PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho rằng chủ trương thí điểm cách ly F1 tại nhà phù hợp với tình hình dịch bệnh tại Việt Nam hiện nay, nhưng phải đảm bảo các điều kiện cần thiết.
Ông phân tích, mục đích chính của các hình thức cách ly là cắt đứt đường lây nhiễm của dịch bệnh từ một người sang nhiều người. Dựa trên nguyên tắc này, nhà chức trách có thể áp dụng nhiều phương pháp cách ly, phù hợp với từng thời kỳ dịch bệnh.
Từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam quy định bắt buộc cách ly tập trung với người tiếp xúc gần (F1) tại các cơ sở do quân đội, công an quản lý. Theo ông Nhung, chính sách này là hợp lý, đúng đắn, phù hợp với điều kiện thời gian qua, giúp Việt Nam đứng vững trước ba làn sóng dịch bệnh. Bởi khi dịch bệnh mới bùng phát, người dân, thậm chí cả cơ quan quản lý cũng chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc cách ly, chưa hiểu rõ về Covid-19.
Tuy nhiên, đến nay sau hai năm chống dịch thành công, nhiều nghiên cứu khoa học được công bố, ngành y tế và người dân đã hiểu biết nhiều hơn về dịch bệnh. "Vì vậy, chủ trương thí điểm cách ly F1 tại nhà đặt ra lúc này là phù hợp. Nghĩa là có thể dùng nhiều phương pháp cách ly khác nhau với F1, nhưng đảm bảo nguyên tắc làm sao cắt đứt nguy cơ lây lan dịch bệnh", ông Nhung nói.
Ông đề xuất bốn điều kiện để cách ly F1 tại nhà an toàn. Thứ nhất, người dân phải được trang bị kiến thức kỹ lưỡng về dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp đảm bảo an toàn. "Điều quan trọng nhất là người cách ly phải có thái độ chấp hành cách ly nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế", ông Nhung nói và đề xuất bắt buộc F1 cách ly tại nhà phải ký cam kết không vi phạm quy định.
Thứ hai, người cách ly phải có cơ sở vật chất đủ rộng, nhà nhiều phòng khép kín, cách biệt với các nhà xung quanh. "Kiên quyết không chấp nhận cách ly tại nhà với những người có diện tích nhà quá nhỏ, đông thành viên", ông Nhung nói.
Thứ ba, khi gia đình có thành viên là F1 thì những người còn lại đương nhiên là F2 (diện cách ly tại nhà) nên cần được trang bị kiến thức phòng tránh dịch, sinh hoạt hàng ngày an toàn. Ông Nhung đề xuất nên giao cho tổ dân phố hoặc tổ Covid-19 cộng đồng hỗ trợ gia đình cách ly mua sắm nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt... Cơ quan y tế cần tuyên truyền kiến thức cho người dân.
Thứ tư, tất cả gia đình đăng ký cách ly tại nhà phải lắp camera giám sát 24 giờ. Người nào tự ý ra khỏi nhà, vi phạm quy định thì xử lý hình sự.
Đồng thời, trong thời gian cách ly tại nhà, các thành viên gia đình phải được xét nghiệm Covid-19, tối thiểu ba lần như quy định với người cách ly tập trung.
"Nếu gia đình đáp ứng đủ bốn điều kiện nêu trên thì có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà. Chủ trương này vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa tạo điều kiện cho người thuộc diện cách ly có tâm lý thoải mái, có thể làm việc tại nhà từ xa", ông Nhung nói và đề nghị trước mắt làm thí điểm ở Bắc Ninh, Bắc Giang để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra nơi khác.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng chủ trương thí điểm cách ly F1 tại nhà là phù hợp và cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Ông phân tích, dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang chủ yếu xảy ra tại khu công nghiệp. "Trong khi mỗi phân xưởng, mỗi nhà máy xuất hiện ca F0 sẽ có rất nhiều F1. Nếu cứng nhắc cách ly tập trung sẽ không có đủ cơ sở vật chất bởi có thể có tới hàng trăm nghìn F1", ông Phu nói.
Nếu để xảy ra tình trạng quá tải trong khu cách ly tập trung, lực lượng chức năng sẽ khó khăn trong phục vụ ăn uống, sinh hoạt. "Hơn nữa, nếu khu cách ly tập trung không đảm bảo sẽ rất dễ bị lây nhiễm chéo. Vì vậy, cần tính đến phương án cách ly tại nhà trên cơ sở phân loại các nhóm nguy cơ của F1", ông Phu nói.
Ông đề xuất, các F1 thuộc diện nguy cơ cao vẫn bắt buộc cách ly tập trung; trường hợp ít nguy cơ hơn thì cách ly tại nhà.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang "mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng" việc cách ly F1 tại nhà. Việc thí điểm này áp dụng khi có quá nhiều F1 cần cách ly.
Theo ông Đam, việc thí điểm áp dụng trước mắt ở quy mô nhỏ, với các gia đình có điều kiện về nhà cửa, đảm bảo khoảng cách với xung quanh. Người tiếp xúc gần ca dương tính (F1) sẽ được cách ly tại nhà, kết hợp giám sát bằng công nghệ và hàng xóm, người dân xung quanh.
Việt Nam đang quy định tất cả người nhập cảnh và người tiếp xúc gần với ca nhiễm (F1) phải cách ly tập trung 14 ngày. Sau ba lần xét nghiệm âm tính, những người này được giám sát sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú thêm 14 ngày nữa.
Từ ngày 5/5, Bộ Y tế quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung người tiếp xúc gần với ca dương tính và người nhập cảnh Việt Nam lên 21 ngày. Sau ba lần xét nghiệm âm tính, họ tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.