"Cả thế giới quan tâm bệnh nhân khiến chúng tôi thêm căng thẳng, lo mình sơ suất làm ảnh hưởng đến bệnh viện, đến quốc gia", điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm, 28 tuổi, khoa Hồi sức Tích cực (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ hôm 22/6.
Chị Thắm có kinh nghiệm 5 năm trong nghề điều dưỡng, được phân công chăm sóc riêng bệnh nhân phi công. Cùng với chị còn 11 điều dưỡng nữa, chia làm 3 ca trực mỗi ngày. Mỗi kíp trực chính chỉ có hai điều dưỡng trực tiếp, số còn lại chia làm hai nhóm ứng trực vòng ngoài, sẵn sàng hỗ trợ nếu điều dưỡng chính ốm hay quá mệt.
Chị Thắm trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phi công từ ngày 22/5, khi anh ta chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM sang Chợ Rẫy. Chị thuộc nhóm điều dưỡng chịu trách nhiệm chính, trực tiếp túc trực, theo dõi toàn diện bệnh nhân trong phòng riêng. Đến nay, chị đã 32 ngày chăm sóc cho bệnh nhân đặc biệt này.
![Điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm. Ảnh: Hữu Khoa.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/06/23/Dieu-duong-Cho-ray1-7069-1592902827.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ANZk-fLS9KRyAp3CuWaltA)
Điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm. Ảnh: Hữu Khoa.
Bệnh nhân rất cao lớn, nặng 88 kg, trong khi các nữ điều dưỡng vóc dáng nhỏ bé, chỉ nặng hơn 40 kg. Vì thế, trong phòng luôn có hai người để hỗ trợ bệnh nhân mỗi khi cần xoay trở tư thế, vận động, tập vật lý trị liệu. Kể cả khi bệnh nhân ngủ, điều dưỡng duy trì trạng thái tập trung cao độ, theo dõi các chỉ số sinh tồn. Suốt ca trực, các chị không được làm việc gì khác, không được dùng điện thoại.
"Nếu bệnh nhân có diễn biến bất thường nào mà điều dưỡng không kịp thời phát hiện, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi", chị Thắm cho hay.
Khi bắt đầu điều trị tại Chợ Rẫy, tình trạng bệnh nhân rất nặng, mọi hoạt động sống phụ thuộc vào máy ECMO (hệ thống oxy hóa máu ngoài cơ thể). Bệnh nhân không có người thân hay bạn bè ở Việt Nam. Tất cả việc ăn uống, hỗ trợ vệ sinh cá nhân, động viên tinh thần khi bệnh nhân tỉnh lại, hoàn toàn do các điều dưỡng đảm nhận.
Điều dưỡng Thắm nói rằng có lẽ đây là bệnh nhân đáng nhớ nhất trong cuộc đời chị. Bệnh nhân là người nước ngoài, nếp sinh hoạt khác biệt, các điều dưỡng phải dành rất nhiều tâm huyết mới "chiều" được.
Điều khó khăn nhất khi bệnh nhân tỉnh là mâu thuẫn về ngôn ngữ. Phi công nói tiếng Anh giọng Scotland. Chị Thắm cho biết các điều dưỡng với vốn tiếng Anh cơ bản không kịp nghe hiểu, bệnh nhân khó chịu, thậm chí nổi cáu.
"Biết bệnh nhân đau đớn nên mới phản ứng như vậy, nhưng bỗng dưng bị quát, tôi cũng buồn một chút", điều dưỡng Thắm nói.
Rút kinh nghiệm, chị chủ động học thêm tiếng Anh mỗi ngày để giao tiếp và chăm sóc bệnh nhân tốt nhất. Những lúc cần giải thích kỹ về tình trạng bệnh, chị dùng thêm Google dịch. Bên cạnh đó, chị tìm kiếm thông tin thêm về bệnh nhân trên báo chí để thấu hiểu và có cách trò chuyện phù hợp.
Người bệnh tương đối nhạy cảm, khả năng chịu đau kém. Trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào, điều dưỡng phải tiếp xúc, thông báo, giải thích chi tiết trước. Thành ra, mỗi công việc dù rất đơn giản như đo huyết áp, mạch, chăm sóc vết thương... đều cần thời gian gấp đôi, gấp ba so với bình thường. Chị Thắm tự nhiên rèn thêm được tính kiên nhẫn dù lựa chọn nghề nghiệp này, tính cách chị vốn dĩ đã dịu dàng.
Chế độ ăn uống của bệnh nhân cũng khác biệt. Khi bắt đầu ăn được qua đường miệng, anh ta ăn rất ít và không "chịu" đồ ăn Việt Nam. Do đó, ngày nào điều dưỡng cũng phải hỏi trước bệnh nhân muốn ăn gì để báo nhà bếp chuẩn bị riêng. Thấy bệnh nhân ăn quá ít, điều dưỡng phải vừa ép vừa dỗ. Hiện tại, bệnh nhân ăn ngon miệng nhất với mì Ý spaghetti và sườn cừu chế biến theo phong cách Tây.
Không chỉ áp lực từ phía người bệnh, ê kip chăm sóc còn luôn trong tình trạng căng thẳng vì xã hội, truyền thông thế giới quan tâm đặc biệt đến bệnh nhân.
Chị Hoàng Thị Thi, điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, nói: "Khi bệnh nhân bắt đầu hồi tỉnh, ai cũng nghĩ bệnh nhân đã thoát cửa tử, tình hình không thể xấu đi. Thực sự, mọi người càng lạc quan, nhóm điều dưỡng càng lo lắng gấp bội. Nếu 'canh' bệnh nhân không kỹ, cấp cứu không kịp có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng".
Trước, bệnh nhân hôn mê, điều dưỡng đã thay phiên nhau có mặt 24/24 giờ, làm thuốc, lau người, theo dõi nhất cử nhất động của bệnh nhân. Nay bệnh nhân tỉnh táo, nhóm điều dưỡng thêm nhiệm vụ trò chuyện, giải tỏa tâm lý bí bách vì ở phòng kín lâu ngày cho người bệnh.
![Điều dưỡng Thắm cùng đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân phi công, chiều 22/6. Ảnh: Hữu Khoa.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/06/23/cho-ray-2-4400-1592902827.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MFCLfqvQw4wlOBLmFGdXTg)
Điều dưỡng Thắm cùng đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân phi công, chiều 22/6. Ảnh: Hữu Khoa.
Sự chăm sóc tận tình chu đáo của các điều dưỡng, những quyết định điều trị y khoa chính xác kịp thời của các bác sĩ, đã giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử và đang từng bước hồi phục.
"Không chỉ tôi mà tất cả các y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đều vui mừng, hạnh phúc khi bệnh nhân mỗi ngày một tốt hơn. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để bệnh nhân xuất viện hoàn toàn khỏe mạnh", điều dưỡng Thắm chia sẻ.
Bệnh nhân phi công Anh, 43 tuổi, ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam. Anh ta nhập viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ngày 18/3, ban đầu khỏe mạnh, sau đó nặng dần, mắc hội chứng "bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá chống lại chính cơ thể. Bệnh nhân hôn mê sâu, suy đa tạng, suy thận, phổi đông đặc có lúc đến 90%, phải lọc máu liên tục, can thiệp ECMO, dùng thuốc kháng đông và chống rối loạn đông máu. Có những lúc các thầy thuốc tưởng chừng không thể cứu được bệnh nhân.
Thư Anh