Đã ba năm ba tháng kể từ ngày chúng tôi rời Việt Nam để đến mảnh đất này. Trước khi đi, điều khiến tôi và chồng quan tâm và lo lắng nhất là liệu các con của tôi có thể hòa nhập và phát triển tốt ở New Zealand hay không, khi một đứa vừa học hết một kì đầu tiên lớp một ở Việt Nam và chưa hề biết tiếng Anh, còn đứa nữa mới 18 tháng, tiếng Việt còn chưa nói được. Nhưng cho tới giờ phút này, điều chúng tôi lo lắng nhất lại là điều làm chúng tôi hài lòng nhất khi học tập và sinh sống nơi đây.
An toàn là điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận và được tận hưởng. Tôi khá đồng ý với bạn Khiếu Thị Quỳnh Trang với bài viết “Giáo dục là tạo ra sự an toàn”. Cảm nhận về sự an toàn, thanh bình còn đến từ nhiều khía cạnh khác khi bạn sinh sống và học tập ở nơi đây.
Không khí trong lành, thức ăn và đồ uống thì sạch sẽ, vệ sinh. Tôi rất ngạc nhiên khi cơm nấu rồi để ngoài không khí thông thường ba ngày mà không bị thiu, ăn hoa quả không cần phải rửa và gọt vỏ.
Điều tuyệt vời nhất với một người mẹ như tôi là con cái sang đây cực kỳ khỏe mạnh. Bệnh viêm phế quản của cậu con trai bé bỏng là cơn ác mộng đối với tôi khi còn ở Việt Nam. Tháng nào tôi cũng phải cho con dùng kháng sinh hay đi bệnh viện. Trước khi đi, tôi lo lắng đến nỗi mua hết khoảng 4 triệu VND tiền thuốc để mang sang đây. Nhưng thú thật là vừa rồi tôi phải vứt đi hàng loạt vì thuốc hết hạn sử dụng mà tôi cũng chưa dùng tới.
Pháp luật nghiêm minh và bình đẳng cũng là cái gốc tạo nên sự an toàn trong cuộc sống. Dù có là John Key (Thủ tướng đương nhiệm New Zealand), là Len Brown (thị trưởng Auckland) hay bất kì ai thì cũng phải xếp hàng bình thường cho tới lượt mình khi đi mua sắm hay vào cửa hàng ăn, sử dụng các dịch vụ công.
Bạn có thể ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh sát dẹp đường và đảm bảo an toàn cho người dân diễu hành suốt từ phố Willis, đến Lambton Quay rồi tụ tập ở trước nhà quốc hội để phản đối chính sách nào đó của chính phủ. Bạn cũng có thể dễ dàng thấy trên trang nhất báo giấy hoặc báo điện tử bài viết với các thông tin chi tiết xem từng chuyến công du nước ngoài của các chính khách, bộ trưởng của New Zealand chi tiêu hết bao nhiêu tiền từ ngân sách.
Đây là quyền lợi hết sức hiển nhiên của những người dân nơi đây. Họ làm việc, đóng thuế đầy đủ và có quyền đòi hỏi bộ máy công quyền sử dụng tiền thuế phù hợp và đem lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng.
Tôi chưa có dịp đi nhiều nơi trên thế giới trước khi đến New Zealand. Trước khi đi, một anh bạn của chồng tôi từng sang Anh từ khi còn học phổ thông, rồi tiếp tục làm việc và định cư ở đó, có qua chơi và nhắc nhở chúng tôi về sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc, sự miệt thị của người da trắng đối với người da đen và người da vàng.
Chúng tôi hơi lo ngại về điều đó mặc dù khá tự tin rằng chúng tôi sẽ sống, làm việc và học tập để có quyền tự hào là người Việt Nam. Trên thực tế, điều lo lắng đó đã thừa khi bạn đến New Zealand, khi được tiếp xúc với người dân nơi đây, chứng kiến họ cởi mở và thân thiện như thế nào.
Tôi sang đây học nghiên cứu sinh. Ngay từ khi mới vào trường, gặp thầy hướng dẫn và nhân viên của khoa, tôi được đối xử bình đẳng như bất kì thành viên khác. Ở đây, sự đơn giản, thân thiện và không cầu kì thể hiện ngay cả trong cách xưng hô chỉ cần gọi tên (first name) mà không cần chức danh hay học hàm học vị.
Trong nghiên cứu khoa học, thầy không bao giờ áp đặt ý kiến của thầy mà luôn tôn trọng ý kiến của trò, dù thầy có sửa thì vẫn nhắc đi nhắc rằng là đấy là quan điểm của thầy, trò có thể đồng ý hoặc không. Thầy cũng sẵn sàng nói lời xin lỗi trò hoặc nhận rằng mình đã sai, hoặc lĩnh vực đó thầy không biết. Tất cả những điều đó làm cho người học cảm thấy thoải mái, nhưng cũng tăng cường ý thức trách nhiệm về việc mình làm.
Chỉ mới ba năm ba tháng thôi nhưng tôi và gia đình nhỏ của mình đã quá yêu đất nước này. Đất nước New Zealand xinh đẹp mang lại cho chúng tôi quá nhiều điều tốt đẹp và chúng tôi tự nhủ rằng chúng tôi sẵn sàng cống hiến một phần nhỏ của mình vào sự phát triển bền vững nơi đây. Hãy đến New Zealand, bạn sẽ có những cảm nhận của riêng mình về an toàn, tự do bình đẳng và thân thiện.
Một câu hỏi quan trọng mà tôi thường nhận được đó là bạn yêu New Zealand hơn hay Việt Nam hơn. Câu trả lời của tôi là chắc chắn là Việt Nam, bởi đó là nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên, nơi có bố mẹ ông bà và bao người thân thiết. Đó cũng chính là thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm tới con cái và bạn bè, hãy là chính mình cho dù bạn ở nơi đâu, hãy hòa nhập nhưng không hòa tan.
Thật tuyệt vời khi chính phủ New Zealand cũng khuyến khích điều này và họ luôn có hỗ trợ cho những nhóm cộng đồng như vậy. Vì vậy, tôi và một số người bạn tâm huyết đang triển khai dự án Gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em ở New Zealand. Với tôi, thấy người Việt ở nước ngoài không còn nói được tiếng Việt, không còn gìn giữ được bản sắc văn hóa tốt đẹp của Việt Nam là một sự mất mát vô cùng to lớn.
Nguyễn Thị Thanh Hà