Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra giữa xe khách và xe cứu nạn cứu hộ trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hôm 18/3 gây nhiều tranh luận. Qua đây chúng ta cần rút ra những bài học, để trong tương lai, việc cứu hộ cứu nạn trên đường cao tốc được an toàn hơn cho người tham gia giao thông và lực lượng chức năng, cũng như công tác cứu hộ cứu nạn đạt hiệu quả tốt nhất.
1. Đối với lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn khi tiếp cận hiện trường bằng việc lưu thông ngược chiều trên đường cao tốc phải có quy chế chặt chẽ. Chỉ huy thống nhất, hiệp đồng nhuần nhuyễn giữa các lực lượng phải có kế hoạch và nhiều phương án từ trước. Theo đó việc tập luyện, tập huấn, diễn tập phải thường xuyên.
2. Xe được quyền ưu tiên khi tham gia cứu hộ cứu nạn chỉ được lưu thông ngược chiều trên đường cao tốc khi hiện trường và đường dẫn đến hiện trường mà các phương tiện cứu hộ cứu nạn đi qua đã được các đơn vị chức năng "dọn sạch": phân luồng, điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn. Lực lượng chức năng đó gồm đội quản lý đường cao tốc địa bàn, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, lực lượng dân phòng, dân quân địa phương... Trong điều kiện hiện tại thì việc thông tin sự cố trên tuyến đường nào đó đến lái xe qua radio là tương đối nhanh, khả thi, tuy nhiên không phải lái xe nào cũng tiếp cận được. Nếu cứu nạn cứu hộ nơi thảm hoạ, khủng bố cần thông tin lập tức qua tin nhắn SMS.
3. Với người tham gia giao thông phải tự giác chấp hành luật giao thông, tự giác nhường đường khi thấy tín hiệu từ các phương tiện ưu tiên.
4. Phạt thật nặng lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên. Lắp đặt thêm nhiều camera hoặc trưng dụng hình ảnh ghi được từ lỗi vi phạm để xử lý nghiêm theo pháp luật.
5. Quay lại vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng hôm 18/3, anh lái xe cứu hộ xử lý tình huống chủ quan, nóng vội, quá tự tin vào xe ưu tiên, phán đoán tình huống chưa tốt; anh lái xe khách không tập trung, cố đấm ăn xôi, từ làn giữa ra làn ngoài, hòng cắt đầu xe cứu hộ.
Tuy nhiên, đúng sai đến đâu, chúng ta hãy chờ kết luận của Cơ quan chức năng. Hình ảnh video mà chúng ta xem có giá trị lớn, nhưng cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố cần xem xét. Quy trình điều tra án giao thông còn cần đến kết quả đo đạc hiện trường, chứng cứ hiện trường, kết quả kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích bị cấm với các lái xe, kết quả phân tích lịch sử hành trình, thời gian cầm lái, phần trả lời của lái xe và người liên quan, thông tin của các nhân chứng, các thiết bị ghi hình từ các phương tiện khác nếu có, kết quả trưng cầu giám định kỹ thuật phương tiện, kết quả mô phỏng tai nạn qua phần mềm chuyên dụng, thực nghiệm hiện trường.... mới đưa ra được kết luận cuối cùng. Vì vậy chúng ta hãy bớt phần gay gắt để chờ cơ quan công an kết luận.
Xe cứu hoả được trang bị đèn còi ở mức ưu tiên số một. Tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật theo Thông tư liên tịch 02/2008 của Bộ Công an - Quốc phòng - Y tế - Giao thông vận tải - Khoa học và Công nghệ đối với xe chữa cháy tóm tắt như sau: Chu kỳ tín hiệu : 20ms; Tần số điều chế: 580 - 1400Hz; Công suất ra: 70W; Chu kỳ còi phát ra: 120 lần/phút; Cường độ âm thanh: 125 - 135 dB; Chế độ còi ưu tiên: Báo động ( WALL ).
Như vậy, nếu kết quả trưng cầu giám định kỹ thuật cho rằng đèn còi của xe cứu hộ trước khi gặp nạn vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo yếu tố kỹ thuật nêu trên thì việc lái xe khách không nhận ra từ khoảng cách 200 - 300 mét là điều bất thường? Ngồi trên xe sang với nội thất tĩnh lặng, kể cả là nghe nhạc, ngoài trời đổ mưa cũng nghe rất rõ tiếng báo động của xe cứu hoả từ xa. Bởi vì còi/đèn xe cứu hoả được tính toán để mọi phương tiện tham gia giao thông đều có thể nhận biết được từ rất xa.
Thông thường tài xế chạy liên tỉnh đặc biệt là tuyến gần chạy rất nhanh bắt chấp tất và mắt rất tinh. Một bóng áo vàng gần với màu áo công an mà lấp ló sau bụi cây thì các anh cũng phát hiện ra ngay, giảm tốc độ tới mức rất lành để qua chốt. Thông tin cho rằng tài xế không nghe thấy, không nhìn thấy tín hiệu từ xe ưu tiên, chỉ khi còn 10 mét mới kịp nhận ra và "rầm"... cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc!
Độc giả Nguyễn Phúc Tâm