Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 15/11, tướng không quân Robert Kehler, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), tuyên bố lực lượng hạt nhân chiến lược nước này có quyền kháng lệnh từ Tổng thống Mỹ nếu cho rằng mệnh lệnh đó không hợp pháp và đúng đắn, Independent đưa tin.
Tuy nhiên, tướng Kehler cũng cho biết việc kháng lệnh Tổng thống sẽ dẫn tới "những cuộc đối thoại rất khó khăn". Nó có thể khiến Tổng thống Mỹ quyết định cách chức chỉ huy STRATCOM và bổ nhiệm người mới để thực thi mệnh lệnh ngay lập tức.
Ngoài ra, hành động kháng lệnh của chỉ huy STRATCOM chỉ có thể kéo dài thời gian nhưng không ngăn được hành động khai hỏa tên lửa hạt nhân. Các sĩ quan trực tiếp vận hành hầm phóng tên lửa vẫn có thể thực hiện thao tác khai hỏa mà không cần sự đồng tình của tướng chỉ huy cao nhất.
Bruce Blair, cựu sĩ quan điều khiển bệ phóng tên lửa hạt nhân, cho biết kể cả khi chỉ huy STRATCOM tin rằng quyết định của Tổng thống Mỹ là phi pháp, mệnh lệnh này cũng không thể bị ngăn chặn vì nó được gửi đồng thời tới cả chỉ huy STRATCOM và các kíp vận hành tên lửa. Tư lệnh STRATCOM có thể gửi lệnh hủy phóng tên lửa tới kíp vận hành, nhưng không có gì bảo đảm nó sẽ tới kịp lúc.
Cuộc điều trần được tổ chức trong bối cảnh chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với Mỹ, khi nhiều người tỏ ra lo ngại rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc khẩu chiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đơn phương ra quyết định tấn công phủ đầu.
"Chúng tôi lo ngại rằng Tổng thống Mỹ có thể ra lệnh tấn công hạt nhân gây nguy hại tới lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ", thượng nghị sĩ Chris Murphy thuộc đảng Dân chủ tuyên bố.
Quy trình phóng tên lửa hạt nhân của Mỹ
Nếu mệnh lệnh tấn công hạt nhân phủ đầu được xác nhận là hợp pháp, không ai có thể ngăn cản quyết định của Tổng thống Mỹ, dù đó là Quốc hội hay Lầu Năm Góc, cũng như các sĩ quan quản lý kho vũ khí chiến lược của Washington. "Tổng thống Mỹ có thể tung đòn tấn công hủy diệt chưa từng có trên thế giới. Ông ấy không cần tham vấn ai, không cần phải gọi cho Quốc hội hay tòa án", cựu phó tổng thống Mỹ Dick Cheney tuyên bố hồi năm 2008.
Lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ được xây dựng để có thể nhận mệnh lệnh một cách nhanh chóng, thay vì chờ đợi những cuộc tranh luận kéo dài. Tốc độ phản ứng được coi là yếu tố sống còn trong chiến tranh trước những cường quốc như Nga và Trung Quốc, vốn được cho là đủ khả năng hủy diệt nước Mỹ trong vài phút.
Trong trường hợp nổ ra chiến tranh, tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Nga cần 30 phút để bắn tới Mỹ, thời gian này sẽ giảm một nửa với tên lửa phóng từ tàu ngầm. Sau hàng loạt bước xác nhận, Tổng thống Mỹ chỉ có chưa đầy 10 phút để tiếp nhận thông tin, xem xét giải pháp ứng phó, trước khi tổ chức cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Quốc phòng, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và các cố vấn khác.
Chỉ huy STRATCOM sau đó đưa ra các tùy chọn tấn công, Tổng thống Mỹ sẽ lựa chọn phương án tấn công và chuyển lệnh qua chiếc valy hạt nhân. Bên trong valy chứa tài liệu hướng dẫn sử dụng Hệ thống Phát sóng Khẩn cấp, một cuốn sổ liệt kê các mục tiêu tấn công, một cuốn sổ ghi các điểm ẩn nấp an toàn cho Tổng thống và một thẻ có mã xác thực để Tổng thống xác nhận danh tính.
Sau bước xác nhận danh tính với Lầu Năm Góc, Tổng thống Mỹ sẽ gửi lệnh phóng tên lửa tới STRATCOM để khởi động đòn tấn công hạt nhân. Một khi tên lửa đã rời bệ phóng, không còn cách nào để ngăn chặn một đòn tấn công hạt nhân có nguy cơ hủy diệt thế giới, Blair thừa nhận.
Tử Quỳnh