Bài viết của nhà văn ZongYuan (Trung Quốc).
Ngày cuối cùng của năm 2020, tôi nhận được tin nhắn từ người bạn: "Các mục tiêu trong năm cũ của tôi đều đạt được".
Nhìn thấy tin này, tôi dường như không thể tin vào mắt mình bởi vì mục tiêu của cô ấy khó khăn như thế nào: Giảm cân thành công; đọc 50 cuốn sách tiếng Trung và 10 cuốn sách tiếng Anh; vượt qua kỳ thi kế toán và kiếm được 100.000 tệ (360 triệu đồng) tiền nhuận bút. Cô ấy là một bà mẹ với hai đứa con, hàng ngày phải làm rất nhiều việc như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con, giúp chúng làm bài tập... và hầu như không có thời gian cho riêng mình. Nhưng cô ấy đã hoàn thành nhiệm vụ mà người bình thường ít ai làm được.
Tôi hỏi vì sao có thể làm được như vậy, người bạn đó trả lời: "Nên làm tấm gương, trở thành người có kỷ luật tự giác".
Vài năm trở lại đây, tôi phát hiện xung quanh ngày càng có nhiều phụ nữ "xuất chúng" như bạn mình. Giáo viên dạy yoga của tôi là một người như vậy. Cô ấy có khí chất tao nhã, dáng đẹp, ăn nói khéo léo. Khi cô ấy tiết lộ bản thân chỉ mới tốt nghiệp cấp 2, không ai trong chúng tôi tin điều đó. Theo lời kể, cách đây vài năm cô vẫn là nhân viên phục vụ trong một nhà hàng. Một giáo viên yoga thường đến đó ăn tối. Thấy vị giáo viên ăn mặc đẹp, cô và một số bạn gái đồng nghiệp rất ghen tị và hạ quyết tâm học yoga.
Ban đầu các cô gái lập lời thề "Chúng ta phải tập luyện và giám sát lẫn nhau". Nhưng sự nhiệt tình này chỉ kéo dài được một tuần. Sang tuần thứ hai, lác đác có người xin nghỉ với lý do bận việc, hẹn hò, giao lưu. Sau này, cô là người duy nhất trong đám bạn còn kiên trì tập luyện. Nửa năm sau, với thân hình thon gọn, gợi cảm cô đã giành được chứng chỉ huấn luyện viên và chính thức gia nhập đội của người thầy. Mức lương nhận được thời điểm này cao gấp 8 lần so với thu nhập tại nhà hàng. Tất cả đều do sự khổ luyện và tinh thần tự giác cao độ. Một số cô gái tập yoga ban đầu với cô, người về quê lấy chồng, người vẫn làm nhân viên phục vụ, cuộc sống không mấy thay đổi.
"Kỷ luật đã thay đổi cuộc sống, chỉ đơn giản như vậy thôi. Nó áp dụng cho cả nam và nữ", vị giáo viên yoga nói.
Không có nhiều sự khác biệt về tài năng giữa mọi người. Một số phát triển nhanh hơn vì có tinh thần kỷ luật, tự giác cao. Nhà văn Lưu Chấn Vân từng kể một câu chuyện. Bà nội của ông gầy gò nhưng rất giỏi việc đồng áng. Mỗi lần cắt lúa mì, đội sản xuất luôn xếp bà ở hàng đầu tiên. Chấn Vân từng hỏi: "Làm sao bà có thể cắt nhanh như vậy trong khi lại quá gầy?". Người bà trả lời: "Thực ra bà không nhanh. Bà chỉ cúi xuống và cứ thế làm liên tục không đứng dậy nghỉ ngơi. Không như một số người, nghỉ một lần sẽ có lần hai, lần ba. Như vậy tốc độ của họ sẽ chậm hơn".
Tại sao một số người không thể là người cắt lúa ở hàng đầu tiên? Bởi vì mới giảm được vài calo, họ đã không thể chịu được sự cám dỗ của quầy thịt nướng. Chỉ sau vài ngày đọc sách, họ đã để sách mốc meo trên kệ. Chỉ sau vài ngày học một thứ mới, họ lại làm ngơ với chúng... Cuối năm, họ hiểu rằng ngày càng xa rời mục tiêu ban đầu. "Quên nó đi, dù sao mình cũng không thể hoàn thành được", nhiều người sẽ buông xuôi như thế.
