Bất kỳ du khách nào khi đến Florence, Italy đều mong muốn được một lần trong đời tận mắt thấy bức tượng David khỏa thân nằm trong bảo tàng nghệ thuật Galleria dell'Accademia. Ngày nay, tượng David luôn được người đời tán dương như một trong những bức tượng đẹp nhất thế giới. Cùng với David, bức tranh Bữa tối cuối cùng của Leonardo Da Vinci và Sistine Madona của Raphael đã trở thành biểu tượng mẫu mực của nghệ thuật Italy trong giai đoạn Phục Hưng.
Vào năm 1501, khi bắt tay vào công cuộc tạo tác David, nhà điêu khắc, kiến trúc sư Michelangelo mới 26 tuổi, nhưng ông đã là nghệ sĩ được trả lương cao nhất vào thời bấy giờ. Lúc đó, tiếng tăm của Michelangelo đã rất vang dội với kiệt tác Pietà (Đức mẹ sầu bi).
Đứng trước khối đá cẩm thạch màu trắng lấp lánh - khối đá mà nhiều nghệ nhân trước đó từng lắc đầu chối từ, Michelangelo rất hứng khởi và nhiệt tình nhận lời tạc ra một tác phẩm. Hơn 2 năm làm việc miệt mài, đến năm 1504, người nghệ sĩ nổi tiếng đã cho ra đời một trong những kiệt tác ngoạn mục nhất của mọi thời đại: tượng David. Bức tượng cao 4,34m khắc họa một cách rõ nét vẻ đẹp trên cơ thể của người anh hùng David, với những điểm nhấn tinh tế ở phần xương chậu, ngực, cơ bụng và hông.
Bức tượng được lấy cảm hứng từ một vị anh hùng trong Kinh Thánh - vua David. Câu chuyện xảy ra vào năm 1.000 trước CN, khi đó dân Do Thái tới định cư trên miền Đất Thánh và thường xuyên phải chịu sự quấy nhiễu của dân Philistin. Trong mọi trận chiến, quân của hoàng đế Saul luôn bị thất thủ.
Buổi sáng hôm ấy, quân đội của hai bên giáp mặt và gã khổng lồ Goliath lại thách thức, sỉ nhục dân Israel. Tiếng hắn như sấm vang khắp thung lũng Elah, khiến cả đội quân của vua Saul mất hết tinh thần. Không một ai dám đáp trả lại lời mắng nhiếc của hắn - một gã khổng lồ cao lớn, mặt mày dữ tợn, chân tay hộ pháp.
Và rồi, một chàng trai với thân hình mảnh khảnh, mặt còn búng ra sữa đã bước ra khỏi hàng ngũ Israel, đương đầu với gã khổng lồ to lớn. Kết thúc trận chiến, Goliath bị chàng trai chăn cừu David hạ gục và chặt đầu. Dân Do Thái chiến thắng và David được tôn vinh như một vị anh hùng. Sau đó, chàng được vua Saul gả công chúa rồi lên kế vị ngôi báu.
Các nghệ sĩ Florence thời bấy giờ như Verrocchio, Ghiberti và Donatello đều miêu tả David trong tư thế chiến thắng. Đây là một cách khắc họa khá truyền thống. Nhưng Michelangelo đã mang lại một làn gió mới, khi ông quyết định tạo nên hình tượng chàng mục tử David trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi đang thách thức gã khổng lồ Goliat. Chàng đứng trong tư thế hiên ngang, chủ động và đầy thách thức, trên tay là những viên sỏi nhỏ và vắt trên vai một chiếc ná bắn đá.
Nói về phiến đá để Michelangelo tạo ra David cũng có nhiều giai thoại. Một trong số được nhiều người nhắc đến là vào thế kỷ 15, nhà thờ tại thành phố Florence tìm thấy một phiến đá hoa cương trắng tuyệt đẹp, muốn dùng nó để tạo ra pho tượng trang trí trên vòng tròn nóc giáo đường. Nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng thời đó nhận lời, tuy nhiên sau một hồi ngắm nghía khối đá đã lắc đầu từ chối.
Cũng có câu chuyện khác tương truyền rằng, phiến đá này do các phụ nữ giàu có sinh sống tại Firenze - thành phố miền bắc Italy nảy ra sáng kiến hiến tặng một khối đá cẩm thạch lớn. Họ thuê một nhà điêu khắc tạc thành bức tượng tùy ý làm quà tặng thành phố. Nhưng rồi, không ai nhận lời tạc khối đá này. Nhiều người đã bỏ cuộc với lời quả quyết: Khối đá này vô dụng.
Và cho dù có nhiều dị bản khác nhau thì phải mất 40 năm sau, định mệnh mới đưa nó đến gặp một duyên phận tốt lành - nhà điêu khắc có tên gọi Michelangelo. Khi nhận phiến đá, ông đã hăng say đo đạc mọi kích thước. Người nghệ sĩ bỏ ra nhiều giờ liền để nhìn ngắm khối đá để lấy cảm hứng. Và rồi ông nhìn ra một bức tượng mà tin chắc rằng, dân chúng thành Firenze sẽ mến mộ. Đó là hình ảnh chàng thanh niên David trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với gã khổng lồ Goliath.
Và gác lại mọi tiếng thị phi của người đời, rằng ông sẽ thành dã tràng với phiến đá này, dưới mỗi nhát búa, mỗi cái đục... tượng David dần dần hiện lên, hiên ngang, oanh liệt và đẹp một cách đầy mê hoặc. Bức tượng này, trải qua bao thế kỷ vẫn khiến hàng triệu du khách đắm say mỗi khi ngắm nhìn.
Tượng Vua David là một trong những kiệt tác nghệ thuật được đánh giá là hoàn hảo và đẹp nhất mọi thời đại. Ngày nay, nhiều người thắc mắc tại sao dương vật của bức tượng lại nhỏ hơn bình thường. Không ít người cho rằng, phải chăng đây là "lỗi kỹ thuật" mà Michelangelo vô tình mắc phải. Tuy nhiên, nếu trở về thời điểm mà nghệ sĩ sáng tác ra bức tượng này, Michelangelo đã tạc bức tượng theo hình mẫu Hy Lạp cổ điển, nơi mà cơ bắp quan trọng hơn... chỗ đó. Thậm chí, những người có dương vật nhỏ mới được tôn trọng. Ngày nay, các nhà chức trách đang khá đau đầu trong việc bảo quản bức tượng tuyệt mĩ này. Kiệt tác điêu khắc thời Phục Hưng này đang có những vết nứt nhẹ, tập trung ở mắt cá chân trái. Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni là một nhà điêu khắc, kiến trúc sư bậc thầy của Italy. Ông sinh năm 1475, mất năm 1564. Ông là nghệ sĩ phương Tây đầu tiên được xuất bản tiểu sử ngay khi còn sống. Người đương thời thường gọi ông là Il Divino (người siêu phàm). Mọi người khi đứng trước ông đều có cảm giác kính sợ trước sự vĩ đại. |
Xem thêm Của quý được sờ mó nhiều nhất Paris
Anh Minh