Kể từ khi iPhone ra đời, mối liên hệ của Apple và nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC đã trở nên khăng khít. Khi chip xử lý trên iPhone ngày một tiên tiến, TSMC cũng chứng minh thế độc quyền của mình trong việc đúc những chi tiết tinh vi, phức tạp. Hành trình iPhone của Apple dường như gắn chặt với TSMC.
Trong cuốn sách Cuộc chiến chip: Cuộc chiến cho công nghệ quan trọng nhất thế giới, nhà sử học kinh tế Chris Miller đã chỉ ra chính Apple được hưởng lợi nhất từ cuộc chiến này. Theo Miller, ngay từ khi xây dựng Apple, Steve Jobs luôn muốn kiểm soát phần cứng, bởi ômg luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về mối tương quan sâu sắc giữa phần cứng và phần mềm.
Năm 1980, khi tóc dài gần tới vai và bộ ria mép che mất môi trên, Jobs từng bắt đầu một bài giảng với câu hỏi: Phần mềm là gì? "Điều duy nhất tôi có thể nghĩ đến là phần mềm luôn thay đổi quá nhanh hoặc bạn chưa biết chính xác mình muốn gì, hoặc bạn không có thời gian để đưa nó vào phần cứng", ông nói.
Jobs cũng không có thời gian đưa tất cả ý tưởng của mình vào phần cứng iPhone thế hệ đầu. Đây là những chiếc smartphone dùng hệ điều hành iOS nhưng chip lại được thiết kế và sản xuất bởi Samsung. Chiếc điện thoại mới mang tính cách mạng này cũng có nhiều chip khác như: chip nhớ Intel, bộ xử lý âm thanh do Wolfson thiết kế, modem kết nối mạng di động do Infineon của Đức sản xuất, chip Bluetooth của CSR và bộ khuếch đại tín hiệu của Skyworks... Tất cả được thiết kế bởi các công ty khác.
Khi Jobs giới thiệu các phiên bản mới của iPhone, ông bắt đầu khắc sâu tầm nhìn về những chiếc smartphone dùng chip Apple. Một năm sau khi iPhone đầu tiên trình làng, Apple đã mua công ty thiết kế chip nhỏ ở Thung lũng Silicon có tên PA Semi. Không lâu sau, hãng bắt đầu mời một số nhà thiết kế chip giỏi nhất trong ngành về làm việc. Hai năm sau, công ty tuyên bố đã thiết kế bộ xử lý của riêng mình - A4, được dùng cho iPad mới và iPhone 4.
Thiết kế chip cho điện thoại là quá trình phức tạp, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Đó là lý do vì sao các hãng thiết bị điện tử thường mua chip được sản xuất sẵn bởi những công ty như Qualcomm, Intel. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Apple đã đầu tư rất nhiều vào R&D và các cơ sở thiết kế chip ở Bavaria, Israel cũng như Thung lũng Silicon để hoàn thành tham vọng của Jobs.
Giờ đây, Apple không chỉ thiết kế bộ vi xử lý cho hầu hết thiết bị của mình mà còn cả làm cả chip cho các phụ kiện như AirPods. Khoản đầu tư vào bán dẫn đã lý giải tại sao các sản phẩm Apple lại hoạt động trơn tru như vậy. Trong vòng bốn năm kể từ khi iPhone ra mắt, Apple kiếm được hơn 60% tổng lợi nhuận từ việc bán điện thoại thông minh, đè bẹp các đối thủ cạnh tranh.
Khi các bóng bán dẫn được thu nhỏ, chúng trở nên khó chế tạo hơn. Số lượng các công ty có thể chế tạo chip tiên tiến giảm dần. Đến năm 2010, khi Apple tung ra mẫu chip đầu tiên, chỉ có một số xưởng đúc tiên tiến như TSMC, Samsung có thể đáp ứng được yêu cầu của hãng. Intel vẫn là công ty hàng đầu thế giới trong công nghệ bán dẫn, nhưng họ bận tập trung vào việc làm chip cho PC và bộ xử lý cho điện thoại của các công ty khác. Các xưởng đúc của Trung Quốc như SMIC đã cố gắng bắt kịp nhưng vẫn bị tụt lại nhiều năm.
Chuỗi cung ứng smartphone càng khác PC. Bên trong mỗi iPhone chứa đầy chip, không chỉ bộ xử lý chính do Apple thiết kế, mà còn cả modem, chip tần số vô tuyến để kết nối với mạng di động, chip cho kết nối WiFi và Bluetooth, cảm biến ảnh, ít nhất hai chip nhớ, chip cảm nhận chuyển động, chip quản lý pin, âm thanh và sạc không dây.
Hầu hết các bộ vi xử lý quan trọng trên iPhone được sản xuất ở Đài Loan, Hàn Quốc trước khi được gửi đến Trung Quốc đại lục để lắp ráp. Ngày nay, các bộ vi xử lý iPhone được sản xuất độc quyền tại Đài Loan. Gần như không có công ty nào ngoài TSMC có đủ kỹ năng hoặc năng lực sản xuất để tạo ra những chip mà Apple cần. Người dùng đã quen với dòng chữ khắc lên mặt sau của iPhone: "Được thiết kế bởi Apple ở California. Được lắp ráp tại Trung Quốc". Tuy nhiên, phía sau đó còn là các thành phần không thể thay thế của iPhone chỉ có thể được sản xuất tại Đài Loan.
Khương Nha (theo Engadget)