Thông thường, sau khi cơn bão đi qua, sẽ có khoảng thời gian yên tĩnh. Sự sống không còn bị đe dọa và khi các hoạt động cứu trợ đi qua thì đến lúc nghiêm túc đánh giá lại những thiệt hại. Sự hủy diệt nào đã diễn ra? Tương lai sẽ khó hồi phục ra sao?
Đối với ngành ngân hàng Mỹ, trình tự này cũng tương tự trong năm nay. Những ngày liền sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank - ngân hàng lớn thứ 16 của nước này, cùng hai nhà băng khác, hoảng loạn và sợ hãi đã bao trùm hệ thống tài chính. Tuy nhiên, "cơn bão" giờ dường như đã qua. Thị trường an tâm hơn vì chắc chắn không có người gửi tiền nào gặp nguy hiểm nữa.
Thế còn đống đổ nát, tức hậu quả từ đợt khủng hoảng đó ra sao? Không dễ để đánh giá chúng. Tuy nhiên, có thể tìm thấy thông tin từ các ngân hàng đã niêm yết ở Mỹ. Mỗi quý một lần, họ phải công khai bảng cân đối kế toán và thu nhập, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về tình trạng lộn xộn trong hệ thống.
Mùa công bố báo cáo tài chính bắt đầu ngày 14/4, khi Citigroup, JPMorgan Chase, PNC Bank và Wells Fargo cập nhật kết quả quý I. Thị trường tiếp tục dõi theo đến 24/4, khi First Republic - một ngân hàng ở San Francisco suýt nữa sụp đổ vào tháng 3 - sẽ công bố kết quả kinh doanh.
Bức tranh toàn cảnh có thể nhìn thấy cho đến nay từ các báo cáo tài chính đang phản ánh thiệt hại không đồng đều lên từng bộ phận của ngành ngân hàng. Economist đánh giá thông qua việc tìm hiểu 3 thước đo, gồm: cơ sở tiền gửi, thu nhập lãi ròng (phần chênh lệch giữa khoản thu của ngân hàng từ cho vay và tiền trả lãi cho người gửi) và lợi nhuận - tại ba ngân hàng có quy mô khác nhau.
Lớn nhất, với tài sản 3.700 tỷ USD là JPMorgan Chase; tiếp theo là PNC với tài sản trị giá 560 tỷ USD. Trong khi đó, đại diện nhà băng quy mô nhỏ là Western Alliance Bancorp trụ sở tại Arizona với tài sản chỉ 70 tỷ USD.
Trên mỗi thước đo, JPMorgan đều hoạt động tốt. Do các tổ chức, cá nhân gần đây có xu hướng chuyển tiền của họ đến các ngân hàng lớn hơn để cảm thấy an toàn. nên tiền gửi của ngân hàng đã tăng trong quý đầu năm so với cuối 2022.
Cuối năm ngoái, JPMorgan dự kiến kiếm được 74 tỷ USD thu nhập lãi ròng năm nay. Nhưng hiện họ cho rằng sẽ đạt đến 81 tỷ USD, vì ít tốn chi phí hơn để giữ và thu hút tiền gửi. Tất cả điều này giúp tăng lợi nhuận lên 12,6 tỷ USD, tăng 15% so với quý IV/2022 và 50% so với năm trước. JPMorgan vì thế trông vẫn ổn định về mặt cấu trúc, và có lẽ còn hơn so với trước cuộc khủng hoảng vừa qua.
Tại ngân hàng tầm trung như NPC, mọi thứ không hoàn toàn thoải mái. Tin tốt là cơ sở tiền gửi của họ được duy trì - trung bình là 435 tỷ USD trong quý IV/2022 và kết thúc quý I/2023 ở mức 437 tỷ USD. Tin xấu là họ đang tốn chi phí nhiều hơn đáng kể cho các khoản tiền gửi này. Cuối năm ngoái, khách hàng PNC giữ khoảng 31% tiền gửi của họ trong các tài khoản không sinh lãi và PNC trả khoảng 1,07% cho các khoản tiền gửi sinh lãi. Giờ đây, khách chỉ để 28% tiền gửi trong các tài khoản không sinh lãi và PNC trả trung bình 1,66% cho phần còn lại.
Mặc dù việc tăng lãi suất các khoản vay giúp PNC cải thiện nguồn thu phần nào, thu nhập lãi ròng của họ vẫn giảm từ 3,7 tỷ USD xuống còn 3,6 tỷ USD. Tổ chức này rõ ràng đang thận trọng bằng cách tăng dư nợ cho vay chỉ 1% trong quý I. Kết quả chung là lợi nhuận chỉ tăng nhẹ.
Tiếp theo, nhà băng quy mô nhỏ Western Alliance chịu thiệt hại rõ ràng nhất. Quy mô tiền gửi giảm 11% trong quý I, dù ban lãnh đạo cho biết nó đã chạm đáy vào 20/3 và dần hồi phục. Nhưng nhờ lãi suất cho vay tăng nên thu nhập lãi ròng của nhà băng này chỉ giảm 5% so với quý cuối 2022. Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng nhất là kết quả lợi nhuận. Western Alliance phải bán bớt tài sản với mức lỗ 110 triệu USD trong quý I. Do đó, lợi nhuận giảm xuống còn 142 triệu USD, giảm một nửa so với quý trước.
Dù vậy, các kết quả này không phản ánh rủi ro nào về khả năng sụp đổ. Nguy cơ rõ ràng nhất với một ngân hàng bên bờ vực phá sản là khi nó mất quá nhiều tiền gửi - tức khách ồ ạt rút tiền - đến mức phải bán gấp số lượng lớn tài sản bất chấp việc này dẫn đến những khoản lỗ khổng lồ. Hoặc một chỉ dấu khác là khi chi phí huy động vốn tăng cao đến mức thu nhập lãi ròng bị xóa sạch. Western Alliance không có điều nào trong hai chỉ báo này.
Hiện các nhà đầu tư phần nào an tâm bởi những số liệu mà Western Alliance công bố. Cổ phiếu nhà băng này đã tăng 24% ngày 19/4, dù vẫn còn thấp hơn một phần ba so với đầu năm. Thu nhập lãi ròng của họ giảm trong quý I những vẫn cao hơn nhiều so với thời lãi suất bằng 0 năm 2021.
Tuy nhiên, có khả năng các ngân hàng khác chưa báo cáo, bao gồm First Republic, đã bị tổn thương nặng nề hơn. Cũng có thể toàn bộ mức độ thiệt hại có thể chưa được tiết lộ trong các báo cáo quý đầu năm nay. Bởi lẽ, hầu hết ngân hàng chỉ báo cáo con số được ước tính theo trung bình quý cho biên lãi ròng, chứ không phải con số thực tế đạt được khi kết thúc quý. Do đó, những tổn thương có thể chưa hiện rõ.
Phiên An (theo The Economist)