Quân đội Ukraine phát động cuộc tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk hôm 6/8, kiểm soát hàng chục ngôi làng trong chiến dịch xuyên biên giới lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/8 cho biết đang xem xét nghiêm túc kịch bản lực lượng Ukraine nhắm mục tiêu vào nhà máy điện hạt nhân cách biên giới hai nước khoảng 90 km ở tỉnh Kursk. Tập đoàn hạt nhân nhà nước Rosatom đã bắt đầu rút nhân viên khỏi nhà máy, trong khi binh sĩ Nga đang gấp rút đào hào phòng thủ xung quanh cơ sở.
Quân đội Ukraine cho biết họ đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn chiến lược Sudzha và chỉ còn cách nhà máy điện hạt nhân Kursk khoảng 70 km. Nhà máy này có hai lò phản ứng đang hoạt động, có thiết kế tương tự nhà máy Chernobyl ở Ukraine, cùng hai lò hiện đại hơn đang xây dựng. Hai lò mới này gần giống lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mà Nga đang kiểm soát ở tỉnh cùng tên ở Ukraine.
Trong trường hợp lực lượng Ukraine tấn công và kiểm soát nhà máy hạt nhân Kursk và tình trạng an toàn tại cơ sở này được duy trì, Ukraine có thể tìm cách kết nối nhà máy với hệ thống năng lượng của mình để khai thác nguồn điện tại đây, Dmitry Gorchkov, chuyên gia hạt nhân từ Trung tâm Minh bạch Môi trường Bellona ở Litva, nhận định.
Lựa chọn này chỉ khả thi nếu đơn vị vận hành Nga không đưa các lò phản ứng tại đây vào trạng thái "nguội", khiến hoạt động phát điện bị ngừng. Kiev cũng sẽ cần bổ sung hạ tầng để kéo điện trực tiếp từ nhà máy về Ukraine, gồm các trạm biến áp, đường dây điện cao thế, ông Gorchkov giải thích.
Ukraine có thể kết nối điện từ nhà máy Kursk bằng hai đường dây điện 330 kV và 750 kV chạy qua thị trấn Sudzha hướng tới tỉnh Sumy. Nhưng chưa rõ tình trạng của hai đường dây này, đặc biệt là đoạn hướng về phía Ukraine, sau các đợt không kích hạ tầng năng lượng của Nga.
Hệ thống năng lượng của Nga và Ukraine cũng không đồng bộ, chưa được kết nối với nhau. Kể từ khi Ukraine chuyển sang dùng hệ thống năng lượng châu Âu trong những tháng đầu chiến sự, việc kết nối một cơ sở phát điện trên lãnh thổ Nga với hệ thống năng lượng của Ukraine đòi hỏi phải lắp đặt thêm thiết bị.
"Rất khó để thực hiện điều này ở tiền tuyến trong thời chiến", ông Gorchkov nhận định, thêm rằng đây là kịch bản ít khả năng xảy ra nhất trong trường hợp Ukraine chiếm nhà máy điện hạt nhân Kursk.
Giới quan sát cho rằng Ukraine cũng có thể đang cố gắng tước nguồn cung cấp năng lượng quan trọng của Nga trong khu vực. Nhà máy Kursk cung cấp gần 90% tổng lượng điện cho tỉnh. Năm 2023, nhà máy sản xuất 19,1 tỷ kWh điện, cao hơn gấp đôi nhu cầu tiêu thụ của tỉnh Kusk.
Phần lớn điện do nhà máy sản xuất được cung cấp cho các khu vực lân cận và lưới điện thống nhất của Nga. Nếu Nga mất kiểm soát nhà máy, tỉnh Kursk sẽ gặp nhiều vấn đề về nguồn cung điện.
Nhưng việc Ukraine kiểm soát nhà máy sẽ không gây áp lực lên các tỉnh lân cận, bởi lượng điện bị mất có thể được bù đắp bởi các nguồn khác. Trong hệ thống năng lượng trung tâm của Nga, nhà máy Kursk chỉ chiếm 2 GW trên tổng công suất 50 GW, và là nhà máy hạt nhân nhỏ nhất so với ba nhà máy khác trong cùng khu vực.
Tuy nhiên, việc tắt lò phản ứng của nhà máy để tước nguồn cung điện cho Nga cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Chuyên gia Laurence Williams tại Đại học Bangor, Anh, chỉ ra rằng nhà máy Kursk cần duy trì nguồn điện để vận hành hệ thống làm mát. Nếu hệ thống làm mát ngừng hoạt động, nhiên liệu trong lò phản ứng có thể tan chảy, phát tán phóng xạ ra ngoài.
"Tình hình có thể không nghiêm trọng như thảm họa Chernobyl, nhưng khá giống với những gì đã xảy ra ở Fukushima, Nhật Bản", Williams nói, cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng xấu tới chính các binh sĩ Ukraine đang tác chiến ở khu vực.
Theo chuyên gia này, trong trường hợp kiểm soát nhà máy hạt nhân Kursk, Ukraine nên giữ nguyên hiện trạng, cho phép các nhân viên tiếp tục vận hành nhà máy và tránh ngắt lưới điện. Một nhà khoa học hạt nhân Ukraine cũng cảnh báo rằng Kiev không có kiến thức cần thiết để vận hành nhà máy Nga, do chúng đã có nhiều thay đổi so với thiết kế của nhà máy Chernobyl.
Chuyên gia Gorchkov cũng cho rằng lựa chọn khả thi nhất của Kiev nếu kiểm soát nhà máy Kursk là giữ nguyên hiện trạng để biến nó thành lá bài mặc cả, trao đổi lấy nhà máy Zaporizhzhia mà quân đội Nga kiểm soát từ năm 2022.
"Mục đích hợp lý nhất để chiếm nhà máy Kursk là sử dụng để đổi lại quyền kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia trong bất kỳ cuộc đàm phán nào sắp tới. Đây có thể là bản chất chiến lược của động thái này. Việc kiểm soát một nhà máy hạt nhân trên lãnh thổ đối phương sẽ làm tăng đáng kể vị thế đàm phán", Gorchkov đánh giá.
Tuy nhiên, ông cảnh báo sẽ việc dùng lực lượng quân sự để kiểm soát nhà máy hạt nhân Kursk tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là khi quân đội Nga đang phòng thủ tại đây.
"Nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân đang ngày càng rõ nét khi chiến sự kéo dài. Bất kỳ nỗ lực nào cũng có nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân, rò rỉ phóng xạ", ông nói.
Khuyến cáo từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho thấy nếu nguy cơ xung đột bao trùm lên các nhà máy hạt nhân, các bên cần thực hiện mọi nỗ lực tránh một cuộc tấn công bằng vũ khí hạng nặng nhằm vào cơ sở.
"Tôi kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để tránh sự cố hạt nhân có thể gây hậu quả nghiêm trọng", Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi ra tuyên bố. "Tôi đã liên hệ với giới chức ở cả hai nước và sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này".
Đức Trung (Theo Moscow Times, AFP, Reuters)