Rối loạn nhịp tim là nhóm bệnh lý tim mạch nguy hiểm, với biểu hiện hay gặp là tim đập không đều, quá nhanh trên 100 lần/phút hoặc quá chậm dưới 60 lần/phút, lúc nhanh lúc chậm, hoặc mất nhịp sinh lý.
Trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể không thấy triệu chứng, chỉ có thể phát hiện khi thực hiện điện tâm đồ. Trường hợp nặng có thể xuất hiện các cơn đau tức ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, ngất xỉu, mệt mỏi, khó thở, hụt hơi... Với trường hợp rối loạn nhịp tim mãn tính, người bệnh có thể không cảm nhận được triệu chứng.
TS.BS Alain Patrice Lebon, Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết rối loạn nhịp tim được điều trị theo hai hướng: điều trị nội khoa bằng thuốc và điều trị ngoại khoa bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Điều trị nội khoa bằng thuốc
Điều trị nội khoa được coi là phương pháp an toàn nhất cho các bệnh nhân cao tuổi hoặc người có các bệnh lý nền về tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Nhóm này nguy cơ gặp phải các biến chứng trong quá trình can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Mức độ rối loạn nhịp tim nhẹ cũng thường được chỉ định dùng thuốc. Ví dụ, các trường hợp ngoại tâm thu thất chỉ có 10% số nhịp là bất thường, việc dùng thuốc đem lại hiệu quả. Thậm chí, các trường hợp có đến 20% nhịp bất thường nhưng không có bệnh cơ tim, bác sĩ sẽ theo dõi và đánh giá qua các năm. Khi thuốc không hiệu quả, gây tác dụng phụ, hoặc bệnh nhân muốn dừng thuốc mới cần đến thủ thuật.
Điểm hạn chế của phương pháp là bệnh nhân phải sử dụng thuốc cả đời. Bên cạnh đó, đến một thời điểm nhất định, thuốc có thể giảm hiệu quả. Các nhóm thuốc cần được kê đơn phù hợp để đảm bảo hiệu quả cũng như tránh các tác dụng phụ lên mắt, thận, tuyến giáp.
Tổng chi phí cho thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thậm chí có thể còn cao hơn chi phí một cuộc phẫu thuật.
Can thiệp ngoại khoa
Phương pháp can thiệp ngoại khoa được cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân trẻ tuổi nhiều hơn vì thời gian điều trị bằng thuốc cho những bệnh nhân này có thể kéo dài đến vài chục năm.
Trong đó, triệt đốt qua ống thông (hay gọi tắt là đốt điện) ngày càng hiệu quả, tỷ lệ thành công cao, ít biến chứng và ít tái phát. Các phương pháp ngoại khoa phổ biến bao gồm đốt điện, đặt máy tạo nhịp tim và phẫu thuật maze.
Bác sĩ Lebon cho biết các ống thông dùng trong thủ thuật đốt điện được cải tiến rất rõ rệt. Những ống thông thế hệ mới nhất có thể điều chỉnh công suất phù hợp, có lực tiếp xúc ở đầu cho phép triệt đốt chính xác hơn.
Hệ thống máy móc hiện đại như hệ thống lập bản đồ 3D có thể tái tạo cấu trúc tim, xây dựng hình ảnh tim theo đủ các chiều cạnh và các lớp, mô tả đường đi của xung điện trong các buồng tim. Hệ thống này cũng cho phép định vị chính xác cao giúp bác sĩ xác định vị trí can thiệp và đốt điện chính xác. Tùy thuộc vào các loại rối loạn nhịp tim khác nhau, tới 95% bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn mà không cần dùng thuốc.
Tuy nhiên, các phương pháp can thiệp cần được thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa với các bác sĩ nhiều kinh nghiệm để đảm bảo an toàn.
Lê Nga