "Tôi không thể nhớ được một lần nào John Dillinger thể hiện mình là một hiệp sĩ trả thù thế giới tàn khốc vì những bất công trong quá khứ. Thay vào đó, anh ta là một gã xấu xí, hà tiện, thích khoe khoang và ích kỷ", ông nói.
Phương Vũ (Theo ATI)