Ngày 16/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố vụ án Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Một số cán bộ của Trung tâm đăng kiểm 26-01D, 26-03D bị cáo buộc từ năm 2020 đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện trong việc hoán cải ôtô. Tiền được chuyển một phần cho nhiều người tại Cục Đăng kiểm đường bộ Việt Nam.
Hơn một tháng qua, công an trên cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm. Riêng Công an TP HCM đã khám xét 13 trung tâm, khởi tố 6 vụ án với hơn 80 bị can về các tội Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác. Mới đây nhất, ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, bị bắt về hành vi Nhận hối lộ.
Tại Hà Nội, Công an khởi tố 4 vụ án với 18 bị can tại 10 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn; tạm giữ 57 người là giám đốc, phó giám đốc và đăng kiểm viên để phục vụ điều tra về tội Nhận hối lộ. Sai phạm bị cáo buộc phổ biến là nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi vi phạm về đăng kiểm với các phương tiện không đủ tiêu chuẩn; trung bình 1-1,5 triệu đồng mỗi xe.
Bắc Ninh và Bắc Giang, mỗi tỉnh cũng khởi tố một vụ án Nhận hối lộ với 19 người đang bị điều tra.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, ước tính 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo cách làm luật như vậy. Khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường đã được cấp, tiền thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Hiện, 25 đơn vị đăng kiểm trên cả nước bị dừng hoạt động để phục vụ điều tra.