Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, chiều 23/6 cho biết: "Hiện bệnh viện đã nhận được tiền chuyển khoản của công ty bảo hiểm cho bệnh nhân phi công trong thời gian nhập viện và điều trị Covid-19 từ ngày 18/3 đến 22/5".
Chi phí điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy chưa được tính toán do bệnh nhân chưa xuất viện.
Phi công quốc tịch Anh, 43 tuổi, là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghi nhận nhiễm nCoV, điều trị tại Khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ngày 18/3. Khi đó kết quả xét nghiệm cho thấy tải lượng virus của bệnh nhân cao gấp nhiều lần người bệnh khác. Các bác sĩ đã cảnh giác ngay từ đầu với tình trạng bệnh nhân, tiến hành thảo luận để thống nhất hướng điều trị.
Khi ấy, cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn rất mới mẻ. Còn nhiều điều về dịch tễ, về điều trị liên quan đến căn bệnh mới, các chuyên gia y tế thế giới đang loay hoay lý giải. Do đó, việc điều trị dựa theo chủ yếu kinh nghiệm của các bác sĩ Nhiệt đới. Bác sĩ Châu hồi tháng 5 từng chia sẻ, với các bác sĩ, đó là những ngày "rất cực, rất quá tải, rất mệt", thậm chí "đến lúc ngủ cũng nằm mơ thấy phác đồ điều trị cho phi công".
Một nhóm chat online được thành lập, quy tụ những chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành hồi sức, truyền nhiễm, huyết học, hô hấp, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng... tập trung theo dõi và hội chẩn về "bệnh nhân 91".
Bệnh nhân mắc hội chứng "bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá chống lại chính cơ thể; phổi đông đặc, hôn mê sâu, can thiệp ECMO, phải dùng thuốc kháng đông heparin. Anh vừa bị rối loạn đông máu do Covid-19, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT - giảm tiểu cầu do dị ứng với heparin, nguy cơ chảy máu cao, đe dọa tính mạng.
Các bác sĩ hội chẩn, quyết định chuyển qua dùng thuốc kháng đông bằng tĩnh mạch. Thuốc chưa từng sử dụng tại Việt Nam, Bộ Y tế phải làm thủ tục mua thuốc từ Đức.
Khi chuyển từ Khoa Nhiễm D sang khoa Khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh nhân được 8 bác sĩ bệnh viện Nhiệt đới và Chợ Rẫy cùng 16 điều dưỡng ngày đêm túc trực chăm sóc.
Phổi bệnh nhân cứ đông đặc nặng dần. Lần chụp CT đầu tiên hôm 12/5 thấy tình trạng xơ hóa đông đặc toàn bộ hai phổi, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong nếu rời máy hỗ trợ sự sống. Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Đến ngày 18/5, bệnh nhân chụp CT lần hai, xác định phổi có những dấu hiệu phục hồi 10-20%. Ngày 20/5, Bộ Y tế khẳng định bệnh nhân đã được điều trị hết nCoV. Sự hồi phục của bệnh nhân được đánh giá là "kỳ diệu", nhờ sự nỗ lực hết mình của đội ngũ y bác sĩ.
Ngày 22/5, bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy. Đến hôm nay, bệnh nhân đã có thể tự thở vào ban ngày, ban đêm thở oxy 0,5 lít một phút, tỉnh táo, giao tiếp tốt. Kết quả CT scan ngực cho thấy 85% phổi hồi phục. Tình trạng nhiễm trùng đã hết.
Bệnh nhân có thể cầm nắm tự ăn, viết, sử dụng điện thoại tinh tế, ăn được đồ ăn thông thường, tập vật lý trị liệu, tập bước và đứng lên cơ chân. Các chuyên gia y tế hội chẩn quốc gia chiều 22/6 nhận định bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần nữa để phục hồi thể trạng mới đảm bảo có thể đi lại an toàn.
Lê Cầm