Mèo thần tài với móng vuốt giơ cao, đôi tai đỏ, thường treo tiền xu hoặc thỏi vàng, được nhiều người tin là có khả năng đem lại may mắn, thịnh vượng qua nhiều thế kỷ. Nó cũng được coi là một trong những sản phẩm văn hoá đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc. Sau đây là những điều thú vị về bức tượng nổi tiếng này.
Nguồn gốc bị nhầm lẫn
Mèo thần tài thường có màu trắng hoặc làm bằng vàng, được bày bán ở các cửa hàng đồ lưu niệm châu Á hoặc các khu phố người Hoa (Chinatown) trên khắp thế giới. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng chúng có xuất xứ từ Trung Quốc, song thực chất chúng có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Mèo thần tài có tên là Maneki-neko, trong tiếng Nhật có nghĩa là "mèo vẫy tay chào". Khách nước ngoài có thể nhầm rằng chúng đang thực hiện động tác chào tạm biệt. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, khác với những nền văn hoá phương Tây, cách để chào hỏi là lòng bàn tay hướng về phía trước, ngón tay hướng xuống dưới, nghĩa là mèo thần tài đang "gọi khách" vào cửa hàng.
Truyền thuyết mèo cứu mạng
Mặc dù có nhiều truyền thuyết và dị bản về tượng mèo thần tài, đa phần đều bắt nguồn từ Nhật Bản. Trong số đó, truyền thuyết phổ biến nhất kể về mèo Tama sinh ra tại đền Gotokuji vào thời kỳ Edo (1603-1868).
Ngày nọ, lãnh chúa Ii Naotaka đi săn chim ưng trong rừng. Khi đi ngang qua đền Gotokuji, Naotaka dừng lại vì thấy mèo Tama của sư trụ trì vẫy chào, mời ông vào bên trong. Đúng lúc ấy, một tia sét giáng xuống trước mặt ông. Tin rằng mèo Tama đã cứu mạng mình, lãnh chúa phong nó thành thần hộ mệnh của ngôi chùa.
Từ đó trở về sau, những bức tượng mèo trắng được thờ kính tại đền Gotokuji để cầu may mắn. Du khách có thể mua tượng ngay trong đền và để lại như một lễ vật, hoặc mang về nhà làm kỷ niệm.
Mèo thần tài đi khắp thế giới
Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào những bức tượng mang tính biểu tượng này lại lan rộng ra bên ngoài các hòn đảo của Nhật Bản để trở nên nổi tiếng khắp châu Á và phần còn lại của thế giới.
Theo một dự án nghiên cứu do Bill Maurer, giáo sư ngành Nhân chủng học tại Đại học California, Irvine đứng đầu, các bức tượng mèo thần tài có từ thời Minh Trị (1868-1912). Trong nỗ lực đánh bóng hình ảnh với người phương Tây, chính phủ Minh Trị đã ban hành Sắc lệnh Đạo đức Công cộng vào năm 1872. Theo đó, các loại bùa chú không được bày biện trong những khu mại dâm, và mèo thần tài được sử dụng làm đồ trang trí thay thế. Từ đó, chúng bắt đầu phổ biến tại các quốc gia và cộng đồng châu Á.
Sau đó, sự bùng nổ của văn hoá đại chúng Nhật Bản trong kỷ nguyên "Cool Japan" vào những năm 1980 và 1990, trùng với làn sóng nhập cư thứ 2 của người Trung Quốc vào Mỹ càng giúp mèo thần tài trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới.
Xuất hiện khắp nơi tại Nhật
Tại xứ sở mặt trời mọc, mèo thần tài phổ biến và có thể tìm thấy ở khắp nơi. Bảo tàng Nghệ thuật Manekineko ở Okayama trưng bày bộ sưu tập gồm hơn 700 bức tượng mèo thần tài từ khắp các thời đại. Tượng mèo cũng được tôn vinh hàng năm vào tháng 9 khi lễ hội Manekineko được tổ chức ở nhiều thành phố khắp Nhật Bản.
Thậm chí tại thành phố Tokoname, tỉnh Aichi còn có một con đường mang tên Manekineko, nơi có hàng chục bức tượng mèo bằng gốm được trưng bày. Tại Tokyo, bạn có thể đến đền Gotokuji hoặc đền Imado. Và tất nhiên, bạn có thể thấy mèo thần tài tại vô số cửa hiệu, nhà hàng... ở xứ sở mặt trời mọc.
Ý nghĩa của tượng mèo
Qua hàng thế kỷ, mèo thần tài đã có nhiều phiên bản khác nhau, phục vụ nhiều mục đích của con người. Bức tượng màu xanh lam để cầu bình an khi tham gia giao thông. Màu hồng để cầu duyên, màu vàng để cầu tài lộc, thịnh vương. Mèo vẫy chân phải "gọi" tiền bạc và vận may, song mèo vẫy chân trái "gọi" bạn bè và khách hàng. Các vật trang trí trên tượng mèo như ryo (một đồng xu hình bầu dục của Nhật Bản) đại diện cho sự giàu có, yếm hoặc chuông thể hiện tình cảm coi trọng và chăm sóc của người Nhật tới loài mèo.
Trung Nghĩa (Theo National Geographic)