Luật sư tư vấn
Theo khoản 2 điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Theo khoản 2 điều 79 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ các quy định nêu trên, việc điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của người lao động nhằm bù vào sự lạm phát; qua đó, đảm bảo tiền lương hưu của người lao động sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với mức lạm phát trong từng thời kỳ.
Cụ thể, theo Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội áp dụng từ ngày 1/1/2021 như sau:
- Đối với mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội trước năm 1995 là 5,01; năm 1995 là 4,25; năm 1996 là 4,02; năm 1997 là 3,89; năm 1998 là 3,61; năm 1999 là 3,46; năm 2000 là 3,52; năm 2001 là 3,53; năm 2002 là 3,40; năm 2003 là 3,29; năm 2004 là 3,06; năm 2005 là 2,82; năm 2006 là 2,62; năm 2007 là 2,42; năm 2008 là 1,97; năm 2009 là 1,84; năm 2010 là 1,69; năm 2011 là 1,42; năm 2012 là 1,30; năm 2013 là 1,22; năm 2014 là 1,18; năm 2015 là 1,17; năm 2016 là 1,14; năm 2017 là 1,10; năm 2018 là 1,06; năm 2019 là 1,03; năm 2020 là 1,00; năm 2021 là 1,00.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng theo mức nêu trên.
Ví dụ 1: Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội năm 2010 của Nguyễn Văn A là 48 triệu đồng thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của A trong năm 2010 là 81,12 triệu đồng (48 triệu đồng x 1,69).
Như vậy, dù tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của A trong năm 2010 chỉ là 48 triệu đồng nhưng được coi như tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong năm 2010 là 81,12 triệu đồng và được hưởng lương hưu với mức sau điều chỉnh này.
- Đối với mức điều chỉnh thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2008 là 1,97; năm 2009 là 1,84; năm 2010 là 1,69; năm 2011 là 1,42; năm 2012 là 1,30; năm 2013 là 1,22; năm 2014 là 1,18; năm 2015 là 1,17; năm 2016 là 1,14; năm 2017 là 1,10; năm 2018 là 1,06; năm 2019 là 1,03; năm 2020 là 1,00; năm 2021 là 1,00.
Thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng theo mức nêu trên.
Ví dụ 2: Tổng thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội năm 2010 của Lê Thị B là 42 triệu đồng thì Thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của B trong năm 2010 là 70,98 triệu đồng (42 triệu đồng x 1,69).
Như vậy, dù tổng thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của B trong năm 2010 chỉ là 42 triệu đồng nhưng được coi như tổng thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội trong năm 2010 là 70,98 triệu đồng và được hưởng lương hưu với mức sau điều chỉnh này.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM