Trong chương trình truyền hình thực tế "Bàn học nhỏ thân yêu" của đài CCTV (Trung Quốc), mới đây một người mẹ đã nêu quan điểm: "Trẻ con không nên có một tuổi thơ hạnh phúc để khi lớn lên chúng mới có hạnh phúc thực sự".
Câu nói của người mẹ trên làm nhiều người khác cảm thấy hoang mang: "Nếu không tước đi hạnh phúc tuổi thơ của con vậy ở tuổi trung niên chúng ta có lâm cảnh ngậm ngùi nhìn sự thất bại của chúng? Làm thế nào để nuôi con đúng đắn nhất?".
Hầu hết trẻ đều là những đứa trẻ bình thường
Đố kỵ với con cái nhà người khác và luôn so sánh con mình với "con nhà người ta" là hành động của nhiều cha mẹ châu Á. Để con mình không bị thua ngay từ vạch xuất phát, nhiều gia đình đã huy động tất cả nguồn lực từ kinh tế, thời gian, trí lực. Nhưng liệu thực sự khi dốc toàn bộ "vốn liếng", con họ sẽ đạt được thành công?
Gần đây bài viết của một vị giáo sư ở Thượng Hải đã khiến nhiều phụ huynh phải giật mình. Bài viết 6.000 chữ ghi lại trải nghiệm của chính cháu trai ông. Từ khi cậu bé mới 3 tuổi, cả gia đình đã tập trung mọi nguồn lực "đầu tư" trong 3 năm để cháu được nhận vào một trong bốn trường điểm của thành phố. Tuy nhiên trái với mong đợi, với áp lực cao, sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình, cậu bé đã mắc "Hội chứng Tourette"- một bệnh lý hệ thần kinh khiến bệnh nhân bị co giật. Đây là một loại rối loạn tâm thần mãn tính, không nghiêm trọng nhưng rất khó chữa khỏi.
Nhìn những đơn thuốc bác sĩ kê, người ông giáo sư nhiều lúc nuốt nước mắt vào trong rồi buông tiếng thở dài: "Khi cha mẹ chuyển sự kỳ vọng của mình cho con cái thường thứ mất đi nhiều hơn là thành tựu đạt được".
"Cha mẹ càng lo lắng thì đứa trẻ càng đau khổ. Tâm lý không để con thua ngay từ vạch xuất phát không làm cho tương lai trẻ hạnh phúc mà hủy hoại cả cuộc đời chúng", vị giáo sư nói.
Thực tế, chúng ta phải thừa nhận rằng hầu hết trẻ em trên thế giới này đều chỉ là những đứa trẻ bình thường. Điều này cũng đúng với thành tích của của chúng. Cha mẹ đạt thành tích cao không có nghĩa con cái sẽ thành công như họ. "Không có gì sai khi mong đợi con cái xuất sắc và thành công, nhưng nếu biến kỳ vọng thành nỗi ám ảnh thì đó là một dạng bi kịch", vị giáo sư Thượng Hải nói trong bài viết của mình.
Bao dung những khiếm khuyết thì trẻ mới tìm ra được chính mình
Diễn viên Đào Hồng trong một buổi phỏng vấn đã nói về cách dạy con của mình: "Dù con gái trở thành người như thế nào thì tôi cũng rất hạnh phúc".
Nữ diễn viên đã kể lại một sự cố trong quá trình nuôi dạy con khiến nhiều khán giả xúc động. Con gái cô có ngoại hình không bắt mắt, đến lớp bị bạn bè chê xấu, về nhà khóc nguyên một ngày. Nhìn thấy con đau khổ, Đào Hồng đến bên an ủi: "Thế con có thấy mình xấu không?", "Không xấu", cô bé tức giận. "Thế con có thấy mình xinh không?", người mẹ tiếp tục. Đứa trẻ gật đầu chắc chắn. Đào Hồng nói với con rất bình thản: "Mẹ nói thật, con không xấu cũng không đẹp. Nhưng con, đối với mẹ là điều tuyệt vời nhất, bởi con là duy nhất và không ai có thể thay thế".
Trên đời này chưa từng có hai chiếc lá giống hệt nhau, cũng chưa từng có một bản sao giống nhau 100%, kể cả con người. Tuy nhiên, trong thời đại cạnh tranh này, nhiều cha mẹ bị lạc trong các tiêu chuẩn của người ngoài. Họ làm việc chăm chỉ để uốn nắn con cái, mong chúng trở thành những "bản sao" của ai đó và vừa lòng nhất với những đánh giá từ bên ngoài.
Trong tình yêu và sự bao dung, hãy để trẻ không biết sợ hãi. Những đứa trẻ sống ngoài "tiêu chuẩn" có cơ hội tạo ra những điều kỳ diệu. Vũ công nổi tiếng thế giới Gillian Lynne (Anh) là một trong những đứa trẻ như vậy.