Trong cuộc sống, sẽ có vô số những khoảnh khắc làm việc theo cảm hứng. Nhiều người bắt đầu mục tiêu với khí thế ngút ngàn và cảm thấy mình có thể thay đổi được cả thế giới. Nhưng khí thế này chỉ giữ được trong một vài ngày. Khi sự tự giác kỷ luật mất đi, mọi thứ lại trở về thời điểm xuất phát.
Tại sao bạn không dừng lại và suy nghĩ ngay từ đầu rằng mình đã đặt mục tiêu quá lớn? Sự thất vọng do không thể hoàn thành nhiệm vụ sẽ khiến nhiều người nản lòng. Hãy cố gắng đặt mục tiêu nhỏ cho bản thân trước, sau đó chia mục tiêu nhỏ thực hiện trong từng ngày.
Stephen Guise, tác giả cuốn "Mini Habits" (Gieo thói quen nhỏ gặt thành công lớn) ban đầu cũng là một người hay trì hoãn và vô kỷ luật. Điều gì khiến ông thay đổi?
Một năm sắp trôi qua, do không hài lòng với thành công năm cũ nên ông nằm lăn ra đất và chống đẩy, giết thời gian. Rồi ông quyết định thử thách bản thân: Mỗi ngày sẽ thực hiện chống đẩy. Việc làm này đơn giản và dễ dàng đạt được, nên ông đã chủ động thực hiện động tác nhiều hơn theo thời gian. Sau khi hình thành thói quen, Stephen Guise lại đặt ra những nhiệm vụ mới cho bản thân. Ví dụ viết 50 từ mỗi ngày. Ngồi trước máy tính và viết bất kỳ thứ gì ông muốn. Thông qua việc trau dồi những thói quen nhỏ này, ông thấy rằng mình có thể làm được nhiều việc hơn mỗi ngày. Từ 50 lên đến 500, rồi 1.000 từ mỗi ngày. Từng chút một, ông không bao giờ gián đoạn kế hoạch và trở thành một nhà văn xuất sắc.
Khi nói về người sống kỷ luật, chúng ta thường nghĩ rằng người này đang có cuộc sống đặc biệt khó khăn: Bao nhiêu hạnh phúc trần gian anh ta đã từ bỏ, bao nhiêu niềm vui của cuộc sống anh ta không được thưởng thức... Thực tế, khi kỷ luật bản thân đạt đến một mức độ nhất định thì đó chính là sự nỗ lực. Khi nếm trải vị ngọt kỷ luật của bản thân, bạn sẽ chẳng bao giờ mất kiểm soát cuộc đời mình. Những thói quen tốt được trau dồi bằng kỷ luật cuối cùng sẽ trở thành phần thưởng xứng đáng.
Nhà thiết kế lừng danh Nhật Bản Yamamoto Yohji từng nói: "Tôi luôn tin quy tắc 10.000 giờ. Tôi không bao giờ tin tự do lại dành cho kẻ lười biếng. Sự tự do mà tôi khao khát là một cuộc sống rộng lớn hơn đạt được nhờ làm việc chăm chỉ. Loại tự do đó thật đáng quý và có giá trị".
Trong cuốn sách Outliers (Những kẻ xuất chúng) xuất bản năm 2008, tác giả Malcolm Gladwell cho biết 10.000 giờ là "con số kỳ diệu của sự vĩ đại". Theo ông, để trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào, một người cần 10.000 giờ luyện tập có chủ đích.
Gladwell đưa ra một số ví dụ, trong đó có trường hợp của tỷ phú Bill Gates: Ông bắt đầu lập trình từ khi còn là một thiếu niên trung học và chính cơ hội luyện tập đó đã giúp ông thành công rực rỡ. Thông điệp mà Gladwell muốn nhắn nhủ là không phải ai sinh ra cũng là thiên tài mà họ thành công phần nhiều là nhờ nỗ lực của bản thân.
Kỷ luật tự giác là một sự lựa chọn, người muốn người không. Nhưng mọi lựa chọn sẽ do chính bạn trả giá. Có một câu nói: "Ham muốn cấp thấp có thể được sở hữu bởi đam mê. Ham muốn cấp cao chỉ có thể đạt được bằng tự giác kỷ luật". Sẽ không có chiếc bánh nào tự rơi từ trên trời xuống và những điều tốt đẹp trong cuộc sống đều đến từ sự tự giác.
Vậy những người bình thường phải làm gì để có được cuộc sống vượt trội? Hãy cúi xuống và đừng đứng dậy vội vàng, để tiết kiệm năng lượng cuộc sống.
Vy Trang (Theo sohu)