Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bổ sung quy định và đưa thành một điều riêng về lập Quỹ bình ổn giá. Chính phủ cũng trình Quốc hội tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu. Quỹ này từng nhiều lần được các doanh nghiệp, chuyên gia đề xuất bỏ.
Thảo luận ở tổ chiều nay, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhận xét việc điều hành Quỹ "vừa qua rất có vấn đề".
Theo quy định, nguồn hình thành quỹ này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít). Ông Giang cho rằng, việc trích - chi quỹ này vừa qua của cơ quan quản lý chưa hài hòa, khi giá thế giới liên tục tăng cao, số dư Quỹ lại âm, chưa phát huy tác dụng bình ổn giá. Ngược lại, khi giá thế giới giảm, giá trong nước lại hạ chậm hơn do phải trích lập, bù đắp cho phần Quỹ bình ổn đã âm trước đó, ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng.
"Việc này khiến giá xăng dầu trong nước không tiệm cận thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm", ông nói và đề nghị nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu.
Các đại biểu khác cũng thấy cần đánh giá lại việc sử dụng Quỹ đã hợp lý chưa và nếu tiếp tục duy trì, cần có cơ chế, điều kiện để quỹ này vận hành tốt hơn.
Phân tích những tác động khi giá thế giới biến động rất mạnh vừa qua, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư Pháp Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cũng nhận xét, Quỹ bình ổn "tác động không lớn lắm".
"Khi nguồn cung không đảm bảo, Quỹ bình ổn xăng dầu cũng không giải quyết được gì. Có nghĩa, chúng ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn, khủng hoảng rất nghiêm trọng về nguồn cung. Do vậy tác động của quỹ này không lớn đến mức cần duy trì bằng mọi giá", ông Long nêu.
Vì thế, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư Pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không trong bối cảnh tới đây sẽ điều chỉnh chính sách về thuế, kể cả thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.
Nếu điều chỉnh thuế, theo ông, nên xem lại việc vận hành quỹ. Ông đề nghị cần thiết kế cơ chế, điều kiện để đảm bảo sử dụng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, kịp thời hơn trong những trường hợp thị trường dị biệt, bất ổn như hiện nay. "Cơ chế vận hành, bình ổn giá như hiện hành không đáp ứng được nhu cầu", ông nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng góp ý, thực chất quỹ này hình thành qua trích lập từ giá mua người tiêu dùng trả, giao cho doanh nghiệp quản lý. Xăng dầu là loại hàng đặc biệt, ngoài quỹ, có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí. Do đó, nếu giữ quỹ này, theo ông chỉ nên duy trì một thời gian và về dài hạn "tiến tới bỏ".
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhìn nhận, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu không hoàn toàn phụ thuộc vào Bộ Công Thương mà liên quan nhiều bộ, ngành. Cơ cấu xuất nhập, đầu mối phân phối; chiết khấu, công thức tính... không phải do một mà liên quan đến rất nhiều bộ, chưa kể cơ chế khác nhau giữa hàng nghìn đại lý ở các địa phương, không phải do Trung ương quản lý.
"Cơ chế của chúng ta đang cồng kềnh thế này mà không gói gọn lại, chỉ tập trung sửa đổi luật, hay chỉ bàn 'có tồn tại quỹ bình ổn giá hay không' thì không giải quyết được vấn đề", đại biểu Bình Dương nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó đoàn Quảng Trị ví Quỹ này như van điều tiết, "giá lên thì xả quỹ" để giữ cân bằng tương đối với các mặt hàng khác.
"Về mặt thị trường bình ổn giá là biện pháp phi thị trường, nhưng nếu bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ không có công cụ để Nhà nước điều tiết giá mặt hàng thiết yếu này", ông Thắng nói.
Ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách (đoàn Bắc Giang) đánh giá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn là công cụ hiệu quả, giúp giá bán lẻ trong nước "không tăng cao vút" và hạn chế tác động tới giá hàng hoá, dịch vụ khác do xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất.
"Khi chưa có công cụ khác thay thế thì vẫn cần duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu", ông nói.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, khi giá thế giới biến động quá lớn, không thể chỉ sử dụng quỹ, mà phải dùng công cụ mạnh hơn là giảm thuế, phí để kìm đà tăng giá trong nước.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại hai kỳ họp. Theo chương trình, ngày 11/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại nghị trường dự thảo luật này.