Chia sẻ tại sự kiện về thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress tổ chức chiều 31/10, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM đã bày tỏ băn khoăn này. Ông nói, nhiều doanh nghiệp đang bối rối trong việc xây dựng bộ phận y tế, từ diện tích phòng ốc, nhân sự đến tủ thuốc.
Theo ông, thông thường chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có phòng y tế. Nhưng bối cảnh sống chung với Covid-19 khiến doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau cùng đặt ra câu hỏi, số lượng lao động như thế nào thì cần có bộ phận này; Quy mô tương đương của bộ phận; Hay trước "một rừng toa thuốc trị Covid-19, đông tây y, doanh nghiệp muốn lập tủ thuốc cơ bản thì chọn như thế nào?
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM đặt vấn đề về tính chính danh của các khu điều trị F0 của doanh nghiệp, có nên thiết lập cơ sở y tế chuyên điều trị Covid-19 ngoài các đơn vị y tế thông thường theo quy định.
Ở góc độ doanh nghiệp trong ngành F&B, bán lẻ, ông Lê Đình Hội, Tổng giám đốc Công ty QSR Việt Nam đặt câu hỏi về việc chuẩn bị nhân sự, vật tư y tế khi đặc tính của nhóm ngành này là người lao động rải rác ở các điểm bán.
Bên cạnh đó, ông Việt Anh cũng nói rằng đang bối rối về các văn bản liên quan thông tin y tế. Ông không biết làm việc với ai, như thế nào, hướng dẫn y tế nào là cập nhật nhất. Theo ông, hiện có quá nhiều văn bản y tế liên quan đến chống dịch của Bộ, thành phố, quản lý khu công nghiệp... "Một rừng thông tin nhưng chúng tôi chưa có cái để in ra mà treo lên tại doanh nghiệp", ông kết luận.
Trả lời những vấn đề này, TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia) cho biết, để sống chung với Covid-19, mỗi doanh nghiệp cần thành lập một ban phòng chống Covid-19 có bộ phận y tế với khả năng dự phòng, phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời. Với các địa phương có đủ vaccine, năng lực này có thể sẽ đơn giản hơn.
Ví dụ, TP HCM hiện là nơi có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất cả nước khi gần 100% người trưởng thành được tiêm 1 mũi, gần 80% người được tiêm 2 mũi. "Có thể tự tin là nếu có ca nhiễm Covid-19 thì khả năng bệnh nhân trở nặng là rất thấp. Chưa kể đối tượng công nhân lại nằm trong nhóm trẻ tuổi", bà Thu Anh nói.
Như vậy, bà cho rằng việc thành lập một đơn vị riêng để điều trị F0 tại doanh nghiệp là không cần thiết. Theo đó, bộ phận an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở đã là đủ.
Trong bối cảnh này, các năng lực y tế mà doanh nghiệp cần sẽ là đo nhiệt độ, kiểm tra các triệu chứng, rà soát sự tiếp xúc với các nguồn nghi lây nhiễm... Doanh nghiệp theo đó cần nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong đơn vị này để họ có kỹ năng thực hiện một số công việc, đặc biệt là công tác dự phòng như nhắc nhở công nhân đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, biết xác định mức độ nặng nhẹ của người bệnh bằng cách đo SP02...
"Những việc này thì không cần người quá giỏi, chỉ cần họ chuyên cần, có trách nhiệm là được", bà nói.
Với những người người có triệu chứng ho sốt, doanh nghiệp có thể cho nghỉ ở nhà, tự cách ly, xét nghiệm.
Trước câu hỏi của nhóm ngành F&B, bà cho biết, tại các doanh nghiệp này nên có một đầu mối để đưa ra kế hoạch, cách ứng phó cho cả mạng lưới cửa hàng. Ví dụ khi cần xét nghiệm, doanh nghiệp có thể liên kết với các cơ sở y tế bên ngoài để thực hiện cho nhân viên tại các điểm bán, kết quả online sẽ được trả về công ty. Tương tự với việc điều trị cho các ca nhiễm, cần liên kết với các bệnh viện khác.
Về tính chính danh, theo bà Thu Anh, nếu doanh nghiệp có bác sĩ, họ có thể điều trị cho người nhiễm Covid-19 bằng gói thuốc B (bao gồm các loại thuốc đặc trị như kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông). Còn nếu không có bác sĩ, họ chỉ được điều trị bằng gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Doanh nghiệp theo đó cần liên kết với các phòng khám tư nhân, trung tâm y tế quận huyện. Với bệnh nhân nặng cần chuyển lên các bệnh viện, cơ sở y tế.
Bà cũng nhấn mạnh, việc điều trị cho người nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp chỉ nên thực hiện khi các cơ sở y tế bên ngoài không thể tiếp nhận người lao động. Hiện TP HCM đã không còn nguy cơ này nhưng những tinh miền Tây Nam Bộ có thể sẽ phải đối mặt.
Bổ sung, TS Phạm Đức Mạnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, thực tế, Bộ đã có khung pháp lý, hướng dẫn cơ bản về cơ sở y tế cho các doanh nghiệp, nhà máy. Với các cơ sở khám chữa bệnh kê đơn, ông lưu ý, cần có giấy phép từ cơ quan y tế cho thành lập. Cơ sở đó cũng cần phải có bác sĩ có giấy phép hành nghề (làm toàn thời gian hoặc bán thời gian). "Người đó phải chịu trách nhiệm chuyên môn thì mới có tính chính danh được", ông trả lời câu hỏi của ông Phương.
Tương tự, về gói thuốc cho doanh nghiệp, bà Thu Anh cũng nói rằng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vấn đề này, doanh nghiệp có thể chuẩn bị theo. Với vấn đề thứ hai, bà Thu Anh cho biết, các hiệp hội doanh nghiệp có thể thành lập nhóm và mời chuyên gia y tế đến để hỗ trợ, cập nhật các thông tin mới, đơn giản nhất.
Tóm lại, bà Thu Anh lưu ý, để thích ứng, trước hết, doanh nghiệp cần có năng lực để hiểu rõ nguy cơ lây lan và bùng phát dịch tại địa phương nơi họ đặt nhà máy, cũng như nguy cơ trong nội bộ. Lãnh dạo đơn vị cần theo dõi tình hình số liệu dịch bệnh, hiểu được tính chất công việc, nguy cơ lây nhiễm của người lao động, từ đó mới có thể phản ứng kịp thời, hạn chế tối đa tác động.
Thứ hai, doanh nghiệp cần có năng lực dự phòng chống lây lan virus bên trong doanh nghiệp như biết cách tăng thông thoáng khí, chia người lao động giảm nguy cơ tiếp xúc; áp dụng biện pháp giảm lây lan khác như đeo khẩu trang, rửa tay. Thứ ba, doanh nghiệp cần có biện pháp để phát hiện sớm người nhiễm bệnh, sau đó, cần cách ly nhanh chóng để hạn chế các tác động đến sản xuất, kinh doanh.
Đức Minh