Ung thư buồng trứng khá hiếm, nhưng lại gây chết người. Trung bình cứ 72 phụ nữ sẽ có 1 người mắc căn bệnh này.
Trung bình 43,7% số người mắc bệnh có thể sống thêm 5 năm tùy thuộc vào giai đoạn được chẩn đoán. Chỉ có gần 27% người được chẩn đoán khi bệnh đã di căn có thể sống tới 5 năm.
Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ, yếu tố nguy cơ gây bệnh lớn nhất là do tiểu sử bệnh gia đình. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng 3 lần nếu trong gia đình có ít nhất một người thân (mẹ, chị em gái, con gái) bị bệnh này. Đó là do trong những gia đình này có mẫu gen BRCA1 và BRCA2, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên từ 15 tới 40%. Những phụ nữ này thường mắc bệnh trước tuổi 50. Trong khi đó, phụ nữ không có tiểu sử bệnh gia đình chỉ có 1,4% nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, có từ 85% tới 90% ca bệnh không có liên hệ gene rõ ràng.
Thuốc liên quan tới thụ thai, các liệu pháp thay thế hormone sau khi mãn kinh và béo phì cũng có liên hệ với tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhìn chung, nguy cơ này tăng theo độ tuổi.
Dường như nguy cơ mắc bệnh tăng lên song song với số lần rụng trứng của mỗi phụ nữ. Theo tiến sĩ Ronny Drapkin, giáo sư trợ giảng khoa bệnh học của trường y Havard, trong kỳ kinh, trứng được giải phóng khỏi buồng trứng vào ống dẫn trứng, và các nghiên cứu gần đây gợi ý rằng chất lỏng được giải phóng trong buồng trứng cùng trứng trong kỳ kinh chứa yếu tố phát triển và các phân tử khác làm tổn hại tới AND của các tế bào ống dẫn trứng gần đó.
Thêm vào đó, bằng chứng cho thấy căn bệnh ung thư buồng trứng gây tử vong nhiều nhất thật ra bắt đầu khi tế bào ở cuối ống dẫn trứng - không phải các tế bào trong buồng trứng - bị ung thư. Các kết quả này giải thích rằng bất kỳ điều gì làm giảm số lần phụ nữ rụng trứng cũng giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Drapkin cho biết, cho con bú và thuốc tránh thai đều giúp tạm dừng quá trình rụng trứng và các nghiên cứu đã liên hệ những yếu tố này với việc giảm nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng
Theo Trung tâm Y tế Mayo, một nguyên nhân khiến ung thư buồng trứng khó phát hiện ở giai đoạn đầu là nó có các triệu chứng tương tự căn bệnh khác, như các vấn đề về tiêu hóa.
Một số triệu chứng bao gồm:
- Tức bụng đầy hơi.
- Buồn nôn, đầy bụng hay khó tiêu liên tục.
- Các thay đổi trong thói quen đi vệ sinh như táo bón hay tiểu tiện thường xuyên.
- Ăn không ngon hay chóng no.
- Tăng số đo vòng eo.
- Chóng mệt.
Những triệu chứng trên kéo dài và ngày một tăng. Do các triệu chứng đó thường gặp, các nhà nghiên cứu đã xem xét thêm dấu hiệu khác để phát hiện bệnh, như: tần suất, mức độ và khoảng thời gian các triệu chứng điển hình liên hệ với bệnh để so với các bệnh tương tự. Trong một nghiên cứu công bố năm 2004, các nhà nghiên cứu so sánh những phụ nữ đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh so với những người không bị mắc bệnh.
Họ nhận thấy sự kết hợp các yếu tố đau bụng, đau xương chậu, đầy hơi, táo bón và tăng vòng 2 là phổ biến hơn ở những phụ nữ bị bệnh.
Không có bằng chứng cho thấy kiểm tra sàng lọc giúp phát hiện ung thư buồng trứng. Các kiểm tra xương chậu có thể bao gồm kiểm tra buồng trứng, nhưng thường vẫn không giúp phát hiện khối u cho tới khi bệnh đã phát triển to.
Siêu âm qua âm đạo và xét nghiệm máu đo nồng độ phân tử CA-125 cũng không đủ chính xác để giúp phát hiện bệnh.
Khánh Vy (theo livescience)