![]() |
Tiến sĩ Phạm Minh Trí. |
Ai lại không vui mừng trước những thành tựu đạt được trong năm 2009, nhưng nếu tâm huyết với phát triển kinh tế và tương lai đất nước cũng không thể không ưu tư, trăn trở trước những thách thức, nguy cơ tiềm ẩn phải đối mặt trong năm 2010. Trước thềm năm mới, với niềm vui và trăn trở, cùng VnExpress.net, tôi có mấy điều ước vọng:
Bài cùng tác giả: |
Điều ước thứ nhất, mong sao kinh tế 2010 tăng trưởng nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô, ổn định chính trị - xã hội, ổn định tỷ giá ngoại hối, tiền tệ, không tái lạm phát cao. Tăng trưởng bao nhiêu phần trăm cũng đều tốt, nếu chúng ta giữ được ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, lạm phát.
Điều ước thứ hai, cầu mong các nhà hoạch định chính sách, điều hành vĩ mô sớm rũ bỏ tư duy tăng trưởng theo mô hình cũ, không còn phù hợp; mà bằng trí tuệ của dân tộc và thời đại, tinh thần trách nhiệm cao với đất nước, bản lĩnh của người lãnh đạo có chiến lược phát triển thông minh, vượt lên chính mình, vượt lên những nguyên lý, cơ chế không còn phù hợp với thực tiễn và chân lý; đưa công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế theo kiểu khác, không dẫm lại con đường mòn cũ đã đi trong hơn hai thập kỷ qua.
Điều ước thứ ba, hãy vun đắp lòng tin vào phát triển kinh tế và tương lai đất nước của cộng đồng xã hội và quốc tế không phải bằng con số phần trăm tăng trưởng GDP; mà bằng những bước đột phá có hiệu quả. Đó là cải cách nền hành chính quốc gia, cuộc chiến chống tham nhũng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
Đó là những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, của nhân dân. Trong thời gian qua Việt Nam đã dồn quá mức khả năng chỉ cho mục tiêu cao nhất, trên hết là tăng trưởng GDP.
Điều ước thứ tư, điều hành vĩ mô làm tốt vai trò “nhạc trưởng” trong việc điều phối giữa các ngành, nhất là tài chính, ngân hàng, kế hoạch - đầu tư. Làm tốt vai trò chỉ huy, tập trung, thống nhất đối với 63 nền kinh tế địa phương, giải quyết hợp lý mối quan hệ phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Không thể có cơ chế riêng, đặc thù cho bất cứ nền kinh tế địa phương nào, dù lớn, nhỏ, kể cả thủ đô, bởi vì nếu có cơ chế riêng hay đặc thù cho một số nền kinh tế địa phương thì tự ta làm méo mó nền kinh tế của đất nước. Vấn đề này cần được cân nhắc cẩn trọng, không để bị những quan điểm cục bộ, lệch lạc chi phối.
Phạm Minh Trí
Tiến sĩ Viện nghiên cứu kinh tế - quy hoạch TP HCM