Cách đây tròn 8 năm, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển lặng lẽ châm một điếu thuốc trong một căn phòng nhỏ ở trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đóng tại Trung tâm William Rappard, Geneva của Thụy Sỹ.
Trước đó ít phút, trong căn phòng lớn bên cạnh, ông Tuyển đã đọc một diễn văn ngắn gọn bày tỏ quyết tâm của Việt Nam gia nhập WTO với Ban công tác, bao gồm hàng chục đại diện các nước thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này.
Bài phát biểu của ông Tuyển hôm đó mở đầu cho phiên họp đầu tiên giữa Ban công tác WTO và đoàn đàm phán Việt Nam, do ông, lúc đó là Bộ trưởng Thương mại đương nhiệm, dẫn đầu.
Trong căn phòng nhỏ hôm đó, ông Tuyển lặng lẽ ngồi hút thuốc như chuẩn bị tinh thần cho một cuộc hành trình dài. “Điều làm tôi trăn trở nhất là làm sao cách thức và tốc độ chúng ta tiến hành đổi mới phải song hành với các cuộc đàm phán,” ông Tuyển nhớ lại.
Mặc dù Việt Nam nhận được những lời khuyên đầu tiên của chuyên gia nước ngoài và trí thức Việt kiều nên gia nhập tổ chức GATT (tiền thân của WTO) ngay từ những năm 1987, nhưng việc thực hiện là gần như không tưởng vào lúc ấy, do hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trong suốt thập kỷ trước đó.
Phải đến tháng 1/1995, GATT mới chính thức chấp nhận đơn xin gia nhập của Việt Nam sau hơn 6 tháng trời xem xét.
Từ đó cho đến phiên họp lần đầu tiên tổ chức vào tháng 7 năm 1998 là cuộc chạy đua với thời gian của cả hệ thống các cơ quan chính phủ Việt Nam, nhằm chuẩn bị bị vong lục bao gồm toàn bộ chính sách kinh tế thương mại, từ thuế xuất nhập khẩu, giá cả, đầu tư, lao động.
Hơn 2.000 câu hỏi đã được Ban công tác đặt ra, và đương nhiên cần có 2.000 câu trả lời tương ứng của phía Việt Nam, mà ông Tuyển phải xem xét, ký duyệt và gửi lại cho 140 thành viên GATT lúc bấy giờ.
“Hôm đó, tôi biết quá trình đàm phán của chúng ta sẽ rất dài và gian khổ. Sẽ có nhiều phiên đàm phán song phương căng thẳng, nhất là với các đối tác lớn”, ông Tuyển nhớ lại.
Và quá trình đàm phán gia nhập WTO quả thực có một không hai trong lịch sử Việt Nam với hơn 4.000 cuộc gặp gỡ tiếp xúc của 14 vòng đàm phán trong suốt hơn 11 năm trời.
Và mỗi một lần đàm phán thành công, hay trục trặc, người ta luôn thấy ông Tuyển gắn chặt với điếu thuốc lá để giải tỏa sự căng thẳng. Điếu thuốc của ông đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc đối với đoàn đàm phán và cả những đối tác "rắn" nhất.
Cách đây hơn 3 năm, vào tháng 7 năm 2004, sau khi đặt bút ký thỏa thuận đầu tiên gia nhập WTO với Cuba, trong trạng thái đầy vui vẻ, ông Tuyển tự thưởng cho mình một điếu thuốc trước khi rời phòng họp.
Nhưng điếu thuốc đó không được hút hết bởi ngay ở ngoài hành lang ông đã bị hơn 50 nhà báo bao vây với hàng loạt câu hỏi chất vấn về scandal quota dệt may mới bùng phát ở Bộ Thương mại.
Khi ông Tuyển và Cao uỷ phụ trách Thương mại châu Âu Pascal Lamy bước vào phòng họp báo chung vào buổi chiều 9/10/2004, tổ chức ngay trước cuộc họp thượng đỉnh ASEM tại Hà Nội, cả hai người đã nhận được những tràng pháo tay giòn giã của cánh nhà báo Việt Nam và quốc tế.