Gillian Lynne năm 8 tuổi trong mắt các giáo viên là một thảm họa. Cô bé luôn nộp bài tập muộn, chữ viết xấu, còn điểm số thì luôn lẹt đẹt. Không tập trung trong giờ học, lúc thì cô bé gây ồn ào, tiếp đến lại mơ màng nhìn ra cửa sổ, trêu chọc bạn bè. Giáo viên đã mời phụ huynh lên nói chuyện và bàn tới phương án đuổi học. May mắn Gillian có một người mẹ yêu thương con gái.
Nhận thấy con gái nhún nhảy cả ngày trong phòng, bà mẹ đưa con đi bác sĩ và nhận được lời khuyên: "Đứa trẻ không bị bệnh. Nó là một vũ công. Hãy gửi nó đến trường múa". Nghe theo lời khuyên, Gillian Lynne được mẹ gửi tới trường múa với lời dặn dò "Con gái, mẹ luôn tin vào khả năng của con". Chính quyết định trên đã làm nên cuộc đời sau này của Gillian Lynne, trở thành diễn viên và biên đạo múa lừng danh thế giới. Cô cùng sáng tạo ra những kiệt tác nhạc kịch xuất sắc nhất trong lịch sử, bao gồm Những chú mèo (Cats) và Bóng ma trong nhà hát (The Phantom of the Opera).
Chỉ bằng cách chấp nhận những điều bình thường của trẻ, chúng mới có thể sống hết mình
Phim tài liệu "Bảy năm cuộc đời" của Nhật Bản đã theo dõi những đứa trẻ sinh ra trong 13 gia đình bình thường suốt 28 năm. Bộ phim tài liệu này một lần nữa xác minh một thực tế phũ phàng: Dù cha mẹ có đặt nhiều hy vọng vào con cái như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng hầu hết trẻ cũng sẽ có một cuộc sống bình thường.
Naoki, 7 tuổi sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là nhân viên văn phòng bình thường. Điều yêu thích của cậu bé này là chơi game 2 giờ mỗi ngày. Năm 14 tuổi, Naoki bắt đầu luyện thi với ước mơ đỗ đại học vì nghe nói môi trường này có thể chơi cả ngày.
Năm 21 tuổi, ở năm thứ 3 đại học, cậu lại mong muốn trở thành công tố viên vì nghe nói nghề này kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên Naoki đã bỏ cuộc vì kỳ thi quá khó, cậu đến làm việc trong một quán cà phê. Năm 28 tuổi, chàng trai này được thăng chức quản lý và đưa quán cà phê có doanh thu tốt nhất trong 1000 cửa hàng trên toàn quốc.
Cậu bắt đầu đặt mục tiêu mở một quán cà phê của riêng mình và nỗ lực mỗi ngày để đạt được nó. Trước máy quay, chàng trai này luôn xuất hiện một cách đầy tự do và bình yên. Cậu được làm những gì mình thích và từ bỏ nếu thấy không phù hợp. Đi hết một chặng đường, cuối cùng Naoki cũng tìm được hướng đi của trái tim mình. "Ngay từ đầu cha mẹ đã không yêu cầu quá nhiều ở tôi, để tôi được là chính mình", chàng trai nói.
Trái ngược với Naoki là Takako. Từ năm 7 tuổi, tất cả thời gian rảnh rỗi, cô bé đều có mặt tại các lớp huấn luyện. Cô bé rất nỗ lực trong học tập nhưng khi vào trung học và lên đại học, cô không vào được ngôi trường mà bố mẹ kỳ vọng. Năm 21 tuổi, cô nhận được lời mời làm tiếp viên hàng không: "Cuối cùng tôi cũng có thể khiến bố mẹ tự hào!", trước ống kinh, cô gái bật khóc. Lời khẳng định này là một niềm vui muộn màng, đồng thời cũng là một hơi thở nhẹ nhõm của cô gái.
Tuy nhiên, Takako luôn sống trong tâm trạng lo lắng, thận trọng và không thể tự giải tỏa. Dù đã được thăng chức tiếp viên hàng không hạng nhất nhưng Takako luôn lo sợ mình làm không tốt, ngay cả khi tan sở, cô vẫn không thể ngừng nghĩ về công việc. Ba năm sau, hãng hàng không của Takako tuyên bố phá sản, cô thất nghiệp và nhìn nhận lại cuộc đời mình. Sau này được tận hưởng những tháng ngày "sống là chính mình’. "Cuối cùng thì tôi cũng rảnh", trước ống kính, Takako hét lên hạnh phúc.
"Trên đời này, không ai có siêu năng lực để thiết kế cuộc sống của một ai đó. Bản chất của cuộc đời là ngắn ngủi, vô thường, mong manh và bơ vơ. Hãy để những đứa trẻ sống cuộc đời huy hoàng của riêng chúng", vị đạo diễn của bộ phim đúc kết.
Bất kể nghèo khổ hay giàu có, hãy để mỗi đứa trẻ được sống một cuộc đời bình thường, được làm chủ chính bản thân mình. Đây là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ dành cho con cái trong cuộc đời này.
Cuộc sống là một hành trình dài và tuổi thơ chỉ là một phần nhỏ trong đó.
Hải Hiền (Theo sohu)