Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình từng tới California, Mỹ, hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ông Tập chưa đến Washington, vậy nên chuyến đi gần hai năm trước không được xem là lần thăm Mỹ chính thức của lãnh đạo Trung Quốc.
Phải đến tháng 9 năm nay, Chủ tịch Tập mới chính thức công du tới Mỹ sau khi nhận lời mời qua điện thoại của Tổng thống Barack Obama hôm 10/2. Washington và Bắc Kinh nhất trí sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thành công cho chuyến thăm cấp nhà nước quan trọng này của ông Tập.
Chủ tịch Tập hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ "mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, quân sự, năng lượng, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng và thực thi pháp luật". Ông Tập đồng thời thúc giục Washington "nới lỏng hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao tới Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ", theo Xinhua.
Giới phân tích nhận định việc có quá nhiều chương trình nghị sự được nêu ra cho thấy chưa bên nào quyết định được những ưu tiên của mình. "Trung Quốc thông báo về chuyến thăm chỉ như một cách để gửi tín hiệu rằng họ rất tích cực xây dựng mối quan hệ hợp tác với chính quyền Tổng thống Obama, và về mặt nào đó, họ đang nắm quyền điều khiển", Guardian dẫn lời Steve Tsang, chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học Nottingham, nhận xét. "Tất cả mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất", Tsang nói thêm. Cũng theo ông, tương quan về tình trạng kinh tế giữa hai quốc gia sẽ định hình chiều hướng phát triển của cuộc gặp mặt.
Jin Canrong, giảng viên tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng qua chuyến thăm lần này, Bắc Kinh mong muốn có những tác động nhất định để thay đổi vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, sang hướng "tập trung hơn vào hợp tác với Trung Quốc thay vì đối đầu".
Shi Yinhong, một học giả khác cũng đến từ Đại học Nhân dân, thì suy đoán cả hai quốc gia sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu và tìm biện pháp tăng cường đầu tư. Nhưng ông không kỳ vọng sẽ có bước đột phá đáng kể trong hợp tác. "Dựa trên tình trạng hiện tại của mối quan hệ song phương, chuyến thăm của Chủ tịch Tập chủ yếu nhằm mục đích hàn gắn xung đột", ông Shi đánh giá.
Di sản ngoại giao
Chuyến thăm Mỹ của ông Tập được xác nhận sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay. Câu hỏi đặt ra là vì sao thời điểm này lại được lựa chọn. Theo Diplomat, đây là thời gian trùng với lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc, ông Tập sẽ thuận tiện hơn khi bay tới New York tham dự sự kiện này sau khi gặp mặt Tổng thống Obama tại Washington.
Lễ kỷ niệm cũng là dịp để lãnh đạo Trung Quốc xúc tiến các cuộc gặp song phương với những đối tác quan trọng khác như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay thậm chí có khả năng là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Về các chương trình nghị sự giữa hai lãnh đạo Trung-Mỹ, ngoài việc bàn thảo các khía cạnh liên quan đến lợi ích chung, ông Tập và Obama cũng sẽ tập trung vào các vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước. Nhưng nhìn chung, theo giới quan sát, đối với các chuyến thăm lớn, Mỹ và Trung Quốc đều muốn thảo luận về các vấn đề tích cực, mang lại lợi ích cho các bên liên quan hơn.
Trong lần công du tới Mỹ trước đây của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, các tuyên bố chung được đưa ra đều nhấn mạnh vào hợp tác kinh tế, xây dựng "niềm tin chiến lược", mở rộng quan hệ quốc phòng, quân sự, bàn cách giải quyết các "thách thức toàn cầu" mà đôi bên cùng quan tâm và chia sẻ.
Hai nước đều có xu hướng tránh né các vấn đề gây căng thẳng, ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.Ví dụ như tháng 11 năm ngoái, khi tới Bắc Kinh, ông Obama chỉ nỗ lực để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và tăng cường sử dụng nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp, thay vì giải quyết những bất đồng về an ninh mạng hay tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông.
Thêm vào đó, tổng thống Mỹ đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ, nhân chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc, chính quyền Obama có lẽ muốn tận dụng cơ hội này để làm nổi bật những thành tựu, tiến bộ mà hai nước đã đạt được nhằm làm rực rỡ thêm di sản ngoại giao trong suốt 8 năm cầm quyền của ông, theo Diplomat.
Chuyến thăm chính thức tới Washington lần này của ông Tập nhiều khả năng sẽ mang đến một kết thúc có hậu cho Hiệp định Đầu tư Song phương Trung-Mỹ (BIT). BIT dường như luôn là vấn đề nghị sự quan trọng trong các chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Trung Quốc. Nếu được nhất trí thông qua, BIT sẽ là một thành quả hoàn hảo giúp hai nhà lãnh đạo củng cố hình ảnh đối với người dân trong nước.
Đặc biệt, Mỹ sẽ hưởng lợi lớn khi có thể đưa ra thông điệp rằng họ hoàn toàn không tìm cách để kiềm tỏa Trung Quốc. BIT được xem như đòn bẩy trong quan hệ Mỹ - Trung, giúp hai nước tìm được tiếng nói chung, ngăn chặn cái mà nhiều nhà phân tích miêu tả là nguy cơ "Chiến tranh Lạnh về kinh tế".
Không loại trừ khả năng Chủ tịch Tập sẽ gửi gắm những thông điệp quan trọng tới cả đối tác và đối thủ thông qua chuyến thăm sắp tới. Giống với những người tiền nhiệm, ông Tập thường có xu hướng đưa ra các câu khẩu hiệu nhằm thể hiện tầm nhìn chiến lược của mình trước dân chúng.
Năm 2012, khi còn giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc, cũng trong chuyến thăm Mỹ, ông Tập đã đề cập đến khái niệm "quan hệ cường quốc kiểu mới", ngụ ý rằng Mỹ và Trung Quốc nên coi nhau như những thực thể có vị thế ngang bằng.
Tuy nhiên, trong những năm qua, quan hệ Trung-Mỹ gần như vẫn chưa thật sự phát triển theo đường hướng trên. Vì thế, trong chuyến thăm, Chủ tịch Tập sẽ không bỏ qua cơ hội để tái định hình mối quan hệ Trung-Mỹ trong trung và dài hạn theo khái niệm cũ hoặc hơn thế, đưa ra những câu khẩu hiệu thể hiện quan điểm mới, cây bút Ankit Panda từ Diplomat bình luận.
Vũ Hoàng