Cuộc đàm phán song phương đã diễn ra liên tục một tuần trước đó và các thành viên đoàn Việt Nam đã làm việc thâu đêm để chỉnh lý tài liệu cho cuộc đàm phán ban ngày.
Trên ghế chủ tọa, không dài dòng mào đầu, ông Tuyển, khi đó mắt đỏ quạch nhưng vẻ mặt lại đầy phấn khích, rút ngay bao thuốc mời ông Lamy rồi châm cho mình một điếu.
“Xin lỗi cả phòng họp, tôi hút một điếu thuốc. Tôi đã có 48 tiếng đồng hồ không ngủ và chắc ông Pascal Lamy cũng vậy. Bây giờ chúng tôi rất vui mừng”, ông Tuyển rít một hơi dài rồi cười nói.
Ông Lamy, không lộ vẻ ngạc nhiên, rồi nói những lời nay đã trở thành quen thuộc với nhiều người: “Tôi xin chúc mừng Bộ trưởng Tuyển và đoàn đàm phán Việt Nam. Việt Nam luôn nhận mình là một nước kém hơn, nhưng kỹ năng đàm phán của các bạn thật đáng khâm phục, và những ai hiểu được lịch sử dân tộc này thì chẳng lấy gì làm ngạc nhiên về điều đó".
Hôm đó, một số nhà báo quốc tế đến đưa tin về cuộc họp thượng đỉnh ASEM đã rất ngạc nhiên với phong cách của ông Tuyển. “Tôi thấy ông Tuyển thật sự đơn giản, nhưng thật thẳng thắn và hiệu quả”, một nhà báo hãng tin DPA của Đức nhận xét.
Quay lại Việt Nam hồi tháng 6 vừa rồi nhân Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC, ông Pascal Lamy, nay đã là Tổng giám đốc WTO, vẫn còn ấn tượng cuộc đàm phán với Việt Nam 2 năm trước: “Ấn tượng từ ký ức của tôi là một nhóm với những nhà đàm phán không dễ nhượng bộ. Họ đàm phán vì lợi ích của dân tộc mình”.
Ông Tuyển hôm đó nói rằng ký hiệp định với EU, Việt Nam đã đi được 70% quãng đường đến WTO. Đó là kết quả của là phiên đàm phán thứ 10 của Việt Nam.
Nhưng quãng đường 30% còn lại thật chông gai, nhất là phiên đàm phán song phương với Mỹ hồi tháng 5 và phiên họp thứ 13 tại trụ sở WTO tháng 10 vừa qua.
Trong cả hai cuộc đàm phán này, nhiều lần ông Tuyển đã bỏ ra ngoài phòng họp đứng hút thuốc.
Nhiều người tin thái độ của ông Tuyển là chiến thuật đàm phán mà ông dựng kịch bản từ trước. “Hành động đó không phải chiến thuật hay kỹ năng gì. Tôi là một người thẳng thắn, luôn luôn thể hiện quan điểm rõ ràng. Có thể việc tôi bỏ ra ngoài được mọi người coi là chiến thuật, nhưng đó là phản ứng thực sự của tôi trước những đòi hỏi không thể chấp nhận được”, ông Tuyển nói.
Hôm ông Tuyển về đến sân bay Nội Bài sau phiên đàm phán thứ 14, phiên cuối cùng có sự chứng kiến của "đối thủ" Pascal Lamy năm nào, ông lại châm một điếu thuốc trong vòng vây của hàng chục nhà báo và người dân.
Rít một hơi thuốc dài trong bầu không khí chớm lạnh đầu đông, ông Tuyển say sưa nói về WTO về những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam mà thính giả của ông hôm đó, ngoài cánh nhà báo, bao gồm cả những người nông dân, lao động xuất khẩu và giám đốc doanh nghiệp.
Tròn 8 năm sau phiên họp đầu tiên với Ban công tác, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cùng phái đoàn cấp cao của chính phủ lại quay trở lại trụ sở WTO ở Geneva để chứng kiến lễ kết nạp một thành viên mới - Việt Nam.
(Theo VTC)