Thông tin được phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP HCM, thành viên phụ trách Chương trình triển khai Túi thuốc điều trị F0 tại nhà và cơ sở điều trị, cho VnExpress biết chiều 26/8. Sắp tới, tùy thuộc vào số lượng F0, thành phố tiếp tục triển khai mua, phân bổ về các địa phương.
Theo bà Lan, thời gian qua, một số quận huyện, với sự tài trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đã tổ chức phát một số loại thuốc thông dụng cho F0 tại nhà. Đa số loại thuốc này tập trung nâng cao sức đề kháng, giảm sốt, thuốc ho, vitamin, nước súc miệng, thuốc Đông y... Trong khi đó, túi thuốc do chương trình do Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM triển khai, bao gồm những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt bao gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông, thuốc kháng virus.
"Trước thực tế một số bệnh viện quá tải, những thuốc này sử dụng kịp thời có thể góp phần giảm những phản ứng của cơ thể, giúp hạn chế tỷ lệ tử vong, trong thời gian chờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế", bà Lan nói và nhấn mạnh "thuốc cho F0 không thể sử dụng tùy tiện, cần có sự hướng dẫn của nhân viên y tế".
Ngày 26/8, TP HCM đang điều trị tại nhà 52.146 F0, trong đó 27.649 trường hợp cách ly tại nhà ngày từ đầu và 24.497 trường hợp sau xuất viện về tiếp tục theo dõi, theo Sở Y tế. Số F0 đang theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 15.357.
Ngày 25/8, Sở Y tế cũng ban hành Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0.
Theo hướng dẫn này, thuốc điều trị Covid-19 cho F0 tại nhà được chia thành 3 gói (A, B, C), sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.
Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng.
Gói thuốc B là những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt bao gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Thuốc này được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp F0 cảm thấy khó thở (nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%). F0 có thể tự uống không quá 3 ngày, trong thời gian chờ đợi bác sĩ hỗ trợ.
Thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm thấy khó thở, nhịp thở > 20 lần/phút, SpO2 < 95%) nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ. Thời gian F0 tự uống không quá 3 ngày, trong thời gian này người bệnh cần phải tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định cho người bệnh dùng tiếp thuốc này cho đủ 7 ngày.
Gói thuốc C là thuốc kháng virus molnupiravir dùng cho F0 có triệu chứng nhẹ và được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, thuốc molnupiravir uống ngày hai lần, sáng 800 mg, chiều 800 mg, uống 5 ngày liên tục.
Thuốc này sẽ được Sở Y tế TP HCM đưa vào cộng đồng điều trị F0 đang cách ly tại nhà, từ ngày 27/8.
Một điểm mới trong hướng dẫn cập nhật lần này của Sở Y tế TP HCM là F0 đã tiêm đủ hai mũi vaccine, hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi một, được cách ly tại nhà. Thành phố cũng cách ly tại nhà F0 từ 1 đến 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì. Điều kiện cách ly tại nhà của cả hai nhóm trên đều không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không bị suy hô hấp), SpO2 trên 96% khi thở khí trời, nhịp thở dưới 20 lần/phút.
Sở Y tế TP HCM nhấn mạnh vai trò của trạm y tế lưu động khám và theo dõi sức khỏe cho F0 đang cách ly tại nhà, đưa đến các cơ sở cách ly điều trị khi cần.
Nhân viên của trạm hướng dẫn F0 khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng khai báo y tế điện tử, lập phiếu theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng nặng để phối hợp với Tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện chuyển tới các bệnh viện quận, huyện điều trị.
Trường hợp này, F0 gọi tổng đài "1022" và bấm số "3" để được tư vấn từ Hội Y học TP HCM hoặc bấm số "4" để được tư vấn từ "Thầy thuốc đồng hành".
Họp báo chiều 26/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, với chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng như hiện nay, dự báo số ca F0 trong thời gian tới sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu điều trị F0 sẽ tăng. Thành phố đang khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo việc chăm sóc trường hợp F0 đang được theo dõi tại nhà cũng như người dân mắc bệnh khác tại cộng đồng vẫn được chăm sóc điều trị tốt.
Theo ông Nam, hiện thành phố có 401 trạm y tế lưu động đã chính thức hoạt động, riêng Nhà Bè và Củ Chi đang khẩn trương triển khai bổ sung cho đầy đủ số trạm là 413.
Tính đến 8h ngày 25/8, trạm y tế lưu động tại các quận, huyện và TP Thủ Đức đang chăm sóc và điều trị 23.197 F0 tại nhà.