Xe tăng và phương tiện quân sự của NATO tham gia cuộc tập trận quân sự Iron Spear ở Latvia trong tháng này. Ảnh: Reuters.

Xe tăng và phương tiện quân sự của NATO tham gia cuộc tập trận quân sự Iron Spear ở Latvia trong tháng này. Ảnh: Reuters.

Ba Lan còn có một lựa chọn khác quyết liệt hơn là kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO, trong đó nêu rõ "một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên NATO sẽ được coi là đòn tấn công chống lại tất cả các thành viên" và liên minh có thể sử dụng vũ lực để đáp trả.

Khi Điều 5 được kích hoạt, mỗi thành viên NATO sẽ phải "hành động nếu cần thiết, trong đó có cả sử dụng lực lượng vũ trang, nhằm khôi phục và duy trì an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương".

Điều 5 về phòng thủ tập thể mới chỉ được viện dẫn một lần, sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ ngày 11/9/2001. Lực lượng NATO sau đó đã được triển khai tới Afghanistan tham chiến.

Khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng hai, NATO đã lần đầu tiên trong lịch sử kích hoạt Lực lượng Phản ứng nhanh gồm 40.000 quân được huy động từ nhiều nước thành viên. NATO sau đó điều quân đến các quốc gia có biên giới với Nga và Ukraine, gồm Romania và Hungary, để tăng cường sức mạnh cho những nhóm chiến đấu đã đóng quân ở các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan.

Vào cuối tháng một, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố "có một điểm trong Điều 5 rất rõ ràng: Bất cứ cuộc tấn công chống lại một thành viên NATO nào đều là cuộc tấn công chống lại tất cả chúng ta".

"Như Tổng thống Biden đã nói, Mỹ coi đây là nghĩa vụ thiêng liêng và chúng tôi sẽ thực hiện đúng theo cam kết đó", ông Austin nói.

Việc kích hoạt Điều 5 được coi là điều kiện để NATO khởi động một phản ứng vũ trang ở châu Âu, đặc biệt là nếu Ba Lan chứng minh được rằng sự cố tên lửa rơi trên lãnh thổ của mình là một cuộc tấn công có chủ ý.

Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan đến nay vẫn chưa cung cấp thông tin chứng minh điều này. Các quan chức Mỹ và châu Âu cũng lưu ý rằng họ vẫn trong quá trình thu thập thông tin và tham vấn đồng minh.

Tổng thống Joe Biden cho hay sẽ bảo đảm các bên xác định rõ ràng điều gì đã xảy ra, nhưng ông cho rằng "đường bay của quả đạn cho thấy ít có khả năng nó được phóng từ Nga".

Đây là lý do nhiều chuyên gia đánh giá vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan sẽ không châm ngòi cho một cuộc xung đột toàn diện giữa NATO và Nga.

Đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy Moskva có ý định bắn tên lửa vượt qua biên giới vào lãnh thổ Ba Lan. Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận tên lửa của họ gây ra vụ nổ tại Ba Lan, khẳng định bất kỳ tuyên bố nào khác đều là "hành vi khiêu khích có chủ ý nhằm leo thang tình hình".

Vị trí tên lửa rơi xuống ngôi làng biên giới Przewodow của Ba Lan. Đồ họa: Guardian.

Vị trí tên lửa rơi xuống ngôi làng biên giới Przewodow của Ba Lan. Đồ họa: Guardian.

Dù Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng hàng loạt quan chức Ukraine khác gọi vụ nổ ở Ba Lan là hành vi có chủ ý, giới chuyên gia nhận định Nga không có lý do gì ra quyết định tấn công vào lãnh thổ một quốc gia NATO, đặc biệt là khi tên lửa lại rơi trúng một ngôi làng ở thị trấn biên giới.

"Đó không phải điều bạn hướng tới, ngay cả khi bạn đang cố gắng trả đũa việc các thành viên NATO gửi vũ khí cho Kiev", Brown nhận xét. "Và thông thường, phát súng cảnh cáo luôn đi kèm với những lời cảnh báo".

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, MSNBC)