Bệnh viêm não Nhật Bản do virus viêm não Nhật Bản (JEV) thuộc nhóm B gây ra. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản và các nhà khoa học nước này đã phân lập được virus vào năm 1935, nên bệnh được đặt tên là viêm não Nhật Bản.
JEV lây truyền qua muỗi Culex, sau khi chúng hút máu từ các loài động vật bị bệnh, rồi truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Các loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa... và chim hoang dã.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus viêm não Nhật Bản sẽ tấn công hệ thống thần kinh trung ương và xâm chiếm não, gây sưng tấy, viêm nhiễm và thường làm tổn thương các cơ quan quan trọng, phức tạp nhất. Người bệnh có thể chịu những khuyết tật nặng về thể chất hoặc xuất hiện những thay đổi về tâm thần. Đôi khi, triệu chứng rõ ràng nhất của JE là thay đổi hành vi, dẫn đến chẩn đoán không chính xác về tâm thần.
Chỉ một trong 250 ca mắc viêm não Nhật Bản dẫn đến triệu chứng nghiêm trọng nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh khá cao, khoảng 30-50%. Đối với phần lớn những người sống sót, di chứng mà bệnh để lại rất nặng nề.
Theo một bài viết được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh, 30% những người bị JE sống trong tình trạng thiểu năng vận động do biến dạng tay và chân, 20% bị suy giảm nhận thức và ngôn ngữ nghiêm trọng và 20% khác bị co giật. Khoảng 30-50% trường hợp sẽ sống tiếp với di chứng tâm thần vĩnh viễn. Một nghiên cứu ở Cam Túc, Trung Quốc, phát hiện ra tình trạng di chứng thần kinh ở 44,7% bệnh nhân JE, bao gồm trí tuệ dưới mức thường, được đánh giá dựa trên chỉ số IQ, ở 21,2% đối tượng.
Ngoài ra, những trường hợp khuyết tật sau JE rất đa dạng như: bị mất thị lực; khiếm khuyết về thể chất dẫn tới phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc từ gia đình; phụ thuộc vào máy thở và không thể đứng dậy được hoặc vật lộn với chứng mệt mỏi dai dẳng sau vài năm mắc bệnh. Thông thường, ngay cả những người được cho là "hồi phục tốt" sau JE cũng phải trải qua những thay đổi như: gặp khó khăn trong học tập, thay đổi hành vi hoặc thần kinh nhưng khó phát hiện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có khoảng 68.000 người trên toàn cầu mắc viêm não Nhật Bản. Trong đó, 75% các trường hợp xảy ra ở trẻ em từ 14 tuổi trở xuống và khoảng 15.000-20.000 người tử vong. Những con số này có nguy cơ gia tăng do tình trạng tăng dân số, biến đổi khí hậu và mô hình sử dụng đất khiến một số khu vực rộng lớn trên thế giới thuận lợi cho virus viêm não Nhật Bản phát triển.
JEV là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi.
Hiện chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu đối với viêm não Nhật Bản và phương pháp điều trị chỉ nhằm làm giảm triệu chứng. Màn chống muỗi và thuốc chống côn trùng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, nhưng vaccine vẫn được coi là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh, giảm các triệu chứng nghiêm trọng của JE cũng như tỷ lệ tử vong.
Theo WHO, hiện có 4 loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản đang được sử dụng gồm vaccine bất hoạt có nguồn gốc từ não chuột, vaccine bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào vero, vaccine sống giảm độc lực và vaccine tái tổ hợp sống.
Cục Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trước khi vaccine viêm não Nhật bản Jevax được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, JEV từng là nguyên nhân của khoảng 25-30% ca viêm não nhập viện, nhiều trường hợp tử vong. Hiện nay tỷ lệ này đã giảm (còn dưới 10%) sau nhiều năm triển khai tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi, với tỷ lệ tiêm duy trì ở mức cao.
Hiện Việt Nam đang có hai loại vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em và người lớn là Imojev và Jevax. Đối với Jevax, nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Trẻ tiêm đủ 3 mũi thì hiệu quả bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Cứ 3-4 năm cần tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Với vaccine Imojev, trẻ em từ 9 tháng đến 18 tuổi chỉ cần tiêm một liều cơ bản và một liều nhắc lại sau một năm đã đủ tạo miễn dịch. Người từ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi.
Rất nhiều ca mắc viêm não Nhật Bản là do không tuân thủ lịch tiêm vaccine. Do đó, để đảm bảo hiệu quả miễn dịch tốt nhất, mọi người cần tiêm đủ mũi, đúng lịch theo khuyến cáo.
Như Ý (Theo Gavi, VNVC)