Vụ phun trào núi lửa ở Iceland vào năm 2010 đã làm tê liệt hoạt động hàng không ở châu Âu, hàng loạt chuyến bay bị hủy. Bụi núi lửa có thể gây thiệt hại cho cả những chiếc máy bay hiện đại nhất. Dưới đây là những gì sẽ xảy ra khi một chiếc máy bay đi qua miệng núi lửa, theo Rambler.
Hầu hết núi lửa đều có độ cao lớn, dung nham phun trào có thể cao tới vài chục mét. Tro núi lửa có thể trải dài hàng kilomet từ miệng núi lửa. Đây chính là những hạt đá nhỏ từ lòng núi lửa, phân tán trong không khí dưới dạng bụi nóng hổi. Máy bay không chỉ gặp nguy hiểm khi bay qua miệng núi lửa đang hoạt động, mà còn trong phạm vi ảnh hưởng của vụ phun trào. Cơ quan khí tượng phải theo dõi chặt chẽ những số liệu về hướng gió mang tro bụi núi lửa, sau đó chuyển thông tin tới các trạm kiểm soát không lưu.
Thực tế, phi công khó có thể phân biệt đám mây bình thường với đám mây bụi núi lửa bằng mắt. Tro núi lửa được tạo thành từ các hạt bụi siêu nhỏ, nên có thể mài mòn, phá hủy lớp vỏ của những chiếc máy bay lao đi với tốc độ hàng trăm kilomet trên giờ. Một bộ phận nhạy cảm khác của máy bay là kính chắn gió - dễ dàng bị che khuất hoặc vỡ vụn dưới tác động từ tro núi lửa. Khi các nhà thiết kế chưa biết về sự ảnh hưởng của tro núi lửa, từng có những trường hợp nó khiến máy bay bị hỏng động cơ, rơi và chỉ hoạt động lại sau vài phút.
Tro bụi núi lửa vốn có nhiệt độ cao, một khi bay vào động cơ chúng tiếp tục nóng lên và tan chảy, tạo thành khối chất kết dính. Khối này nhanh nguội, có thể gây nhiễu và phá hủy động cơ, khiến máy bay sập nguồn điện.
Trung Nghĩa (Theo Rambler)